Lái xe ở Trường Sơn
Tại căn nhà ở tổ 17, phường Sông Hiến, thành phố Cao Bằng (Cao Bằng), cựu chiến binh Trần Đình Du mở đầu câu chuyện bằng kỷ vật về chiếc bàn cạo râu của Mỹ, nhặt được trên đường chiến đấu. Giờ nó đã cũ kỹ nhưng, ông vẫn giữ bên mình, mỗi khi nhìn thấy nó, ông lại nhớ về những ngày tháng chiến đấu khốc liệt năm xưa.
Năm 1972, ông Du viết đơn tình nguyện nhập ngũ khi mới 22 tuổi. Sau khi kết thúc khóa huấn luyện lái xe tại trường Lái xe Quân khu Việt Bắc (xã La Hiên, huyện Đình Cả, tỉnh Thái Nguyên), ông được biên chế vào đơn vị C2, Sư đoàn 470, Bộ Tư lệnh 559.
Ông đã lái xe đi khắp tuyến đường Trường Sơn. Đường Đông Trường Sơn hẹp, khó đi, do đó trong suốt những năm lái xe trên con đường này, xe của ông chỉ chạy số 1, số 2, chưa bao giờ đi được số 3. Còn đường Tây Trường Sơn luôn mịt mù bụi, các xe phải chạy cách nhau hơn 10 mét mới nhìn thấy đường. Khi nghỉ lái xe, ông bước xuống đường thì bụi ngập đến đầu gối. Hầu hết các chiến sĩ bụi bám đầy mình, chỉ hai con mắt là sáng ngời ý chí, quyết tâm.
Chuyến đi mà ông Du nhớ nhất là mùa mưa năm 1974, đoàn 12 xe được lệnh vận chuyển hàng từ vùng Hoài Ân (Bình Định) đến vùng chiến sự ác liệt. Sau khi chuyển hàng đến địa điểm tập kết, đoàn xe của ông được lệnh trở về rừng đúng 12 giờ. Tuy nhiên, 6/12 xe không nhận được lệnh nên đến 18 giờ cùng ngày, xe mới trở về. Lý do 6 xe về muộn là khi xe trở về đến gầm Bến Cát (Bình Dương) đã bị đồn giặc ở dưới khu vực bến cảng Sa Huỳnh phát hiện và bắn pháo liên tục. Khi về đến địa điểm tập kết, ông thấy cả 6 xe này đều bị pháo bắn nát thùng, bánh xe chỉ còn khung sắt.
Sau khi đã tập hợp đủ, đoàn xe tiếp tục hành quân về hậu cứ tại Gầm B (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị). Lúc này, Đông Trường Sơn bước vào mùa mưa nên đoàn xe phải rẽ vào ngã ba Khâm Đức (Kon Tum) trú an toàn. Đoàn xe phải dừng tại đây hơn một tuần. Lúc này, lương thực đã cạn kiệt, các lái xe phải ăn cây chuối, măng rừng. “Đôi khi nhặt một ngọn rau gì đó ăn, ăn không chết thì sẽ hái về ăn tiếp”, ông Du nói.
Chặng đường hành quân về hậu cứ của đoàn xe trên đường Trường Sơn gặp mưa nên khi xe qua A Sầu, A Lưới (Thừa Thiên - Huế) đến Đèo 41, tiếp tục gặp đường dốc, cua liên tục và trơn trượt. Nhưng để hoàn thành nhiệm vụ, các lái xe đã bất chấp nguy hiểm, đưa xe trở về hậu cứ thành công.
Theo ông Du, lái xe ở Trường Sơn ngoài đối diện với đói, bệnh tật, còn phải luôn tỉnh táo để không bị máy bay trinh thám của Mỹ phát hiện, tránh các đợt tấn công bằng máy bay bắn phá...
Lúc bấy giờ, lái xe trên đường Trường Sơn toàn chạy ban đêm. Mỗi xe được trang bị một đèn led, lắp ở dưới gầm xe, ánh sáng chỉ lóe lên trước mắt các lái xe tầm 2 mét nên xe chạy rất chậm (mỗi đêm chỉ đi được khoảng 10 km). Ông bảo: “Gọi là bò đi chứ không gọi là chạy xe”. “Cánh lái xe Trường Sơn yêu trăng lắm, chẳng phải vì lãng mạn đâu, những đêm trăng sáng sẽ không cần phải bật đèn; không bật đèn thì đỡ bị máy bay địch phát hiện”, ông Du cho hay.
Ông Du cũng cho biết, lúc đó Đường Trường Sơn không lúc nào ngừng tiếng bom rơi, đạn nổ nhưng xe chạy vẫn cứ chạy và những chuyến hàng cứ tiếp nối chi viện cho tiền tuyến miền Nam. “Thành công của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử có sự góp công lớn của những lái xe Trường Sơn”, ông Du nhấn mạnh.
Nữ công binh san lấp hố bom mở đường ra tiền tuyến
Trong buổi gặp mặt những người lính Trường Sơn của thành phố Cao Bằng (Cao Bằng) mới đây có cựu chiến binh Mai Thị Lan (phường Tân Giang, thành phố Cao Bằng), nữ công binh từng tham gia san lấp hố bom trên Đường 9 và tỉnh Savannakhet (Lào).
Bà Lan nhập ngũ năm 1972 khi mới 17 tuổi. Đến tháng 2/1972, bà được lệnh vào chiến trường B, biên chế tại Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 31, Sư 473, Đoàn 559; tham gia mở đường, san lấp hố bom, đón các đoàn xe chi viện cho tiền tuyến miền Nam.
Làm nhiệm vụ trên Đường 9, bà Lan đã chứng kiến những mất mát đau thương bởi cuộc chiến tranh khốc liệt. Đôi mắt nhìn xa xăm, bà hồi tưởng: “Lúc bấy giờ, hàng ngày trên đường 9 có hàng nghìn chuyến hàng đi qua. Có xe đi được, có xe bị lật đổ”.
Bà Lan cho biết, bà từng chứng kiến, một chiếc xe chở đầy gạo đang chạy trên đường, đến hố bom vừa lấp xong, do xe nặng lại đi trên nền đất yếu nên đã bị lật. Cả tiểu đoàn ào đến tháo dỡ hàng thật nhanh, hy vọng cứu được hai người lái xe. Tuy nhiên, một đồng chí hy sinh do mất nhiều máu, đồng chí còn lại phải cưa mất hai chân. “Bế người lái xe trên tay, chứng kiến giây phút anh nhắm mắt, tôi không thấy sợ, chỉ thấy xót xa vô cùng”, bà Lan xúc động kể.
Năm 1974, bà Lan được lệnh sang chi viện cho tỉnh Savannakhet (Lào). Hơn một năm ở Lào, bà cùng đồng đội phải nằm hầm ẩm ướt; thức ăn chính là ngọn sắn, lá ớt cay, lá tàu bay… Khó khăn nhất là việc bà cùng đồng đội phải chống chọi với căn bệnh sốt rét ác tính. Những trận sốt rét ác tính khiến người run cầm cập, sau đó tóc rụng, da vàng. Mỗi lần nhớ lại hình ảnh đó, bà Lan đều cho rằng chỉ có ý chí, khát vọng hòa bình mãnh liệt lắm mới có thể giúp bà cùng đồng đội sống được đến bây giờ.
San lấp hố bom trên các con đường chiến lược ở Lào cũng vô cùng nguy hiểm, bởi các nữ công binh phải dùng mìn phá lấy đất lấp hố bom. Bà Lan cho hay, trong quá trình san lấp hố bom, do đặt sai vị trí mìn phá đất, nên khi mìn nổ đã làm đồng chí Tầm ở Nam Định (khi đó mới 16 tuổi) bị mù cả hai mắt, phải cưa hai tay, hai chân. “Cô Tầm đã để lại cả thanh xuân và một phần thân thể cho những cung đường. Bây giờ cô ấy vẫn còn sống, hàng năm Tiểu đoàn chúng tôi vẫn tổ chức đến Nam Định thăm hỏi cô ấy. Dù chiến tranh đã qua hơn 40 năm, nhưng mỗi lần đến thăm Tầm, tôi vẫn thấy xót xa vô cùng”, bà Lan ngậm ngùi nói.
Tháng 2/1975, bà Lan được lệnh rút về tiếp quản Sài Gòn. Hai tháng sau đó, ngày 30/4/1975, Sài Gòn giải phóng, non sông thu về một mối, cả nước hát vang khúc khải hoàn. Dù không được chứng kiến trực tiếp lá cờ chiến thắng tung bay ở Dinh Độc Lập, nhưng khoảnh khắc đó, bà Lan cùng đồng đội đã reo hò đầy vui sướng và tự hào. Bà nói: “Sống gần 60 tuổi, tôi chưa bao giờ thấy mình vui sướng như thế. Cảm xúc thật khó tả. Chúng tôi, có người khóc, người cười, rồi lại cùng nhau hát vang những bài hát Trường Sơn”.
60 năm đã trôi qua, nhưng với cựu chiến binh Trần Đình Du, Mai Thị Lan và hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến năm xưa, thì Trường Sơn dẫu có gian khổ, ác liệt, song đầy tự hào và vinh quang. Và Trường Sơn vẫn vẹn nguyên, khắc khoải, nóng bỏng trong trái tim nhiệt huyết của các cựu chiến binh, của thế hệ hôm nay và mai sau.