Sớm theo cách mạng
Chúng tôi đến chợ Nước Xoáy, xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò vào một chiều mưa. Khi hỏi thăm về bà Bảy bán vé số dạo, rất nhiều người biết đến bà vì mấy chục năm qua, dù mưa hay nắng, bà Bảy vẫn đi bán khắp đầu trên, xóm dưới. Chúng tôi gặp được bà Bảy dưới cơn mưa lất phất, co ro trong chiếc áo mưa, ngồi trên chiếc xe điện 3 bánh, thân hình nhỏ nhắn, một tay co quắp, một tay cầm xấp vé số.
Bà Bảy chia sẻ, thấy bà lớn tuổi và sức khỏe kém, người thân khuyên nghỉ ngơi ở nhà nhưng bà vẫn đi bán vé số. Trước đây, bà vẫn đi bộ bán vé số dạo. Gần đây, bà mới mua chiếc xe điện để việc đi lại thuận tiện hơn. Do tay chân không còn khỏe, không thể đi xa, bà chỉ bán quẩn quanh khu vực chợ Nước Xoáy - nơi bà đang sống. Mỗi ngày, bà bán từ 150 - 300 tờ vé số.
Bà Bảy sinh ra và lớn lên trong gia đình có 8 người con. Cuộc sống vô cùng khó khăn nhưng gia đình bà một lòng theo Đảng, theo cách mạng. Phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, mong muốn góp công sức nhỏ bé của mình để nước nhà sớm thống nhất, bà Bảy tham gia cách mạng khi mới 13 tuổi.
Ngày trước, bà nhỏ tuổi, nhỏ người nhất đơn vị nên được giao nhiệm vụ làm giao liên tại xã Long Hưng (nay là xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp). Năm 1964, tổ chức tạo điều kiện cho bà Bảy đi học khóa y sĩ để phục vụ trong Quân đội. Năm 1965, bà Bảy vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong buổi lễ kết nạp Đảng, bà và các đảng viên hứa với nhau, đến ngày đất nước thống nhất, ai còn sống thì chăm lo phần mộ cho người đã hy sinh.
Chiến dịch Mậu Thân năm 19, trong trận đánh chiếm Đồn Gò Dầu (thuộc xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò), trên đường rút quân về Mương Điều (xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò), đơn vị của bà bị pháo địch tập kích, nhiều người hy sinh. Bà Bảy bị thương ở vùng đầu. Sau này, bà được xếp hạng thương binh 1/4, đến nay còn 3 mảnh đạn găm vào đầu bà vẫn chưa thể lấy ra. Tuy giữ được tính mạng nhưng tay phải của bà bị co quắp, không thể cầm nắm được, bàn chân phải cũng co quắp, khiến bà đi lại rất khó khăn.
Vẹn nguyên lời hứa với đồng đội
Sau khi bị thương, không thể tiếp tục cùng đồng đội tham gia chiến đấu, bà Bảy được phân công làm nhiệm vụ tiếp tế quân y, làm y tá cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất.
Trong những năm 1975 - 1979, bà là Trưởng ban Y tế xã Long Hưng, sau đó nghỉ công tác do vết thương tái phát. Bà không lập gia đình mà cưu mang 3 người cháu ruột, sống bằng tiền trợ cấp thương binh và bán vé số dạo.
Hằng ngày, trên đôi chân khập khiễng, bà Bảy đi bán từng tờ vé số. Dù cuộc sống chẳng dư giả nhiều nhưng bà vẫn thực hiện trọn vẹn lời hứa năm xưa với những đồng đội đã khuất đang yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sỹ xã Long Hưng A. Năm 2010, biết tin UBND xã Long Hưng A tu sửa Nghĩa trang liệt sỹ, bà Bảy mang hơn 110 triệu đồng tích góp từ nhiều năm đi bán vé số đến xin gặp lãnh đạo xã góp tiền chỉnh trang những ngôi mộ cho đồng đội.
Lãnh đạo xã bất ngờ bởi một cựu chiến binh không giàu có lại tự nguyện góp số tiền lớn như vậy nên thuyết phục bà giữ lại số tiền này để dưỡng già. Tuy nhiên, bà Bảy không đồng ý. Bà cho biết, số tiền này bà tiết kiệm trong gần 13 năm đi bán vé số dạo, bà dành để thực hiện lời hứa với đồng đội năm xưa. Cảm động trước tấm lòng của nữ thương binh, đại diện UBND xã đồng ý tiếp nhận số tiền trên và dùng để tu sửa tỉ mỉ toàn bộ 144 ngôi mộ ở Nghĩa trang Liệt sỹ xã Long Hưng A.
Nhiều năm qua, ngày ngày bà Bảy vẫn lui tới quét dọn, lau chùi, thắp hương cho các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh để giành lại độc lập, tự do cho đất nước, trong đó có những người đồng đội của bà đang yên nghỉ tại Nghĩa trang. “Đều đặn vào mỗi buổi tối, tôi đi bộ từ nhà đến nghĩa trang để thắp hương. Hằng năm, cứ đến dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, tôi lại dùng số tiền tiết kiệm từ việc bán vé số để mua hoa, trái cây cúng đồng đội và mua thêm cây kiểng trang trí cho nghĩa trang đẹp hơn” - bà Bảy cho biết.
Nghĩa trang liệt sỹ xã Long Hưng A đã trồng nhiều hoa kiểng, những phần mộ đã được ốp gạch sạch đẹp. Bà Bảy mong thời gian tới đủ tiền sẽ ủng hộ để lót gạch trong khuôn viên Nghĩa trang. Tâm niệm của bà là còn sống thì tiếp tục lo cho đồng đội đang nằm an nghỉ ở nơi đây. Còn khi “nhắm mắt, xuôi tay”, bà mong được vào Nghĩa trang "bầu bạn" cùng đồng đội.
Ông Dương Văn Huýt, Phó Chủ tịch UBND xã Long Hưng A cho biết, thời chiến, bà Bảy chiến đấu kiên cường. Còn thời bình, bà sống nghĩa tình với đồng đội, xóm giềng, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ cũng như người dân trong xã học tập, noi theo. Bà là một thương binh có nhiều đóng góp tích cực, chung tay cùng địa phương tu sửa, chỉnh trang Nghĩa trang liệt sỹ của xã.