Phạm Thanh Vũ dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm tòi, đi nhiều nơi trong cả nước để tham quan, học hỏi các mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Anh đã đoạt giải Nhất cuộc thi Khởi nghiệp - Đổi mới sáng tạo tỉnh Kiên Giang năm 2019 với dự án khởi nghiệp "Mô hình ứng dụng công nghệ cao vào canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ sinh học" và vinh dự là một trong 12 đại biểu thanh niên tỉnh Kiên Giang đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ VIII nhiệm kỳ 2019 - 2024.
Từ dự án khởi nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Phạm Thanh Vũ từng là sinh viên ngành Khoa học cây trồng, Đại học Cần Thơ nhưng tự nhận mình là nông dân. Trên diện tích 2 ha, Vũ vừa làm trại thực nghiệm 4.500 m2 sản xuất đủ các loại rau màu, vừa canh tác cùng lúc nhiều loại giống lúa hữu cơ. Sau một thời gian gieo trồng chỉ với mục đích thực nghiệm, nghiên cứu đất, tình hình sâu bệnh trên cây trồng đây là vụ đầu tiên anh trồng để thu hoạch với các loại chủ yếu: dưa leo, cà chua, dưa lê, dưa lưới, dưa hấu không hạt. Chi phí đầu tư khoảng 15 triệu đồng/1.000 m2, ước năng suất một vụ ba tháng đạt 5 tấn/1.000 m2. Tính trên tổng diện tích 4.500 m2, lợi nhuận đạt 60% chi phí ban đầu, Vũ thu được khoảng hơn 40 triệu đồng/vụ.
Vũ chia sẻ, từ năm thứ ai đại học anh đã tìm tòi về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học. Vừa học Vũ vừa làm dịch vụ chăm sóc vườn, lắp đặt hệ thống thủy canh gia đình, hỗ trợ quản lý dịch hại và kỹ thuật trong nhà kính, tham gia thiết kế thi công dự án nông nghiệp. Nhờ vậy, Vũ có kinh phí để các đi các tour du lịch nông nghiệp, tham quan các mô hình nông nghiệp ở nhiều nơi. Trong quá trình tham quan, chỗ nào cần tìm hiểu kỹ hơn và có thể học hỏi được, Vũ ghi chú lại để trở lại một lần nữa. Vũ cũng tìm đến những chuyên gia, những người giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực trồng trọt để học hỏi. Bên cạnh đó, Vũ tham gia các diễn đàn, hội thảo về nông nghiệp, trực tiếp phát biểu, đóng góp ý kiến, phản biện, từ đó hiểu thêm nhiều vấn đề trong lĩnh vực mình tìm hiểu. Với Vũ nghiên cứu khoa học cần phải theo sát với tình hình thực tế sản xuất bởi thông số kỹ thuật của quy trình sản xuất các loại nông sản luôn có sự khác biệt tùy theo điều kiện canh tác về thổ nhưỡng, khí hậu mỗi vùng đất.
Sinh ra và lớn lên ở Hòn Đất, Vũ nhận thấy quê hương có điều kiện khí hậu thuận lợi, diện tích đất canh tác nông nghiệp lớn và hệ thống kênh thủy lợi thông thoáng. Tuy vậy, đa số nông dân ở đây chuyên canh lúa, chỉ có số nhỏ sản xuất rau màu nhưng chưa được quy hoạch thành khu tập trung và còn sản xuất theo tập quán cũ nên chất lượng, năng suất các loại sản phẩm rau màu chưa cao. Mô hình ứng dụng công nghệ cao vào canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ sinh học mà Vũ nghiên cứu, triển khai thực hiện giúp nông dân chủ động hơn thời vụ canh tác, tiết kiệm chi phí nhân công lao động, tăng diện tích và sản lượng nông sản, ngoài ra còn giúp nông dân dễ dàng quản lý khu vực sản xuất của mình. Việc canh tác theo hướng hữu cơ sinh học giúp tạo ra nông sản đáp ứng các nhu cầu về an toàn thực phẩm, đồng thời tạo sự bền vững cho đất nông nghiệp làm cho đất đai ngày càng màu mỡ. Trong đó, mô hình trồng rau thủy canh quy mô hộ gia đình đã được Vũ triển khai lắp đặt hơn một năm nay tại địa phương. Tùy theo nhân khẩu mỗi gia đình, anh lắp đặt giàn 4 - 5 m2 hoặc 10 - 15 m2 nhằm đáp ứng đủ nhu cầu rau sống ăn hàng ngày; chi phí lắp đặt khoảng 2,5 - 20 triệu đồng/giàn.
… đến khảo nghiệm và sản xuất lúa hữu cơ
Phạm Thanh Vũ chia sẻ, khi tìm hiểu các loại giống lúa, trong đó có một số loại chưa có trên thị trường đang lai tạo, qua giới thiệu của bạn bè, anh được một người bạn chuyên chọn tạo giống cho thử nghiệm giống lúa thảo dược, thích ứng được điều kiện phèn, mặn và khô hạn. Trong quá trình nhân giống, anh được gặp thầy Tín (Tiến sĩ Huỳnh Quang Tín, Trưởng Bộ môn Tài nguyên Cây trồng, Viên Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long - PV) và được thầy mở ra hướng đi mới là sản xuất giống lúa chuyên về kháng phèn, kháng mặn và khả kháng bệnh. Thầy giao cho Vũ bộ ba giống đã được công nhận lúa giống cấp quốc gia, bao gồm: Long Hồ 8, AG 1 và TC 7 về canh tác thử nghiệm.
Theo Phạm Thanh Vũ, quy trình sản xuất các giống lúa này không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng phân 100% hữu cơ - loại phân có nguồn gốc từ thực vật, từ xác cây, thân cỏ… được ủ hoai mục để bón, rất tốt cho cây trồng. Nhờ vậy mà các giống lúa này có thể chịu được nhiều điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau, thân thiện với môi trường và có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiện Vũ canh tác mỗi giống lúa trên diện tích 3.000 m2. Sau khi thu hoạch, năng suất đạt 800 kg/1.000 m2, riêng giống lúa thảo dược năng suất là 500 kg/1.000 m2. Vũ sẽ chọn lọc một phần nhỏ để làm giống tiếp tục, phần còn lại làm gạo thương phẩm và bán lẻ trực tiếp cho bà con. Anh cho biết, sắp tới sẽ đầu tư máy xay xát chuyên để xay gạo lứt và máy tách lẫn (tách màu) để tách hết phần tạp lẫn trong gạo lứt, đảm bảo tốt nhất chất lượng sản phẩm.
Sản phẩm gạo sạch bán ra thị trường được chia làm hai phân khúc: Sản phẩm bình dân giá 13.000 - 17.000 đồng/kg và sản phẩm cao cấp để khẳng định thương hiệu giá 30.000 - 50.000 đồng/kg. Sản phẩm gạo cao cấp có giá thành cao vì sản lượng không nhiều, năng suất không cao trong khi phẩm chất tốt, độ dinh dưỡng cao. Vũ quan niệm tiêu chí bán nông sản là giá thành dựa trên giá trị dinh dưỡng nông sản mang lại, hoặc ngược lại là giá trị dinh dưỡng quyết định giá thành.
Hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất gạo sạch hữu cơ ở Long An, Thành phố Hồ Chí Minh muốn liên kết với Vũ cung cấp nguyên liệu gạo sạch. Tuy nhiên, tạm thời anh chưa đồng ý vì còn vừa muốn sản xuất vừa liên kết với nhiều chuyên gia để khảo nghiệm nhiều giống lúa mới. Vũ chia sẻ, sau vụ đầu tiên này, vụ tới anh sẽ gieo trồng thử nghiệm khoảng hơn 20 giống lúa mới nữa, trong đó chủ lực vẫn là bộ ba giống lúa Long Hồ 8, AG 1 và TC 7. Bên cạnh đó, anh cho lắp đặt ngay trên đất canh tác hệ thống camera để người tiêu dùng có thể theo dõi trực tuyến quá trình sinh trưởng của cây trồng. Cuối mỗi vụ, Vũ sẽ làm một video tổng hợp để người tiêu dùng hiểu được quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ của các loại nông sản sạch.
Thay cho lời kết, cũng là người mà chàng thanh niên trẻ, giàu nhiệt huyết muốn tri ân khi ủng hộ và giúp đỡ anh hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp về sản xuất nông nghiệp hữu cơ - Bí thư Huyện đoàn Hòn Đất Vũ Hoài Thanh nhìn nhận: "Phạm Thanh Vũ là tấm gương dám nghĩ, dám làm trên con đường lập thân, lập nghiệp của tuổi trẻ. Với niềm đam mê nông nghiệp và lý tưởng làm giàu trên chính vùng đất quê hương, Vũ đã tích cực trong lao động, luôn học hỏi, tìm tòi và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để thực hiện các dự án, mô hình mà anh ấp ủ từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học".