Lê Viết Thuận là một trong 50 gương thanh niên khuyết tật được tuyên dương trong chương trình "Tỏa sáng Nghị lực Việt" năm 2021 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn TCPVN tổ chức.
Nỗ lực vượt lên nghịch cảnh
Tôi hẹn gặp Thuận khi anh đang bận rộn chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4). Những bước chân đi lại khó khăn, tay phải không sử dụng được, mọi việc đều làm bằng tay trái, phát âm lúc rõ lúc không nhưng anh để lại ấn tượng cho người gặp là sự nhiệt tình, trách nhiệm.
Sinh ra ở xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, Thuận mang trong mình căn bệnh bại não bẩm sinh. Năm tháng tuổi, Thuận bị một trận bỏng nặng khiến toàn thân co quắp. Chín năm nằm liệt giường, Thuận luôn ước ao có ngày mình được cắp sách đến trường, vui đùa cùng các bạn.
Hiểu được mong muốn của con, với hy vọng "còn nước còn tát", năm Thuận lên 9 tuổi, gia đình đưa anh lên Viện bỏng Quốc gia để chữa trị. Sau nhiều cuộc phẫu thuật, bác sĩ thông báo Thuận có 70% cơ hội đi lại được nhưng phải kiên trì tập luyện. Những trận ngã khiến anh bật khóc nhưng không khiến anh bỏ cuộc. Ông nội đã làm cho anh một cái giàn bằng tre để tập đi. Sau 6 tháng tập luyện kiên trì, Thuận có thể đứng dậy mà không cần sự trợ giúp. Năm 11 tuổi, anh có thể đi lại được bình thường dù không chắc chắn, nhanh nhẹn như các bạn khác.
Biết đi, điều Thuận mong muốn là được tới trường học chữ. Do cơ thể khuyết tật và Thuận đã 11 tuổi nên lúc đầu cô giáo không nhận vào lớp. Sau đó, gia đình phải nhờ người quen để Thuận được ngồi nhờ lớp học chữ.
Ngoại hình không bình thường, thời gian đầu, Thuận bị các bạn xa lánh, trêu chọc khiến anh rất buồn. Việc học cũng khó khăn do đôi tay co quắp nên anh phải học viết bằng tay trái. Sự động viên của gia đình và khát khao được học tập đã giúp Thuận vượt qua tất cả. Lâu dần các bạn cũng quen và vui chơi hòa đồng cùng anh. Học đến lớp 2, Thuận cơ bản biết đọc, biết viết, lớp 3 bắt đầu biết làm toán. Nhờ nỗ lực, kiên trì không ngừng nghỉ, anh đã học hết 12 năm học với học lực khá và bước vào kỳ thi đại học.
Sự cố gắng được đền đáp xứng đáng khi anh nhận được thông báo đỗ Học viện Quản lý giáo dục và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Thân khuyết, tâm không khuyết
Với mong muốn có thể giúp đỡ được những người có cùng cảnh ngộ vươn lên trong cuộc sống, Lê Viết Thuận đã chọn học ngành Công tác xã hội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Khuyết tật lại học xa nhà, Thuận gặp nhiều khó khăn khi mới lên Hà Nội; nhưng vượt lên tất cả anh sống hòa đồng, tích cực tham gia hoạt động của trường, lớp và các câu lạc bộ dành cho sinh viên khuyết tật Thủ đô.
Năm 2018, tốt nghiệp đại học, Thuận đi xin việc nhiều nơi nhưng đều bị từ chối vì lý do sức khỏe không đảm bảo. Trong thời gian về quê để tìm việc, anh đã kết nối với nhiều thanh niên khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Nhận thấy Bắc Giang chưa có câu lạc bộ dành cho thanh niên khuyết tật nên anh có ý tưởng thành lập một câu lạc bộ với mong muốn kết nối những thanh niên khuyết tật để cùng chia sẻ, đồng cảm, giúp đỡ nhau khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Ý tưởng của Thuận nhanh chóng được Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh đồng ý. Sau khi thành lập, anh được giao làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ thanh niên khuyết tật tỉnh Bắc Giang.
Với vai trò là Chủ nhiệm Câu lạc bộ, Thuận luôn trăn trở làm thế nào để câu lạc bộ ngày càng phát triển, giúp đỡ được nhiều hơn nữa những thanh niên khuyết tật. Chính những trăn trở đó đã không ngừng thôi thúc Thuận kết nối, hỗ trợ tặng quà, giúp đỡ những thanh niên khuyết tật. Điển hình, Thuận đã kết nối với ngành chức năng làm Chứng minh thư nhân dân/Căn cước công dân cho hội viên khuyết tật đặc biệt nặng; vận động gây quỹ từ thiện "Mua tặng xe lăn" cho hội viên; tổ chức chương trình "Tết Nghĩa tình 2020", thăm hỏi hội viên khó khăn. Ngoài ra, Thuận phối hợp cùng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thực hiện chương trình "Ước mơ tới giảng đường Đại học năm 2019" đối với hội viên Câu lạc bộ.
Năm 2020, Thuận và một số đoàn viên trẻ trong tỉnh thành lập "Quỹ từ thiện tấm lòng nhân ái tỉnh Bắc Giang" nhằm giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, người khuyết tật, người nghèo và người già có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống với phương châm "Chung tấm lòng - Hạnh phúc là chia sẻ".
Với những hoạt động thiết thực, đến nay, Câu lạc bộ đã kết nạp được 31 thành viên và thành lập 3 câu lạc bộ cấp cơ sở ở các huyện Yên Dũng, Lạng Giang, Hiệp Hòa; sắp tới sẽ thành lập thêm Câu lạc bộ ở huyện Việt Yên.
Thuận chia sẻ, cuộc sống của những người khuyết tật thực sự khó khăn. Do vậy, để người khuyết tật sống hòa nhập cộng đồng cần sự quan tâm, giúp đỡ, sẻ chia nhiều hơn nữa từ các cấp, ngành, đoàn thể, tổ chức, nhà hảo tâm, giúp họ bớt tự ti và có cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn.
Mong muốn của Thuận trong thời gian tới là Bắc Giang có một tổ chức hội dành cho người khuyết tật bền vững. Vì vậy, Thuận muốn phát triển Câu lạc bộ thành Hội Người khuyết tật tỉnh Bắc Giang để kết nối, giúp đỡ được nhiều người khuyết tật hơn nữa.
Khi được hỏi, khuyết tật có đáng sợ không, Thuận nhanh chóng trả lời: Khuyết tật thân thể không đáng sợ, khuyết tật tâm hồn và nghị lực mới đáng sợ. Người khuyết tật nếu không có nghị lực, ý chí vươn lên thì không ai giúp được mình. Vì vậy, các bạn khuyết tật hãy nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Cùng với đó là tận dụng mọi cơ hội học tập, giao lưu, tìm kiếm việc làm để bản thân không phải là gánh nặng cho gia đình và xã hội.