Vì thương người bệnh quá chừng...
Một buổi sáng, chúng tôi tới Bệnh viện phong và da liễu Bắc Ninh. Trại phong lẻ loi nằm sâu bên trong Bệnh viện phong - da liễu Bắc Ninh, dưới chân ngọn đồi thuộc xã Hòa Long (huyện Yên Phong), là ngôi nhà của khoảng 83 cụ già mắc bệnh phong hiện đang điều trị tại đây.
Con đường nhỏ dẫn vào khu điều trị phong vắng vẻ, hoang sơ. Đi vào tận trong dãy nhà cấp 4 mới thấy tiếng người cười nói phá tan bầu không khí ảm đạm, yên ắng, đó là y tá Nguyễn Thị Xuân đang vừa chăm sóc vừa trò chuyện vui vẻ với bệnh nhân tại "Tổ trọng điểm" nơi dành cho các bệnh nhân đã già yếu, không thể tự lo sinh hoạt.
"Ai mà mỏi mệt xơ liền đến ngay
Xơ đến thăm hỏi hàng ngày
Làm cho người bệnh khỏi ngay tức thì
Sao xơ vẫn ở một mình?
... Vì thương người bệnh quá chừng
Nên ở một mình xơ vẫn thấy vui"
Mắt đã nhìn kém, giọng run run, cụ Hoàng Thị Các (84 tuổi, quê ở Bắc Ninh) ngồi ngâm nga mấy câu thơ tự sáng tác. "Là tôi đang làm thơ về y tá Xuân đấy, để cảm ơn tấm lòng của xơ đã "ở vậy" cả đời để chăm sóc chúng tôi", cụ Các vui vẻ.
Bị bệnh phong từ khi mới 20 tuổi, cụ Các đã phải gắn bó với nơi cách biệt cuộc sống bên ngoài này hơn 60 năm nay. Từ khi có y tá Xuân tới đây, cụ đã coi y tá Xuân như người nhà. Cụ Các cũng như nhiều bệnh nhân ở đây vẫn yêu thương gọi y tá Xuân là "xơ" Xuân bởi sự tận tâm chăm sóc người bệnh bao năm qua. Người phụ nữ nhân hậu này đã sưởi ấm, giúp các bệnh nhân vượt qua nỗi cô đơn, khi mang căn bệnh bị người đời hắt hủi, xa lánh.
"Chúng tôi yếu nên hàng ngày việc ăn uống, giặt giũ, chăm sóc đều do cô Xuân làm hết, cô chẳng quản ngại việc gì. Nhiều người lành lặn hơn tự lo được nhưng khi đau ốm, cũng vẫn là cô Xuân hỏi thăm, nấu cháo, bón cho bệnh nhân từng thìa", bệnh nhân Nguyễn Thị Tí chia sẻ.
Cầm hai bàn tay đã bị co rút, cụt gần hết các ngón của bệnh nhân, y tá Xuân cho biết: "Hầu hết bệnh nhân ở đây đều đã bị ăn mòn hết các ngón tay, nhiều cụ cụt cả hai chân nên mọi sinh hoạt đều phụ thuộc cả vào chúng tôi. Hàng ngày, ngoài việc chăm sóc, thỉnh thoảng tôi cũng cõng, bế cụ ra ngoài sân trò chuyện, tâm sự cho các cụ đỡ buồn. Càng chứng kiến sự thiệt thòi, mất mát của các bệnh nhân, lại càng thương. Mình thương bệnh nhân thì bệnh nhân lại thương mình, cứ như vậy bao năm qua chúng tôi đã như người trong gia đình".
Cũng một gian nhà nhỏ với những đồ đạc giản tiện nhất, y tá Xuân đã chuyển hẳn vào khu điều trị phong ở để tiện việc chăm sóc bệnh nhân trong suốt hơn 30 năm qua.
Năm 1987, cô giáo mầm non Nguyễn Thị Xuân quyết định bỏ việc dạy học để xin đến trại phong chăm sóc bệnh nhân. Một quyết định khá "điên" khi thời điểm ấy, cách nhìn của xã hội về bệnh nhân phong (bệnh hủi) còn nhiều kỳ thị, nhiều người thậm chí bị gia đình xa lánh.
Y tá Xuân kể:" Mỗi lần đi lễ ở nhà thờ, tôi thường được nghe các cha kể về những người mắc bệnh phong. Điều đó đã luôn ám ảnh khiến tôi cảm thương vô cùng. Một lần, tôi đọc được cuốn sách “Lạc quan trên miền thượng” viết về một người Công giáo ở Pháp sang Việt Nam lập trại phong Di Linh (Lâm Đồng). Câu chuyện khiến tôi luôn tự hỏi vì sao một thanh niên ở nước Pháp xa xôi tới Việt Nam không phải là đến những thành phố lớn mà lại về Di Linh (Lâm Đồng) giúp người bệnh phong. Trong khi đó, mình là người Việt, lại không làm được".
Chính câu chuyện ấy đã thôi thúc cô giáo trẻ tìm đến những bệnh nhân phong. Thời gian dạy mẫu giáo, cứ cuối tuần được nghỉ, cô Xuân lại tìm đến trại phong Quả Cảm để tìm hiểu, giúp đỡ người bệnh.
Gắn bó đến khi tay không còn cầm nổi cốc nước
Ấn tượng đầu tiên và cũng ám ảnh mãi là lần đầu tiên cô Xuân đến trại phong Quả Cảm khi chứng kiến một cụ già 84 tuổi nằm trong góc nhà chờ chết. Ông cụ chỉ mong gặp con, cháu lần cuối nhưng ước nguyện ấy chẳng thể thực hiện.
“Tôi thương cụ quá nhưng cũng không biết làm thế nào, chỉ biết động viên, an ủi. Một tuần sau, tôi lên thăm thì cụ vừa mất. Lần đầu tiên trong đời, tôi chứng kiến một đám tang không có một vành khăn trắng, không có một tiếng khóc, chỉ có mấy bệnh nhân cùng cảnh ngộ, tàn tật đưa cụ đi chôn ở chân núi”, y tá Xuân xúc động kể lại.
Sự thương cảm ấy đã là mối duyên để cô giáo trẻ quyết định bỏ lại tất cả, xin lên trại phong Quả Cảm với mong muốn bù đắp những cho những số phận thiệt thòi và được nhận với sự ủng hộ của lãnh đạo bệnh viện.
Để có quyết định "điên rồ" đó, cô Xuân đã gặp không ít trở ngại từ phía gia đình, bạn bè bởi tất nhiên là ai cũng phản đối.
“Khi đó mọi người đều nói tôi bị điên khi từ bỏ công việc nhàn hạ để đến một nơi chẳng ai muốn đến. Nhưng tôi phải đi vì bệnh nhân rất cần người chăm sóc. Khi mới đến, thấy tôi chăm sóc bệnh nhân nhiệt tình, thậm chí tôi còn cõng, bế họ, lãnh đạo trại phong còn thử hỏi tôi: "Chị cõng bệnh nhân có sợ bị lây không?" Tôi cũng thành thật trả lời là mình thương họ, coi họ như bố mẹ mình nên thấy rất bình thường. Đến với trại phong tôi mới biết bệnh phong rất khó lây, thậm chí có những người uống cả vi khuẩn bệnh phong cũng chẳng hề lây bệnh, vì thế tôi lại càng thương những người bệnh không đáng bị hắt hủi”, y tá Xuân kể.
Sau một thời gian giúp việc tại trại phong, cô gái trẻ tốt bụng ấy được cho đi học lấy bằng y tá ở Trại phong Quy Nhơn (Bình Định). Năm 1992, cô Xuân trở về và chính thức là y tá điều dưỡng của trại phong Quả Cảm.
Từ đó tới nay, trại phong đã trở thành gia đình, mỗi bệnh nhân phong cũng như người thân của y tá Xuân. Bên cạnh công việc chăm sóc y tế, y tá Xuân còn giúp đỡ bệnh nhân giặt giũ, chăm sóc khi ốm đau...
Đặc biệt, hàng ngày, chứng kiến các cụ bị liệt tứ chi, đi lại khó khăn, y tá Xuân đã đề xuất với trại cho đi học nghiên cứu làm chân giả. Năm 1992, y tá Xuân tới khu điều trị phong Bến Sắn (Bình Dương) để học làm dụng cụ chân giả, làm giày dép và dụng cụ chỉnh hình cho những bàn tay, bàn chân cụt. Nhờ đó, nhiều bệnh nhân bị cắt cụt chân ở trại phong Quả Cảm đã có thể đi lại, đó cũng là cách để giúp bệnh nhân có thể tự sinh hoạt, không còn phải bò, lết khổ sở như trước kia.
Gắn bó cũng ngần ấy năm vui buồn với trại phong, y tá Xuân đã từng chứng kiến những chuyện tình cảm đẹp của các bệnh nhân, tự tay mai mối để họ về ở với nhau, đón những đứa trẻ khỏe mạnh chào đời trong trại phong, giúp họ chăm sóc con nhỏ. Còn riêng mình, y tá Xuân chưa từng mảy may nghĩ tới hạnh phúc riêng tư cho mình. Đến giờ cô Xuân vẫn độc thân, nhưng không cô đơn bởi hơn 80 bệnh nhân ở đây, kể cả con cháu họ đều như người ruột thịt.
Và dù đã đến tuổi nghỉ hưu từ năm 2012 nhưng thấy sức vẫn khỏe, vẫn còn phục vụ được, y tá Xuân xin bệnh viện được ở lại thêm để chăm sóc bệnh nhân.
"Tình thương chính là sức mạnh để tôi có thể ở lại đây, đến khi nào không thể tự tay rót được cốc nước cho các cụ thì mới thôi. Có lẽ trời thương nên cho tôi sức khỏe, từ bé đến giờ tôi chưa từng phải nằm viện tới nửa ngày. Gắn bó được với công việc, với bệnh nhân đến giờ này, tôi cũng đã cảm thấy toại nguyện", y tá Nguyễn Thị Xuân chia sẻ.