Người nông dân sản xuất nông cụ xuất đi 14 quốc gia Mặc dù chỉ học đến lớp 7 nhưng anh nông dân Phạm Văn Hát (Hải Dương) đã sáng chế ra nhiều máy móc đơn giản, hiệu quả phục vụ nông nghiệp, góp công lớn trong việc tăng thu nhập cho bà con nông dân. Anh là cha đẻ của hơn 30 loại máy móc cơ khí nông nghiệp. Sản phẩm do anh Hát sáng chế đã được tiêu thụ ở 63 tỉnh thành trên cả nước và xuất đi 14 quốc gia trên thế giới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng hoa, tuyên dương một số gương điển hình trong một số lĩnh vực tiêu biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Anh Hát chia sẻ: “Bản thân tôi đã từng xây dựng trang trại rau an toàn trong 4 năm nhưng đã thất bại, từ đó tôi thấu hiểu những khó khăn của bà con. Đó là muốn có cánh đồng lớn, muốn có công nghiệp hóa hiện đại hóa phải có máy móc thay thế cho con người chứ không thể sử dụng sức người mãi được”.
Con đường tạo ra nhà khoa học "chân đất" bắt đầu từ năm 2010 khi anh Hát quyết định đi xuất khẩu lao động sang Israel. Tại đây, anh được giao nhiệm vụ đi rải phân bằng cuốc, xẻng. Anh nhận thấy công việc không hiệu quả khi 8 người làm cả ngày chỉ được vài trăm mét vuông. Sau đó, anh đã nói với chủ sẽ chế ra chiếc máy rải phân tự động thay thế cho 15-20 lao động. Ngay ngày hôm sau, anh đã bắt tay vào nghiên cứu, sáng chế chiếc máy rải phân tự động ngay tại Israel.
Từ chiếc máy này, đến nay, với hàng chục sáng chế sản phẩm cơ khí nông nghiệp, anh Phạm Văn Hát vẫn không ngừng sáng tạo, tiếp tục, cải tiến và chế tạo thêm nhiều loại máy nông cụ để giúp người lao động nông thôn đảm bảo năng suất, cải thiện điều kiện lao động. Một trong những sản phẩm tiêu biểu nhất phải kể đến, đó là chiếc máy gieo hạt hay còn gọi là “robot đặt hạt”. Sản phẩm này đã được xuất khẩu 14 nước và tiêu thụ ở 63 tỉnh thành.
Anh Hát cho biết, chiếc máy đã có người trả bản quyền 5 tỷ đồng nhưng anh không bán bởi theo anh, đây là tâm huyết tạo ra sản phẩm có giá trị trên thị trường, áp dụng được vào thực tiễn. Đây cũng là cách để mọi người tin tưởng rằng người không được học những lớp đào tạo chuyên môn, chỉ ở trình độ học vấn lớp 7, không có kỹ năng, chưa từng đi bộ đội, làm công nhân cũng có thể trở thành nhà sáng chế các sản phẩm tiện ích phục vụ xã hội.
Là nông dân thực thụ, từ thực tế công việc hàng ngày và quá trình tư duy trong lao động, từ năm 2012 đến nay, anh Hát đã tạo ra 30 loại sản phẩm cơ khí nông nghiệp, được người nông dân đón nhận và sử dụng hiệu quả. Theo anh Hát, bản thân là nông dân nên những quy trình làm ruộng đất như thế nào anh nắm rõ, từ đó anh đem kiến thức nông nghiệp của mình vận dụng vào việc sáng chế các cỗ máy này. Anh Hát cho biết, "rô bốt đặt hạt" của anh chỉ cần một người điều khiển nhưng có thể thay thế 40 người làm việc.
Người thầy áo xanh Suốt 10 năm qua, trên hòn đảo tiền tiêu của vùng biển Tây Nam - đảo Hòn Chuối luôn có bóng dáng một người thầy- người lính mang màu áo xanh thân thuộc. Anh là Thượng úy Trần Bình Phục, Đội phó Đội Vận động quần chúng, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Cà Mau.
Thượng úy Trần Bình Phục, Đội phó Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng đảo Hòn Chuối tham gia giao lưu tại chương trình. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Đảo Hòn Chuối (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) có khoảng 50 hộ dân, 170 nhân khẩu sinh sống. Đời sống người dân quanh năm bám biển, chuyện lo cái ăn, cái mặc đã là một gánh nặng, do đó, chuyện học hành của con em trên đảo từ nhiều năm qua không được xem trọng. Với tấm lòng thương yêu con trẻ, khi nhận nhiệm vụ năm 2009, Thượng úy Trần Bình Phục đã bắt tay ngay vào việc mở một lớp học tình thương trên đảo.
Ban đầu việc vận động các em đến trường là vô cùng khó khăn do bản thân các em cũng như gia đình đều không có suy nghĩ phải đi học. Nhưng qua lời khuyên nhủ, động viên của thầy Phục, các em đã dần chịu đến lớp, đi học đều hơn.
Qua 10 năm kiên trì, nỗ lực, giờ đây, 100% em nhỏ trên đảo trong độ tuổi đến trường đã đi học; có em được vào đất liền học tiếp. Trong những năm đứng lớp giảng dạy ở Hòn Chuối, từng ngày, thầy Phục luôn trăn trở cố gắng truyền đạt kiến thức cho các em một cách tốt nhất, để kiến thức của em ở ngoài đảo gần hơn với đất liền. Nhờ vậy mà từ ngôi trường tình thương này, đã có gần 30 em vào đất liền để tiếp tục việc học. Đến nay, có em đã tốt nghiệp đại học, ra trường và có việc làm ổn định.
Thượng úy - thầy giáo Trần Bình Phục đã từng ngày từng giờ thay đổi nhận thức của dân đảo, từ việc không coi trọng, quan tâm đến việc học tập của con trẻ, nay chủ động, khuyến khích, tạo điều kiện cho con em mình đi học, có kiến thức, thay đổi cuộc đời.