Theo Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo, một trong những điều nhận biết văn hóa Hồ Chí Minh là văn hóa đạo đức, thể hiện ở đạo đức cách mạng và thực hành đạo đức cách mạng trong các mối quan hệ với tự mình, với người, với công việc và tổ chức. Đạo đức cách mạng mà Hồ Chí Minh suốt đời rèn luyện và thực hành, suốt đời chăm lo giáo dục, bồi dưỡng cho cán bộ đảng viên, nêu gương cho mọi người noi theo là đạo đức cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư đối với dân, với nước.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước", bởi "một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền".
Học và thực hành theo lời Bác dạy, "nói đi đôi với làm", trong đó nhấn mạnh khâu hành động, trên khắp mọi miền của đất nước, từng giờ, từng ngày đã, đang xuất hiện những "bông hoa đẹp" góp phần tạo nên một "vườn hoa văn hóa Việt Nam" tươi đẹp, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ đổi mới, giao lưu hội nhập quốc tế hiện nay.
Người Bí thư đi đầu, giúp thôn bản vươn lên thoát nghèo
Những năm gần đây, cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông, dân tộc Dao ở thôn Lùng Vài, xã Côn Lôn, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang ngày càng khởi sắc. Trong sự đổi thay ấy, không thể không nhắc đến vai trò tích cực của người Bí thư Chi bộ dân tộc Mông, anh Sùng A Lầu - một cán bộ luôn được dân quý, dân tin bởi sự nỗ lực, chăm chỉ, gương mẫu đi đầu trong suy nghĩ và hành động, cùng chia ngọt sẻ bùi với bà con địa phương.
Là một đảng viên trẻ, với vai trò là bí thư chi bộ thôn, anh luôn ấp ủ làm sao cho thôn thoát nghèo; làm sao tuyên truyền cho bà con chuyển đổi cây trồng, đổi mới kỹ thuật canh tác, đưa cây ngô lai vào trồng để có năng suất cao hơn, mang lại cuộc sống no ấm. Anh đã cùng với các đảng viên trong chi bộ vận động già làng cùng bà con thay đổi nếp sống. Trong các cuộc họp thôn, anh thường xuyên tuyên truyền tới các đảng viên phải gương mẫu trong lao động, sản xuất, đổi mới cách làm nông nghiệp để phát triển kinh tế.
Anh Sùng A Lầu chia sẻ: "Được Chi bộ, thôn bản và nhân dân tín nhiệm, là người đảng viên, tôi nghĩ muốn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo thì mọi việc mình phải đi trước, làm trước. Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước tập thể, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phát huy tính tiền phong, gương mẫu trong chi bộ mọi lúc, mọi nơi, nói đi đôi với làm".
Thực hiện lời Bác dạy "đảng viên đi trước, làng nước theo sau", "nói đi đôi với làm", anh Sùng A Lầu đã mạnh dạn chuyển đổi 600m2 đất trồng ngô của gia đình bằng giống mới. Thắng vụ đầu tiên, năm sau anh lại nhân rộng giống ngô này trên 3.000m2 đất. Nhận thấy hiệu quả, hầu hết các hộ trong thôn đều chuyển đổi cây trồng. Đến nay, toàn thôn có trên 40ha ngô lai trồng hai vụ, không còn diện tích đất bỏ trống vụ Hè-Thu.
Từ thành công đó, anh Sùng A Lầu đã tích cực vận động, hướng dẫn bà con học làm lúa nước, trồng thêm các giống lúa lai, nuôi thêm lợn, gà, đưa các loại máy móc cơ giới hóa về thôn giúp phát triển kinh tế địa phương.
Lũng Vài ngày nay khác xưa rất nhiều, những con đường bê tông trải dài, cùng cánh đồng ngô tươi tốt. Đời sống của người dân đang từng ngày đổi thay khi bên họ có những người như Bí thư chi bộ Sùng A Lầu. Bằng những việc làm thiết thực, gương mẫu đi đầu, anh đã khơi dậy và lan tỏa ý chí vượt khó vươn lên, dám nghĩ, dám làm, tích cực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Người thương binh - Trưởng ấp vượt khó làm giàu
"Chiến tranh khó khăn, gian khổ, giữa sự sống, cái chết chỉ đếm từng phút qua mỗi trận đánh, tôi được sống sót trở về là may mắn lắm! Bao nhiêu năm qua, luôn ý thức mình từng là một người lính Cụ Hồ, tôi tích cực vận động gia đình, bà con tăng gia sản xuất, đạt hiệu quả kinh tế cao. Tôi chỉ mong đời sống bà con được khấm khá hơn, có thu nhập tốt hơn, góp phần giúp cho kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển". Đây là tâm niệm hết sức giản dị mà trân quý của ông Phạm Thanh Bi, sống tại ấp Lình Huỳnh, xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Ông là thương binh hạng 4/4 trong kháng chiến chống Mỹ, vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba.
Làm theo lời Bác Hồ dạy: "Thương binh tàn nhưng không phế, ông Phạm Thanh Bi đã nỗ lực vượt khó vươn lên, trở thành người có uy tín, gương làm kinh tế giỏi và được nhân dân tin yêu bầu làm Trưởng ấp.
Từ năm 2000, ông Phạm Thanh Bi bắt đầu trồng thử nghiệm 0,5ha xoài cát Hòa Lộc. Lúc đầu, do chưa nắm bắt được kỹ thuật gieo trồng nên gia đình ông gặp nhiều khó khăn trong canh tác và nhiều lần thất bại. Sau một thời gian kiên trì trồng, tự rút kinh nghiệm và tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do địa phương tổ chức, ông đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để tiếp tục sản xuất. Năm 2015, ông mở rộng diện tích trồng xoài thành 2,5ha, năng suất đạt bình quân hơn 5 tấn/năm. Bên cạnh đó, ông còn canh tác 20 công (hơn 2,5ha) lúa Nhật, năng suất đạt hơn 1 tấn/công. Một năm canh tác hai vụ lúa, bình quân lãi 3 triệu đồng/công/vụ, lợi nhuận từ trồng lúa mang lại cho ông hơn 100 triệu đồng/năm. Từ năm 2015 đến nay, nhờ trồng xoài và lúa, thu nhập của gia đình ông đạt khoảng 300 triệu đồng/năm.
Với kinh nghiệm canh tác lâu năm, có kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc xoài cát Hòa Lộc và lúa, ông Phạm Thanh Bi luôn sẵn sàng chia sẻ, chuyển giao kỹ thuật cho bà con trong vùng để mọi người cùng học hỏi, phát triển kinh tế gia đình. Ông còn tích cực vận động bà con và trực tiếp tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại địa phương, được chính quyền và bà con trong ấp, trong xã yêu mến, học tập noi theo.
Hết mình vì sự nghiệp "tìm dầu để làm giàu cho Tổ quốc"
Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Các chiến sĩ thi đua, các cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu, làm đầu tàu trong mọi việc", "dũng cảm phấn đấu vượt mọi khó khăn, để xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội", luôn được người lao động dầu khí khắc ghi, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, luôn vững vàng nơi thềm lục địa.
Một trong những tấm gương tiêu biểu ấy là anh Nguyễn Thanh Tĩnh – Trưởng giàn cụm mỏ Hải Thạch-Mộc Tinh, người giàn trưởng trẻ tuổi nhất Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC) được bổ nhiệm thay thế chuyên gia nước ngoài, trực tiếp điều hành các hoạt động sản xuất trên các công trình biển, qua đó tiết kiệm được khoảng 13,8 tỉ đồng/năm tiền thuê chuyên gia nước ngoài.
Tham luận tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII, triển khai Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", anh Nguyễn Thanh Tĩnh cho biết: "Cách đây 10 năm, vị trí Trưởng giàn chưa có nhiều người Việt Nam đủ kinh nghiệm để có thể đảm đương. Mặc dầu tuổi đời còn trẻ, bản thân lại chưa từng kinh qua nhiệm vụ này; Dự án Biển Đông là một trong những dự án đầu tiên, quy mô lớn nhất do người Việt Nam chế tạo, có áp suất và nhiệt độ cao bậc nhất trong khu vực, nhưng thực hiện lời dạy của Bác: 'Cán bộ phải đi đầu trong mọi công việc, từ chỉ đạo đến vận động, tập hợp lực lượng, triển khai thực thi nhiệm vụ'; nhận thức sâu sắc trách nhiệm, bổn phận của mình trước Công ty, Tập đoàn, dù nhiệm vụ vô cùng khó khăn, song, sau thời gian cố gắng nỗ lực, tôi đã được bổ nhiệm quyền Trưởng giàn từ tháng 6/2013 thay thế chuyên gia nước ngoài trực tiếp điều hành các hoạt động sản xuất trên các công trình biển".
Trong 8 năm, với vị trí Trưởng giàn, Nguyễn Thanh Tĩnh điều hành, quản lý linh hoạt, không cứng nhắc, không chấp nhận tư duy lối mòn và chủ nghĩa kinh nghiệm, mà hướng tới sự đổi mới, hiệu quả để ngày càng đạt kết quả tốt hơn. Nguyễn Thanh Tĩnh đã chủ trì, phối hợp cùng các đồng nghiệp có những sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất. Tiêu biểu như sáng kiến đoạt giải đặc biệt cấp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Làm sạch giếng Mộc Tinh và Hải Thạch bằng hệ thống thiết bị khai thác (phối hợp cùng nhóm 4 tác giả). Tổng giá trị tiết kiệm từ sáng kiến này là gần 70 tỷ đồng (3.040.000 USD); sáng kiến cấp Công ty: Kết nối trực tiếp nguồn khí từ bồn ổn áp cấp cho bơm cao áp (cấp thủy lực cho các van an toàn đầu giếng Mộc Tinh 1), tách nguồn khí điều khiển, giảm thiểu nguy cơ dừng giàn do mất áp hệ thống khí điều khiển khi chạy bơm. Giải pháp đã tiết kiệm cho công ty hơn 5,94 tỷ đồng (258.494 USD).
Những kết quả mà người lao động Dầu khí cũng như Nguyễn Thanh Tĩnh đạt được chính là nhờ không ngừng học tập, tu dưỡng theo tấm gương đạo đức, phong cách của Bác Hồ từ những việc làm nhỏ nhất, là tinh thần lao động quên mình vì sự nghiệp "tìm dầu để làm giàu cho Tổ quốc" như mong muốn của Người lúc sinh thời.
Câu chuyện về anh Sùng A Lầu, ông Phạm Thanh Bi và anh Nguyễn Thanh Tĩnh là những ví dụ sinh động cho thấy phần nào bức tranh sống động phong trào học tập và làm theo Bác Hồ. Qua đó, dần hình thành nên một "đời sống mới" như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đề cập, đó là phải "trong sạch, công bình, thạo việc, có thể làm gương cho dân làng; có thể hy sinh lợi ích riêng cho lợi ích chung", "phải tương thân tương ái, tận trung với nước, tận hiếu với dân hơn khi trước. Cái gì mới mà hay thì ta phải làm… Làm thế nào cho đời sống của dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn. Đó là mục đích đời sống mới".