Sau gần 2 năm triển khai, phong trào đã thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang và nhân dân trên địa bàn huyện tích cực tham gia, hưởng ứng.
Phong trào “Hai nghìn đồng mỗi ngày cho giáo dục” được huyện Nậm Pồ phát động từ ngày 21/11/2022, đến nay đã thực hiện được hàng nghìn lợn đất tiết kiệm. Vào ngày khai giảng năm học mới, huyện sẽ tổ chức tổ chức Ngày hội “Mổ lợn tiết kiệm”. Toàn bộ số tiền thu được từ phong trào đều được huyện tiếp nhận và sử dụng với mục đích hỗ trợ các trường học, thầy, cô giáo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Số tiền tiết kiệm được sử dụng hợp lý trong việc bổ sung, kiện toàn và nâng cao chất lượng cơ sở vật chất của các đơn vị trường học trên địa bàn huyện.
Trong Ngày hội “Mổ lợn tiết kiệm” từ phong trào “Hai nghìn đồng mỗi ngày cho giáo dục” năm đầu tiên (5/9/2023), huyện Nậm Pồ đã thu về số tiền hơn 1,3 tỷ đồng từ hơn 1.000 lợn đất. Từ số tiền trên, Hội Khuyến học huyện đã sử dụng hơn 1 tỷ đồng, kết hợp cùng các nguồn xã hội hóa để xây mới và sửa chữa 2 nhà ăn, 23 phòng tắm, 58 phòng vệ sinh, 4 thư viện, 2 phòng làm việc, 1 nhà xe; xây mới, sửa chữa nhiều công trình sân chơi, hàng rào, giếng khoan, kè tại các trường học của Nậm Pồ.
Năm học 2023 - 2024, huyện Nậm Pồ tiếp tục triển khai phong trào và nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng của hơn 2.400 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và đông đảo người dân với hơn 1.300 lợn đất được nuôi. Ngày hội “Mổ lợn tiết kiệm” từ phong trào “Hai nghìn đồng mỗi ngày cho giáo dục” năm nay được huyện tổ chức trong 2 ngày 4 - 5/9, tại trung tâm huyện và tất cả các xã trên địa bàn.
Ông Lê Khánh Hòa, Bí thư Huyện ủy Nậm Pồ cho biết, phong trào “Hai nghìn đồng mỗi ngày cho giáo dục” khi được phát động tại huyện Nậm Pồ đã phát huy hiệu quả cao và có tính bền vững. Phong trào nhằm mục đích lan tỏa tấm lòng nhân ái và tạo sự đồng thuận của xã hội trong công tác xã hội hóa giáo dục, góp phần cải thiện cơ sở vật chất trường, lớp học, hỗ trợ học sinh trong học tập tại các trường trên địa bàn huyện.
Dù dưới bất kỳ hình thức nào, số tiền tiết kiệm từ phong trào đều có chung mục đích góp phần giáo dục tinh thần tiết kiệm, tương thân tương ái, nâng cao trách nhiệm, thể hiện quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ của các cấp, các ngành với những khó khăn của ngành giáo dục. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu an sinh xã hội và xã hội hóa giáo dục tại huyện nghèo, biên giới Nậm Pồ. Mỗi con heo đất là tấm lòng của các cá nhân, các ban, ngành, đoàn thể dành cho ngành giáo dục Nậm Pồ.