Đó là tấm gương của chị Đinh Thị Yến, thôn Nga 2, xã Cúc Phương (Nho Quan, Ninh Bình). Chị Yến hiện là Giám đốc Hợp tác xã may mặc Cúc Phương, tạo việc làm cho 16 chị em phụ nữ (trong đó có 6 thành viên là người khuyết tật).
Chị Yến là niềm cảm hứng vươn lên cho hàng nghìn phụ nữ nói riêng và người khuyết tật nói chung.
Hay như chị Vũ Thị Quê, 59 tuổi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật tỉnh Hải Dương, đồng thời là Chủ tịch Hợp tác xã khuyết tật xã Bình Minh, huyện Bình Giang (Hải Dương).
Bản thân là người khuyết tật, nên chị hiểu rõ những khó khăn vất vả của những hoàn cảnh giống như mình. Năm 2016 chị đã thành lập xưởng may để hướng dẫn, dạy nghề miễn phí cho những người khuyết tật trong tỉnh, đặc biệt là các cháu có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi.
Chị đã tổ chức dạy nghề may mặc cho gần 200 hội viên khuyết tật, đưa 17 người phát triển chậm đi học văn hóa ở trung tâm dạy nghề của tỉnh, đào tạo nghề may cho 19 thanh thiếu niên khuyết của huyện Bình Giang và giúp cho 21 cháu có hoàn cảnh khó khăn có việc làm ổn định ở tại hợp tác xã với mức lương từ 3 đến 5 triệu đồng/ tháng.
Với những thành tích trong công tác, nhiều năm liền chị nhận Bằng khen của Trung ương Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam (2020); Kỷ niệm chương Vì sự phát triển phụ nữ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (2022); Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (2022)…