Bài 1: Nhân lên những nghĩa cử cao đẹp
Năm 2024, Chương trình Tết Nhân ái được triển khai, phấn đấu chăm lo, hỗ trợ cho 1,2 triệu người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương. Thực hiện mục tiêu đề ra, từ cuối năm 2023, các hoạt động của chương trình đã được tổ chức, góp phần tạo hiệu ứng sâu rộng của Tết Nhân ái trong cộng đồng.
Lan tỏa không gian Tết Nhân ái
Để góp phần lan tỏa phong trào, Tết Nhân ái năm 2024 được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chính thức khởi động trong Chương trình "Sức mạnh nhân đạo 2023" tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày 22/11/2023.
Tại đây, Trung ương Hội triển khai Chiến dịch gây Quỹ cộng đồng với chủ đề "Gửi quà góp Tết" với nhiều hoạt động cụ thể, kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài nước dành sự quan tâm đến đồng bào còn khó khăn. Hình thức quyên góp này không chỉ phù hợp với Kỷ nguyên số 4.0 mà còn mang tính linh hoạt và minh bạch. Những người hưởng ứng có thể tham gia ủng hộ bằng nhiều cách như: nhắn tin, chuyển khoản, mua sắm trực tuyến và tích quỹ từ thiện tự động, lựa chọn sắm Tết ở các nhà bán hàng có cam kết trích quỹ ủng hộ cho chiến dịch…
Phong trào Tết Nhân ái được triển khai với nhiều mô hình, cách làm mới: Huy động và kết nối rộng rãi sự tham gia, đóng góp của cộng đồng để tổ chức các hoạt động theo mô hình "Tặng quà - Vui Tết" nhằm trợ giúp về vật chất, tinh thần để người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương vui đón Xuân mới phù hợp với điều kiện của địa phương, góp phần xây dựng cộng đồng đoàn kết, giàu lòng nhân ái.
Các cấp Hội Chữ thập đỏ đã nỗ lực đa dạng hóa các hình thức trợ giúp, bên cạnh trao tặng quà truyền thống còn tổ chức Chợ Tết Nhân ái kết hợp với các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ trong không khí rộn ràng, ấm áp, vui tươi…; không chỉ hỗ trợ bằng vật chất mà còn mang lại các giá trị tinh thần cho người hưởng lợi và cộng đồng. Phong trào đã tạo được dấu ấn riêng, góp phần lan tỏa rộng khắp tinh thần nhân ái, tạo không khí phấn khởi, mang lại niềm vui cho người hưởng lợi, đồng thời truyền cảm hứng cho cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ cũng như những người tham gia hoạt động thiện nguyện.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa cho biết, Tết Nhân ái năm 2024 được triển khai với mục tiêu phấn đấu chăm lo, hỗ trợ cho 1,2 triệu người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương với tổng giá trị hoạt động đạt 700 tỷ đồng. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiếp tục phát huy những thế mạnh và ưu điểm nổi bật của phong trào để tổ chức rộng khắp hơn. Theo đó, Hội triển khai ở cấp Trung ương; hỗ trợ 19 tỉnh, thành phố trong cả nước tổ chức những không gian Tết Nhân ái với khoảng 200 địa điểm...
Thông qua hoạt động Tết Nhân ái, Hội khuyến khích tổ chức gian hàng 0 đồng để người được hưởng lợi có thể trực tiếp chọn những món quà mình yêu thích, đáp ứng nhu cầu chuẩn bị Tết của từng gia đình. Hội phối hợp tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao gắn với cộng đồng, phù hợp với văn hóa của người dân ở địa phương, góp phần lan tỏa rộng rãi không gian Tết Nhân ái.
Đặc biệt, vào dịp này, nhiều bệnh viện, các y, bác sỹ tiếp tục đồng hành với Hội Chữ thập đỏ thực hiện sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cộng đồng thông qua việc thăm khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí. Ở nhiều nơi, phong trào Tết Nhân ái còn được tổ chức gắn kết với Lễ hội Xuân Hồng để vừa chăm lo cho đối tượng yếu thế, vừa thực hiện nghĩa cử cao đẹp, hiến máu tình nguyện để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh trong dịp Tết. Phong trào "Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái" cũng tiếp tục được thực hiện nhằm nhân lên các giá trị nhân đạo, góp phần biểu dương, cổ vũ, động viên, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện để có nhiều hơn những hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp.
Lan tỏa tinh thần yêu thương trong cộng đồng, trong năm 2024, Hội Chữ thập đỏ tiếp tục triển khai Cuộc vận động "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo" kết hợp với triển khai 2 chương trình trọng điểm "An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn" và "Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật". Bên cạnh đó, Hội đổi mới cách thức tổ chức Tháng Nhân đạo với những thông điệp thiết thực, là tháng cao điểm toàn hệ thống chính trị và cộng đồng tham gia thực hiện các hoạt động nhân đạo dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo, vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền, các đoàn thể, quần chúng nhân dân, do các cấp Hội Chữ thập đỏ làm nòng cốt.
Hội tổ chức kịp thời, hiệu quả các hoạt động cứu trợ khẩn cấp, hỗ trợ phục hồi sinh kế sau thiên tai, dịch bệnh; ứng dụng công nghệ số trong phòng ngừa, ứng phó với thiên tai. Các cấp Hội phối hợp tuyên truyền, phổ biến kết hợp trang bị kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó thảm họa cho người dân tại cộng đồng, nhất là người già, người khuyết tật, phụ nữ đang mang thai, nuôi con nhỏ, trẻ em.
Hiệu ứng xã hội sâu rộng
Được phát động từ năm 1999 với tên gọi "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam", đến năm 2023, phong trào được đổi tên thành "Tết Nhân ái". Sau 23 năm triển khai, phong trào đã thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần nhân lên những nghĩa cử cao đẹp trong cộng đồng.
Tính đến năm 2022, các cấp Hội Chữ thập đỏ đã trao tặng trên 28,9 triệu suất quà Tết cho hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh và các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước, trị giá đạt hơn 9.991 tỷ đồng.
Phong trào đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm ủng hộ, được các cấp Hội tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện với nhiều cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực. Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, phong trào thu hút nhiều lực lượng và thành phần tham gia nhất, số người hưởng lợi và địa bàn triển khai nhiều nhất. Phong trào được ghi nhận có sự truyền thông mạnh mẽ và vận động nguồn lực hiệu quả nhất, sự trợ giúp đa dạng và thiết thực nhất, hiệu ứng xã hội lan tỏa rộng và sâu nhất trong các phong trào, cuộc vận động do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thực hiện.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa chia sẻ, việc đổi tên thành Tết Nhân ái để phù hợp với thực tiễn cuộc sống, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ trong nhiệm kỳ mới. Theo đó, bao phủ rộng hơn các đối tượng được hưởng lợi, không chỉ người nghèo, nạn nhân chất độc da cam mà còn chăm lo đến các đối tượng yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh…
Năm đầu tiên triển khai theo yêu cầu và phương thức mới, các cấp Hội đã tích cực hưởng ứng, phát huy tính sáng tạo, mang lại sức sống mới tích cực cho phong trào. Nội dung, hình thức tổ chức thiết thực, gắn với giá trị văn hóa, truyền thống, tập quán của dân tộc đã làm nên sự đặc sắc, độc đáo của Tết Nhân ái 2023.
Dự chương trình Tết Nhân ái, tặng quà, chúc Tết tại một số địa phương, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận sáng kiến tổ chức phong trào với nhiều hoạt động gắn kết cộng đồng cùng chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; làm nổi bật và tô thắm thêm truyền thống "Thương người như thể thương thân", "Lá lành đùm lá rách", "Lá rách ít đùm lá rách nhiều" của dân tộc ta; đồng thời mong muốn nhân rộng trên toàn quốc. Phong trào thể hiện sức sống lâu bền, khẳng định "thương hiệu" của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chăm lo để không ai bị bỏ lại phía sau.
Bài cuối: Mùa của yêu thương