Biến cái không thể thành có thể
Huyện Cần Giờ là huyện giáp biển của TP Hồ Chí Minh, được biết đến với nghề nuôi trồng thủy sản như cua, ốc hương, cá dứa… Việc trồng dưa lưới tại Cần Giờ tưởng chừng như không thể, thì nay đã được triển khai hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Trung Quốc, Chủ nhiệm HTX Thuận Yến, lâu nay, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ chủ yếu nuôi tôm và cá dứa. Tuy nhiên, vừa qua, một số diện tích nuôi bị nhiễm phèn, nên việc nuôi trồng thủy sản không đem lại hiệu quả kinh tế cao như trước. Vì vậy, HTX đã mạnh dạn chuyển sang trồng dưa lưới trên giá thể trong nhà màng, với sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật của anh Nguyễn Hoàng Duy Lưu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao.
Trồng dưa lưới đã đem lại hiệu quả rõ rệt, với diện tích 500 m2, đã thu được năng suất 1.950kg, với giá bán bình quân 32.000 đồng/kg, trừ chi phí đầu tư, đã đem lại lợi nhuận cho HTX hơn 30 triệu đồng. Sắp tới, HTX sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng dưa lưới để nhiều bà con cùng triển khai “mô hình trồng dưa lưới trên giá thể”, từ đó tăng năng suất cây trồng tại địa phương.
Anh Nguyễn Hoàng Duy Lưu cho biết, sáng kiến "Xây dựng quy trình trồng dưa lưới trên giá thể sử dụng nguồn nước bị nhiễm phèn, mặn tại huyện Cần Giờ" của anh đã mang lại hiệu quả cho người dân nơi đây, cụ thể đã làm lợi khoảng 128 triệu đồng/1ha/năm cho người nông dân, với năng suất 17,5 tấn/vụ. Mô hình này được Ban quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao công nhận sáng kiến có phạm vi ảnh hưởng cấp cơ sở năm 2019. Công trình này còn được Trung ương Đoàn trao Giải thưởng Lương Định Của năm 2013.
“Với sáng kiến trên, người dân phấn khởi vì biết cách tiếp cận với quy trình công nghệ mới. Thêm nữa, việc chuyển đổi diện tích đất bị nhiễm phèn sang trồng dưa lưới trên giá thể đã góp phần khai thác, sử dụng có hiệu quả quỹ đất tại địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế. Vì vậy, dù mỗi ngày vượt hàng chục km đi lại từ huyện Củ Chi đến huyện Cần Giờ, tôi cũng không nản lòng, bởi tôi nghĩ nỗ lực của mình đã mang lại lợi ích cho người nông dân", anh Nguyễn Hoàng Duy Lưu cho biết thêm.
Hiện nay, không chỉ chuyển giao cho nông dân huyện Cần Giờ, quy trình trồng dưa lưới còn được anh Lưu và nhóm tác giả chuyển giao cho nông dân các tỉnh miền Tây, những nơi thường xuyên bị hạn mặn như Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp, với sản lượng thu hoạch đạt cao.
Hăng say với nghề
Với ngành học là kỹ sư cảnh quan và kỹ thuật hoa viên của Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, nhưng khi ra trường, anh Nguyễn Hoàng Duy Lưu (sinh năm 1989) lại làm công việc ươm cây giống tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao - Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh.
Sau 12 năm miệt mài nghiên cứu, anh luôn trăn trở tìm cách làm mới cho ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, phát triển bền vững, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân về một nền nông nghiệp sạch. Nhiều sáng kiến của anh Lưu ra đời, đã góp phần mang lại hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại TP Hồ Chí Minh nói riêng và ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung.
Kỹ sư Nguyễn Hoàng Duy Lưu cho biết, chất lượng cây con tốt hay xấu ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và năng suất cây trồng. Nhiệm vụ của công tác ươm cây là trên một đơn vị diện tích, với thời gian ngắn nhất, phải cho ra được số lượng cây con nhiều nhất, chất lượng tốt nhất, đồng thời phải có giá thành thấp. Từ những trăn trở này, anh Lưu luôn mày mò với từng hạt giống, đất, phân, nước để cho ra những giống cây tốt, phù hợp với đặc thù địa phương, nhất là những nơi có nguồn nước mặn và thời tiết khắc nghiệt.
Ngoài sáng kiến trên, anh Duy Lưu còn có sáng kiến "Xây dựng mô hình sản xuất lan kiếm và lan giả hạc giai đoạn vườn sản xuất"; sáng kiến "Xây dựng quy trình sản xuất bột mãng cầu dai sấy thăng hoa" cũng đang ứng dụng thực tiễn, được đánh giá cao. Những sáng kiến này đã giúp tăng giá trị sản phẩm, lợi nhuận cho các đơn vị ứng dụng từ 500 - 600 triệu đồng/năm.
Mới đây, với sáng kiến "Sử dụng dung dịch tảo và khoáng trong quy trình gieo ươm các giống cà tím, ớt, rau ăn lá, bầu, bí và khổ qua trong nhà màng", anh Lưu cũng đã giúp nhiều hộ dân gạt bỏ nỗi lo tỉ lệ nảy mầm thấp, đồng thời cây giống phát triển khỏe mạnh hơn, đem về doanh thu hàng trăm triệu đồng cho nông dân.
Hiện là Phó trưởng Phòng Nghiên cứu Cây trồng và Vật nuôi của trung tâm, ngoài nghiên cứu, anh Lưu còn tập huấn, giới thiệu các phương pháp canh tác nông nghiệp công nghệ cao cho thanh niên trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và một số địa phương khác. Cụ thể, mô hình "Quy trình sản xuất cây hương thảo trong nhà màng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt" đã được chuyển giao cho các tỉnh Ninh Thuận, Phú Yên, Hậu Giang và một hộ dân trồng lan ở huyện Củ Chi. Những người hưởng lợi từ dự án này đánh giá cao về hiệu quả của kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp.
"Sau khi thử nghiệm và ứng dụng thành công các nghiên cứu, việc chuyển giao công nghệ được ưu tiên triển khai. Đó mới là điểm đến của những nghiên cứu sáng tạo trong nông nghiệp công nghệ cao. Dự án nghiên cứu phải thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển, làm lợi cho người dân thì mới có giá trị", anh Duy Lưu cho biết thêm.
Nhận xét về anh Duy Lưu, đại diện Ban quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao cho biết: "Kỹ sư Duy Lưu đã hoàn thành gần 10 sáng kiến có giá trị ứng dụng cao trong nông nghiệp, mang lại lợi ích hàng tỷ đồng cho việc ươm tạo, nhân giống cây trồng. Bản thân anh còn tích cực đào tạo, kèm cặp, tập huấn nâng cao nhận thức về khoa học, công nghệ, chuyển giao kỹ thuật ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp cho rất nhiều kỹ sư, nghiên cứu viên và công nhân trực tiếp sản xuất tại trung tâm. Vừa qua, anh đã tham gia thực hiện 39 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp có tính ứng dụng cao, được hội đồng khoa học công nhận. Với các công trình nghiên cứu trên, anh Duy Lưu còn vinh dự đạt các danh hiệu: Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác" lần 5 năm 2020; Công dân trẻ tiêu biểu Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023; Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2024...".