Những lao động mê sáng chế, làm lợi hàng tỷ đồng - Bài 2: Đảm bảo dòng điện an toàn cho dân

Anh Phan Văn Điền, Công ty Điện lực Củ Chi và anh Võ Sỹ Danh, Công ty Truyền tải Điện 4, Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh, là những tấm gương sáng lan tỏa tinh thần trách nhiệm trong mỗi cán bộ, công nhân viên, lao động ngành điện.

Chú thích ảnh
Ông Phan Văn Điền (áo trắng) có nhiều năm gắn bó với ngành điện để cho ra đời những sáng kiến giúp dòng điện thông suốt. 

34 năm gắn bó với ngành

Chúng tôi gặp ông Phan Văn Điền, công tác tại Công ty Điện lực Củ Chi (thuộc Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh - EVN HCMC), khi ông vừa trở lại TP Hồ Chí Minh sau 3 tháng tham gia hỗ trợ cuộc đua nước rút dự án trọng điểm điện lưới của quốc gia,

Ông Điền cho biết: "34 năm gắn bó với ngành điện là ngần ấy thời gian tôi trải qua nhiều vị trí. Từ công nhân, trưởng ca điều độ, Phó phòng kỹ thuật và đến nay là Kỹ sư an toàn chuyên trách. Dù trên cương vị nào, tôi cũng luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ và là người thợ cả dìu dắt lớp thợ đàn em".

Theo ông Điền, khi còn ở vị trí công nhân, nhìn lớp đàn anh đi trước liên tục có sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ông Điền luôn ao ước một ngày sẽ có đứa con tinh thần mang tên mình. Năm 2008, được chuyển đến làm việc tại phòng Kỹ thuật, bước ngoặt này đã giúp ông từng bước khẳng định dấu ấn nghề nghiệp của mình. Sau 2 năm miệt mài nghiên cứu, đề tài nghiên cứu khoa học đầu tiên của ông Điền được công nhận, đó là đề tài “Nghiên cứu phương pháp sửa chữa, bảo trì trạm biến thế phân phối đối với đường dây trên không, với tiêu chí không gây mất điện khách hàng”

Lấy đó làm động lực, liên tiếp những năm sau, năm nào ông Điền cũng có 1-2 sáng kiến được ra lò. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016 - 2023, ông Điền có đến 9 sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học, với tổng số tiền làm lợi lên đến hàng tỷ đồng, góp phần vào công cuộc tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác cho đơn vị.

Trong các sáng kiến đã thực hiện, ông Điền đặc biệt tâm đắc với đề tài “Nghiên cứu phương pháp sửa chữa, bảo trì trạm biến thế phân phối đối với đường dây trên không với tiêu chí không gây mất điện khách hàng”, được thực hiện vào năm 2016.

Từ thực tế là khi xảy ra sự cố, để xử lý, đơn vị công tác phải cắt điện toàn bộ trạm biến áp rồi mới tiến hành thao tác; việc này làm gián đoạn cung cấp điện đối với toàn bộ khu vực sửa chữa, gây bức xúc đối với khách hàng sử dụng điện, đặc biệt sản lượng điện không bán được là rất lớn; ông Điền đã nghiên cứu phương pháp hòa đồng bộ 2 nguồn lưới hạ thế, nguồn điện được vận hành liên tục, không bị gián đoạn. Việc này đã giúp nâng cao độ tin cậy trong cung cấp điện cho khách hàng. 

Chú thích ảnh
Ông Phan Văn Điền (áo trắng) hướng dẫn thợ điện lắp đặt điện đảm bảo an toàn cho dòng điện thông suốt đến nhà dân. 

Ông Phan Văn Điền cho biết: “Ngành điện là ngành đặc thù, có rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn về tai nạn lao động. Là người làm công tác an toàn chuyên trách, tôi luôn xác định rõ nhiệm vụ và trách nhiệm của mình là mỗi ngày đều phải quan tâm, nhắc nhở anh em về công tác an toàn trong thời gian phổ biến đầu giờ. Ngoài ra, tôi thường xuyên đi kiểm tra hiện trường, hàng tháng tổ chức sinh hoạt an toàn, từ đó đánh giá những cái anh em làm được, cái chưa làm được, để rút kinh nghiệm cho bản thân mình và cho đồng nghiệp. Việc đảm bảo an toàn này không chỉ là mệnh lệnh, quy tắc của đơn vị, mà còn là vì chính bản thân của mỗi công nhân, là hạnh phúc của người thân trong gia đình”.

Là người làm việc với ông Điền nhiều năm, ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Củ Chi cho biết: "Anh Điền là một trong những tấm gương tiêu biểu cho công nhân ngành điện về sự kiên trì, nỗ lực, cầu tiến. Không chỉ đóng góp những sáng kiến tiền tỉ, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, anh Điền còn là một người thợ cả tận tâm hết lòng truyền đạt kiến thức, kỹ năng nghề cho thợ trẻ.

Song song với việc đưa ra nhiều sáng kiến, giải pháp hỗ trợ công tác chuyên môn và đảm bảo an toàn cho anh em công nhân, ông Phan Văn Điền còn biết đến là một người “thầy” - giảng viên nội bộ của Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh, đảm nhận nhiệm vụ huấn luyện và đào tạo cho đội ngũ công nhân trực tiếp mới về nhận nhiệm vụ. Trong 5 năm gần đây, ông Điền đã đào tạo bồi dưỡng trình độ tay nghề định kỳ hàng năm cho hơn 1.000 lượt người. Ngoài ra, ông còn trực tiếp huấn luyện cho đội thi thợ giỏi cấp Tổng công ty, tham dự các hội thi thợ giỏi cấp Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, hàng trăm thợ giỏi của Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh đạt danh hiệu thợ giỏi cấp Tập đoàn Điện lực Việt Nam nghề Quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp trung hạ thế, đều do ông Điền đào tạo.

Với những thành tích nổi bật, ông Phan Văn Điền nhiều lần được lãnh đạo đơn vị và các cấp tuyên dương khen thưởng, được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh, Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh trao tặng bằng khen. 

Đảm bảo an toàn lưới điện

Đối với ông Võ Sỹ Danh, Công ty Truyền tải điện 4 (PTC4), việc đảm bảo an toàn điện cũng được ông đặt lên hàng đầu khi làm việc. Ông là một trong những điển hình lao động giỏi, lao động sáng tạo trong lĩnh vực điện công nghiệp - điện tử - điện lạnh.

Ông Võ Sỹ Danh sinh ra tại vùng quê nghèo thuộc huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk. Trong ký ức của mình, ông Danh nhớ rất rõ hình ảnh người thợ đưa điện đến thắp sáng buôn làng. Mong ước lớn lên được làm việc trong ngành điện nhen nhóm trong tâm trí cậu bé 6 tuổi.  Tốt nghiệp THPT, để thực hiện ước mơ của mình, ông thi vào ngành Kỹ thuật Điện – Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh. Sau khi tốt nghiệp, ông vào làm việc ở PTC4 cho đến nay.

Học đúng ngành, làm đúng công việc mình yêu thích; như cá gặp nước, ông Danh không ngừng học hỏi, rèn luyện để khẳng định vị trí của mình tại doanh nghiệp. Trải qua nhiều vị trí công tác, sự nghiệp bắt đầu có những dấu ấn riêng biệt khi ông chuyển công tác đến Phòng Kỹ thuật.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Sỹ Danh (đứng), Phó trưởng Phòng Kỹ thuật, Công ty Truyền tải điện 4 trao đổi công việc với đồng nghiệp. 

Ông Võ Sỹ Danh cho biết: "Ban đầu khi đi làm, tôi vô cùng áp lực, bởi phải vừa đảm bảo an toàn cho dòng điện thông suốt, vừa không ngừng học hỏi để đồng hành cùng sự phát triển của đơn vị. Tôi đã cho ra đời 16 sáng kiến, góp phần khắc phục nhanh những công việc quan trọng, cấp bách, bảo đảm lưới điện vận hành liên tục và an toàn. Nhiều sáng kiến có giá trị làm lợi lên đến hàng chục tỉ đồng, trong đó phải kể đến sáng kiến Giải pháp hoàn thiện F85, F87L của các đường dây 220kV đang vận hành”.

Theo ông Danh, với sáng kiến này, ông phải dầy công nghiên cứu hơn 4 năm. Sau khi được vận hành, bảo vệ phối hợp truyền tín hiệu từ các thiết bị truyền cắt xa, đã nâng cao khả năng làm việc an toàn, tin cậy của các đường dây; đáp ứng loại trừ nhanh sự cố, tránh gây ảnh hưởng đến vận hành của lưới điện truyền tải. Tổng giá trị làm lợi của sáng kiến này lên đến 11 tỉ đồng.

“Với mỗi công nhân ngành điện, không ngừng đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ hàng đầu, đảm bảo an toàn điện cho người dân là nguyên tắc đầu tiên. Khi làm việc, tôi luôn nỗ lực, cống hiến hết mình để góp phần đảm bảo cung cấp điện thông suốt cho phát triển kinh tế, xã hội, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn", ông Danh nói.

Với những nỗ lực của mình, tháng 8/2024, đánh dấu cột mốc 10 năm gắn bó với PTC4, ông Danh thu được nhiều trái ngọt. Ngoài việc đạt giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ 24 năm 2024 cao quý, ông còn được bổ nhiệm vào vị trí Phó trưởng Phòng Kỹ thuật.

Ông Nguyễn Trung Trực, Chuyên viên kỹ thuật, Truyền tải điện Miền Tây II, thuộc PTC4 cho biết:  "Không chỉ là cán bộ quản lý trẻ, giỏi chuyên môn, anh Danh còn là một người đàn anh đáng kính bởi phong cách sống hòa đồng, luôn gần gũi, sẻ chia với đồng nghiệp. Với những "ca khó", anh sẵn sàng xuống tận nơi hỗ trợ nghiệp vụ, nâng đỡ lớp thợ đàn em cùng phát triển. Giải thưởng năm nay chính là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của anh Danh". 

Bài cuối: Ươm những giống cây trồng công nghệ cao, mang lợi cho nông dân

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Cải cách thủ tục hành chính từ những sáng kiến thiết thực
Cải cách thủ tục hành chính từ những sáng kiến thiết thực

“Chứng thực không chờ, ngoài giờ hành chính”, “Chạm để kết nối”, "Hỗ trợ dịch vụ công qua ứng dụng Zalo",... là những mô hình thiết thực đang được UBND phường Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) triển khai, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phục vụ người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN