Ở xã vùng sâu Cư Bông, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk, nhiều người trìu mến gọi nữ đảng viên H’Lanh Byă là “Chị hội đồng”. Bởi lẽ, năm nay mới bước sang tuổi 34 nhưng chị H’Lanh đã có 14 năm tuổi Đảng và hơn 15 năm liên tục làm “công bộc'' ở địa phương. Chị còn là người phụ nữ đảm đang, cùng gia đình làm giàu trên chính quê hương mình.
Chị H'Lanh bên chiếc máy cày của gia đình. Ảnh: baodaklak.vn |
Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở buôn Trưng anh hùng, nơi đã từng nuôi dấu nhiều cán bộ lãnh đạo của tỉnh Đắk Lắk trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ngay từ thủơ bé, chị H’Lanh đã được ông cha giáo dục về truyền thống cách mạng của gia đình, của buôn làng thông qua các câu chuyện kể về đồng bào Êđê ở buôn Trưng che chở cán bộ, gùi gạo, muối, súng đạn phục vụ bộ đội đánh Mỹ.
Ở tuổi thanh niên, chị năng nổ, hăng hái tham gia phong trào đoàn, đội ở địa phương và được bầu làm Bí thư Chi đoàn buôn. Chị H’Lanh vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng khi vừa tròn 20 tuổi. Từ năm 2005 - 2011, chị được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ buôn, rồi làm Bí thư Đoàn xã. Hiện chị là Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Cư Bông.
Dù không có điều kiện học hành đầy đủ, nhưng bù lại chị luôn cố gắng vươn lên trong cuộc sống, khẳng định được vai trò và vị trí của mình trong gia đình và ngoài xã hội. Trong mọi lĩnh vực hoạt động, chị luôn gần gũi, thân thiết với người dân, nhất là với bà con dân tộc Êđê vốn chiếm trên 90% dân số xã Cư Bông.
Chị dành nhiều thời gian để tiếp xúc, lắng nghe và trò chuyện với đồng bào; tận tình hướng dẫn bà con cách thức làm ăn, giải thích các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như kế hoạch của địa phương. Nghe chị nói ''sáng cái bụng'', bà con phấn khởi, làm tốt các nghĩa vụ với Nhà nước.
Buôn Trưng có 164 hộ đều là đồng bào dân tộc Êđê. Trước đây, đời sống của bà con nơi đây rất khó khăn, hầu hết là hộ nghèo đói. Những năm gần đây, nhờ Đảng và Nhà nước quan tâm, đầu tư nên bộ mặt của buôn có nhiều thay đổi.
Đồng bào đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, không chỉ trồng cây bắp, cây mì mà còn biết trồng thêm cà phê, mía, lúa nước, chăn nuôi. Nhờ vậy, cái đói nghèo dần đi vào dĩ vãng, nhiều nhà đã có “của ăn của để”.
Nhà văn hóa cộng đồng của buôn trị giá trên 100 triệu đồng đã được xây dựng, nhiều ngôi nhà khang trang, kiên cố của dân cũng đã mọc lên, tỷ lệ hộ nghèo của buôn nay đã giảm đáng kể... ''. Có được như vậy cũng 1à nhờ công lao của H'Lanh nhiều lắm'', buôn trưởng Y Ni tự hào.
Với tâm niệm, muốn dân tin thì cán bộ phải làm tốt, ngoài thời gian đi làm công sở với vai trò Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân xã, về nhà H’Lanh lại xắn tay chăm sóc 11 ha mía, 3 ha sắn và 3 sào lúa nước. Đất không phụ công người, theo giá thời điểm hiện nay, 800.000đ một tấn mía, mỗi hecta thu hoạch 80 tấn. Nhờ vậy, gia đình chị có 11 ha, mỗi vụ thu lãi hơn 400 triệu đồng.
Có tiền, H’Lanh bàn với chồng mua máy cày làm thay sức người. Dù còn nhiều thứ phải lo, nhưng gia đình chị đã ưu tiên thực hiện kế hoạch “cơ giới hoá”. Năm 2013, vợ chồng H’Lanh mua chiếc máy cày lớn trị giá 310 triệu đồng để thay sức người cày cuốc, ngoài ra cày xới giúp bà con trong buôn.
Không cần sổ sách, H’Lanh tính nhẩm: "Năm 2013, nguồn thu từ 11 ha mía, 3 ha sắn, 3 sào lúa và máy đi cày xới thuê, trừ chi phí thuê công làm cỏ, thu hoạch mía, dầu máy, phân bón… gia đình thu về 500 triệu đồng".