Giới mỹ thuật, truyền thông vẫn thường gọi họa sĩ Chế Kim Trung là người sinh ra dành cho hội họa. Thuở nhỏ, chị đã sớm bộc lộ năng khiếu và thể hiện tình yêu với mỹ thuật. Sau này, chị từng có 8 năm gắn bó với nghề sư phạm nhưng ngọn lửa đam mê hội họa từ nhỏ vẫn thôi thúc. Năm 2002, chị sắp xếp công việc gia đình, quyết định thi tiếp vào Trường Đại học Mỹ thuật, Thành phố Hồ Chí Minh. Đến năm 2013, bảo vệ thành công xuất sắc luận án Thạc sĩ Nghệ thuật thị giác tại Trường Đại học Mahasarakham ở Thái Lan, chị về nước tiếp tục sáng tác và tham gia giảng dạy mỹ thuật, thời trang.
Để thỏa mãn niềm đam mê, nữ họa sĩ đã dành toàn bộ diện tích căn nhà (số 344, đường Ngô Gia Tự, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm) thành nơi sáng tác, trưng bày hàng ngàn tác phẩm mỹ thuật thể hiện trên nhiều chất liệu, tông màu khác nhau như: sơn dầu, sơn màu, khắc gỗ, lụa, thuốc nước, bột màu, acrylic. Kỹ thuật, phương pháp thể hiện không bó hẹp trong một trường phái cụ thể nào, từ lập thể, trừu tượng đến hiện thực, lãng mạn. Mỗi tác phẩm thể hiện một đề tài riêng, cảm xúc riêng về lễ hội, phong tục tập quán, tín ngưỡng, sinh hoạt thường nhật của người Chăm, về tình yêu quê hương đất nước. Đặc biệt, phòng tranh của nữ họa sĩ tài hoa này trưng bày rất nhiều tác phẩm mỹ thuật về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” để giới thiệu tới công chúng.
Họa sĩ Chế Kim Trung chia sẻ, năm 2007, Ban Tuyên giáo Trung ương phát động Cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Là một đảng viên, làm công tác nghệ thuật tạo hình, chị đã suy nghĩ và quyết định sáng tác về đề tài này. Bởi vì từ nhỏ tới lớn, chị rất ngưỡng mộ Bác - vị lãnh tụ vô vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam.
Quá trình tìm kiếm ý tưởng sáng tác, trong một lần về quê, nữ họa sĩ nhận thấy, kinh tế nông thôn khởi sắc, cuộc sống của bà con thay đổi rõ rệt. Có được kết quả này là nhờ công ơn của Đảng, Nhà nước, Bác Hồ kính yêu. Nữ họa sĩ lập tức ký họa, phác thảo hình ảnh điện, đường, trường, trạm, con người thể hiện nét phấn khởi, hồ hởi. Trung tâm của ký họa này là hình ảnh đồng bào Chăm đang quây quanh Bác Hồ. Qua đó, thể hiện tình cảm của Bác gần gũi với nhân dân. Đây là tác phẩm “Làng Chăm ơn Bác” bằng chất liệu sơn dầu đầu tiên được Ban Tuyên giáo Trung ương trao giải thưởng Xuất sắc (năm 2010) về sáng tác, quảng bá, tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Trong quá trình sáng tác, họa sĩ Chế Kim Trung dành nhiều thời gian tập trung suy nghĩ về những lời dạy của Bác. Quan sát cuộc sống, sáng tác giúp chị có những xoay chuyển, phát triển trong tư duy, đề tài. “Tôi thiết nghĩ một công dân người Việt Nam, một cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên khi ý thức được sự chăm chỉ, cần cù, siêng năng, chịu khó và họ làm ra những công trình, sản phẩm mang giá trị, cải tiến an sinh xã hội là đề tài học tập theo tấm gương, việc làm của Bác. Đây là những chất liệu quan trọng của cuộc sống để tôi sáng tác các tác phẩm mỹ thuật”, họa sĩ Chế Kim Trung bộc bạch.
Nhờ đó, những tác phẩm phản ánh thực tiễn sinh động về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của họa sĩ đã được Ban Tuyên giáo Trung ương trao tặng các giải thưởng qua các đợt như: “Miền Nam trong trái tim Người” (giải Xuất sắc, 2011); “Làng Chăm làm theo lời Bác” (giải Khuyến khích, 2013); “Nông thôn mới vùng Chăm” (giải C, 2018); hai tác phẩm “Sản xuất gốm Chăm”, “Được mùa nho” cùng đoạt giải C năm 2020. Đây đều là những tác phẩm phản ánh những nét đặc trưng của nền văn hóa Chăm đặc sắc, thể hiện tình cảm và niềm tin sâu sắc của đồng bào Chăm đối với Đảng, Bác Hồ; góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp phát triển chung của quê hương, đất nước theo con đường Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn.
Họa sĩ Chế Kim Trung đã tạo dựng được phong cách, tên tuổi riêng trong dòng chảy nghệ thuật hội họa đương đại với những tác phẩm đoạt giải qua các cuộc thi cấp khu vực và toàn quốc. Đến nay, chị đã có 31 tác phẩm đoạt các giải thưởng cao tiêu biểu như: Lễ cầu mưa (được Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam trao giải A năm 2008); Sắc màu lễ hội Ka tê Chăm (được Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam trao giải A năm 2012) và hàng chục giải B, C được trao qua các năm. Trung bình mỗi năm, chị nhận một giải, có năm nhận hai giải, một thành tích rất ít các họa sĩ đạt được.
Ông Phạm Văn Muộn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Ninh Thuận cho biết, Chế Kim Trung là nữ họa sĩ người Chăm năng nổ, nhiệt tình, tâm huyết với nghề. Những đề tài nữ họa sĩ sáng tác thiên về bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa người Chăm. Ngoài ra, họa sĩ cũng là một trong những người sáng tác tranh vẽ về đề tài Bác Hồ nhiều nhất so với các họa sĩ khác trong tỉnh. Họa sĩ đã tích cực tham gia các cuộc thi về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Những tác phẩm họa sĩ gửi dự thi đều đoạt giải, đây là phần thưởng rất xứng đáng.
Với những đóng góp tích cực, họa sĩ Chế Kim Trung vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc (giai đoạn 2004 - 2014), góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận tặng Bằng khen vì có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2023. Họa sĩ còn được các cấp Hội ở địa phương và Trung ương trao tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen vì có nhiều thành tích đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, tích cực tham gia các hoạt động xã hội.
Chia sẻ về công việc trong thời gian tới, họa sĩ Chế Kim Trung cho biết, thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, bên cạnh việc sáng tác, giảng dạy mỹ thuật, chị sẽ tích cực nghiên cứu, sáng tạo những họa tiết hoa văn mới để vẽ trên gốm Chăm Bàu Trúc, đưa những hình tượng về đời sống Chăm vào thổ cẩm dệt Mỹ Nghiệp. Cùng với đó, họa sĩ sẽ xây dựng không gian trưng bày tranh với mong muốn giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực sáng tạo mỹ thuật cũng như quảng bá, giới thiệu văn hóa Chăm đến du khách trong và ngoài nước.