Ra đi vì ước mơ nhưng trở về để tìm lại giấc mơ
Những ngày cuối năm, tiết trời TP Hồ Chí Minh se se lạnh, nhưng ngồi đối diện với Hoan tôi cảm thấy ấm áp lạ thường. Ấm áp từ vẻ mặt, giọng nói đến tấm lòng và bởi những suy nghĩ của anh.
Đỗ Mạnh Hoan sinh sống tại Hà Nội cho tới khi hết lớp 11, trong một mùa hè được vào TP Hồ Chí Minh thăm người thân, anh cảm thấy cuộc sống nơi đây khá khác lạ so với Hà Nội và rồi anh đã quyết định xin gia đình cho mình vào TP Hồ Chí Minh học tập và sinh sống. Thi đậu vào Đại học Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh nhưng học hết năm nhất, anh lại quyết định đi du học Mỹ tự túc, đó là vào năm 2002.
“TP Hồ Chí Minh là một thành phố năng động, ở đây tôi được học và tiếp xúc với rất nhiều sách vở nói về sự tự lập và sách nói về nước Mỹ xa xôi. Ở đây, ước mơ đến Mỹ của tôi cũng bắt đầu hình thành. So với mặt bằng chung của người Việt Nam, tôi khá giỏi tiếng Anh và luôn là học sinh ưu tú của trường đại học. Bởi vậy, khi đang học Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) năm thứ 1, có cơ hội sang Mỹ, tôi không chần chừ mà đi ngay”, Hoan cho biết.
Thế là ước mơ Mỹ của chàng trai Việt sớm trở thành hiện thực. “Qua tới Mỹ, tôi choáng ngợp với điều kiện vật chất hiện đại, xa hoa của xứ người. Tuy nhiên, cảm giác hụt hẫng ban đầu của tôi là rất lớn vì sự phân biệt đối xử, nhất là rào cản ngôn ngữ và chủng tộc. Nhiều người Mỹ bản xứ có thái độ khinh ra mặt khi thấy mình không rành tiếng Mỹ hoặc phát âm không chuẩn”, Hoan tâm sự.
Tuy nhiên, do bản thân chỉ có một mục đích là học thật giỏi để ra trường và kiếm sống được tại đất Mỹ nên anh đã “bỏ ngoài tai” mọi rào cản ngôn ngữ, sự khinh miệt hay trêu ghẹo của người Mỹ để vươn lên ở xứ người. Đến năm 2006, anh tốt nghiệp với tấm bằng Kỹ sư công nghệ thông tin của Mỹ và bắt đầu đi làm tại một công ty công nghệ nổi tiếng ở Mỹ. Thế nhưng, đến tháng 6/2018, sau 18 năm lập nghiệp và gặt hái nhiều thành công ở Mỹ với mức lương “nhiều người mơ ước” là hơn 20.000 USD/tháng, Đỗ Mạnh Hoan lại có một quyết định khiến người thân, bạn bè và gia đình ngỡ ngàng: cùng vợ và hai con về trở Việt Nam sinh sống và làm việc.
Anh Hoan cho biết, mục đích lúc đi du học Mỹ của anh là do muốn phát triển công việc cao hơn, có mức sống cao hơn, để làm cho cuộc sống của mình và gia đình tốt hơn. Thế nhưng khi bước sang tuổi trung niên, Hoan lại hay nghĩ về cố hương. Đây cũng là thời điểm anh đã tích lũy được khá nhiều kiến thức, kinh nghiệm, vốn liếng và những cái đặc sắc nhất của người Mỹ để trở về xây dựng, phát triển nó trên quê hương mình. “Trong mình luôn mang dòng máu người Việt, vậy người Việt được sống trong môi trường của người Việt bao giờ cũng thuận lợi hơn khi ở xứ người”, anh Hoan khẳng định.
Được sống trong môi trường của chính mình
Theo anh Hoan, khi bắt đầu có ý nghĩ trở về quê nhà, anh đã khá băn khoăn với câu hỏi: “Ở hay về?”. Bởi sau 18 năm sống và học tập ở Mỹ, anh cũng thật sự yêu đất nước và con người nơi đây. Môi trường sạch sẽ, không khí trong lành, thực phẩm an toàn, vệ sinh; giao thông đi lại vô cùng thuận tiện và hiện đại; chất lượng cuộc sống cao... Ngoài ra, còn rất nhiều thứ khác mà anh Hoan biết là về Việt Nam anh sẽ khó có được.
Hơn ai hết, cả gia đình anh đều ủng hộ anh ở lại Mỹ. Rất nhiều người bạn Mỹ, bạn Việt Nam đều khuyên anh nên ở lại để có một cuộc sống tốt hơn và có điều kiện giúp đỡ gia đình nhiều hơn. Đỗ Mạnh Hoan biết họ đúng và anh cũng lo nghĩ cho mình và gia đình. Tuy nhiên, anh vẫn chọn cách quay về Việt Nam trước sự ngỡ ngàng của mọi người.
“Nếu bỏ qua tất cả những lời khuyên, góp ý của gia đình, bạn bè… điều tôi thật sự muốn là gì? Cuối cùng tôi đã trả lời được câu hỏi đó rằng: Ở đâu cũng được, nhưng ở đó bạn có thể phát triển bản thân, được sống trong môi trường của chính mình thì là nơi bạn nên sống. Ngoài ra, cảm giác được sống gần những người thân yêu nhất của mình, đó lại là một niềm hạnh phúc vô giá”, anh chia sẻ.
Anh Hoan cho biết, trong khi đi tìm câu trả lời cho việc “về hay ở”, anh đã phát hiện ra điểm chung giữa người Mỹ và người Việt. Đó là con người ở đâu cũng theo quy trình: Khi còn nhỏ thì lo đi học, học cao hơn thì phấn đấu học tốt để ra trường, sau đó đi làm và xác định làm gì để xây dựng, đóng góp cho xã hội, cho quê hương. Về Việt Nam, anh cũng không đặt nặng vấn đề tiền bạc và mức lương so sánh với Mỹ, nhưng anh đặt mục tiêu lo được cho vợ con có mức sống ổn định. Chẳng hạn, nếu như ở Mỹ, có thể gia đình có mức sống đạt thang điểm 10 nhưng về Việt Nam mình đặt mình ở mức sống 7-8, với mức sống này vợ con và mình hoàn toàn thích nghi được.
Theo anh, hiện nay ở Việt Nam, cụ thể là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, đang có mức sống khá cao, không như thời điểm cách đây hơn 10 năm. “Thậm chí, mức chi tiêu của người Việt còn hơn người Mỹ, vậy tại sao chúng ta lại không trở về Việt Nam sinh sống. Sở dĩ người Việt mình thích sống và mơ tưởng về xứ người là do tâm lý sính ngoại, sống trong tâm lý ảo giác, sống trong thế giới tưởng tượng của mình mà không sống thật. Còn sống ở nơi mình sinh ra, sống mới thật là sống với thực tại mình đang có gì, biết mình ở đâu và cuộc sống của mình thế nào là đủ và biết mình cần gì…”, Hoan nhận xét.
Anh cũng nói thêm: “Tôi luôn cám ơn nước Mỹ vì đã cho tôi cơ hội được thành công, vì tôi biết rằng, với cách học và khả năng học của mình, tôi chỉ có thể học được ở Mỹ vì tôi không giỏi học thuộc lòng và các môn khoa học cực kỳ phức tạp của đề thi Việt Nam. Trải qua nhiều thứ, tôi thấy cuộc sống vật chất đầy đủ là rất quan trọng, tuy nhiên, tới một giới hạn nào đó, khi đã đủ ăn, đủ mặc thì cuộc sống tinh thần mới là thứ làm cho người ta hạnh phúc. Cuộc sống vật chất ở Việt Nam bây giờ đã rất là đầy đủ, không hào nhoáng như ở Mỹ, nhưng có sự cân bằng với cuộc sống tinh thần. Đó mới là những thứ mà người Việt như tôi đang cần”.
Đỗ Mạnh Hoan sinh năm 1982, là tiến sỹ kinh tế, công nghệ thông tin và là thầy giáo dạy võ karate. Ngoài các công việc đang làm, anh còn là một giảng viên chuyên dạy các khóa học làm lãnh đạo cho các doanh nghiệp, sinh viên tại Mỹ và Việt Nam.
Ngay sau khi về Việt Nam, Hoan đã thành lập một công ty chuyên về công nghệ có tên “Công nghệ và cuộc sống”. Hiện nay, anh cùng các cộng sự phát triển, xây dựng một app công nghệ về mua bán đồ cũ trực tuyến có tên là Aladin. Theo đó, mọi người có thể tải app về điện thoại di dộng và rao bán những thứ đồ cũ mà mình không dùng để mọi người tìm tới mua.
Anh cho biết, người dùng chỉ cần bật app lên là có thể biết cộng đồng xung quanh mình đang bán cái gì để mình tìm mua. Đặc biệt, với tính năng cho đăng bài miễn phí, giao dịch bảo mật tuyệt đối giữa người cần mua và người cần bán, app này hứa hẹn sẽ phát triển mạnh tại Việt Nam. “Thực tế, app này ở Mỹ khá phát triển và thành công khi kết nối hàng ngàn người bán đồ cũ với nhau, nhưng ở Việt Nam lại ít phát triển. Trong khi người Việt Nam ứng dụng công nghệ thông tin rất nhiều và nhanh, việc tạo ra một cái app bán đồ cũ để cuộc sống của mọi người nhẹ nhàng, tinh giản hơn”, Hoan cho biết.