Ươm mầm tri thức cho học sinh vùng cao

Cô giáo Triệu Thị Tuyết Nhung, dân tộc Nùng sinh năm 1985, đã nhiều năm gắn bó với học sinh dân tộc thiểu số vùng khó khăn.

Cô giáo trẻ Triệu Thị Tuyết Nhung


Sinh ra và lớn lên tại một xã khó khăn ở huyện Văn Quan, do vậy, khi về công tác tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Đồng Giáp (dạy hệ mầm non) dù đường đi rất vất vả, nhưng cô Nhung vẫn xung phong đi dạy ở các điểm trường.

Ở các điểm trường không có lớp học riêng, mà phải học nhờ nhà họp thôn, không có điện nước, không có nhà vệ sinh. Để khắc phục khó khăn, cô Nhung và đồng nghiệp đã liên hệ với nhiều nơi để xin đệm, rèm cũ, tận dụng những bộ bàn ghế hỏng, làm nhà vệ sinh cho các cháu; mua ống dẫn nước từ khe đồi về để các cháu có nước sinh hoạt hàng ngày... Vì vậy, trong nhiều năm qua, tỉ lệ huy động trẻ đến lớp ở điểm trường luôn đạt 100%.

9 năm “cắm bản” gieo chữ ở xã vùng đặc biệt khó khăn, cô Nhung không thể nhớ hết đôi chân mình đã vượt bao nhiêu đèo, lội bao nhiêu con suối, đến bao nhiêu hộ dân để vận động học sinh tới lớp. Cứ đến khoảng tháng 7 hàng năm, cô Nhung lại tranh thủ thời gian các buổi trưa đến từng gia đình vận động phụ huynh đưa trẻ đến trường. Đi bộ dưới cái nắng oi bức của mùa hè, người ướt đẫm mồ hôi dù rất mệt, nhưng khi nghĩ đến việc vượt qua ngọn đồi phía trước sẽ có thêm nhiều học sinh nữa được đến trường, đôi chân cô lại bước nhanh hơn.

Thời gian đầu nhận lớp, cô Nhung thấy còn có rất nhiều học sinh chưa biết nói tiếng phổ thông và còn rụt rè, nhút nhát. Vì vậy, trong quá trình giảng dạy, các cô đã sử dụng song song hai thứ tiếng phổ thông và tiếng dân tộc Tày, Nùng. Cô Nhung đã mang dân ca đến với trẻ mẫu giáo, nhờ vậy trẻ hứng thú tham gia vào các tiết học.

Chồng của cô giáo Nhung công tác trong lực lượng vũ trang nên thường xuyên vắng nhà, gia đình còn mẹ già, con nhỏ, nên cô Nhung rất bận rộn. Hàng đêm, sau khi lo cho con gái nhỏ ngủ ngon, cô Nhung vẫn thức soạn bài, làm đồ dùng đồ chơi phục vụ cho bài dạy ngày hôm sau.

Với những cống hiến của mình, cô Nhung đã vinh dự được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của ngành giáo dục và là giáo viên dạy giỏi tiêu biểu toàn quốc năm 2014.


Bài và ảnh: Thắng Trung
Cô giáo vùng cao đam mê sáng tạo
Cô giáo vùng cao đam mê sáng tạo

Vào nghề hơn 10 năm, bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ cùng kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy môn toán, cô giáo Võ Thị Ngọc Ánh đã sáng tạo ra phương pháp giảng dạy mới cho môn toán học.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN