Với thương tật 45%, đôi chân không còn lành lặn, đi lại khó khăn, nhưng hàng ngày, sau những giờ lên nương rẫy, thương binh Đinh Văn Đôn, dân tộc Kadong, ở thôn Tà Vây, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi) lại cùng với nhiều thầy cô giáo lặn lội đến các khu dân cư để vận động học sinh bỏ học trở lại lớp.
Già làng Đinh Văn Đôn, chống nạng đi vận động học sinh đến lớp.
|
Em Đinh Thị Phin, học sinh lớp 9, ở thôn Tà Vây có hoàn cảnh rất khó khăn. Nhà có 4 anh chị em đang tuổi đi học, nhưng thương mẹ vất vả nương rẫy, em phải bỏ học để phụ giúp mẹ. Nhiều lần thầy cô giáo đến động viên, thuyết phục nhưng Phin vẫn không trở lại trường. Hiểu được hoàn cảnh của em, già Đôn đã kiên trì đến nhà động viên gia đình để Phin được tiếp tục học chữ.
Già Đôn tâm sự: “Đối với gia đình cháu Phin, trước hết tôi vận động bố cháu giúp vợ con làm việc, không được suốt ngày tụ tập uống rượu. Chị Núi, mẹ cháu Phin có người đỡ đần công việc sẽ tạo điều kiện để con đi học. Mình phải giải thích để mọi người hiểu rằng bậc cha mẹ do thiếu cái chữ, nên làm lụng vất vả mà vẫn nghèo. Vì vậy, tuổi trẻ phải được học chữ, thì cái đầu mình mới nghĩ được nhiều cách làm ăn, gia đình mới thoát nghèo”.
Để có thông tin trao đổi với thầy cô giáo, già Đôn ghi đầy đủ tên và số điện thoại của thầy cô giáo trường THCS Sơn Long vào một cuốn sổ. Già Đôn cho biết: Đối với miền núi thì thời điểm có nhiều học sinh nghỉ học nhất là sau Tết và bắt đầu năm học mới. Vì vậy, có lúc tôi cùng đi với các thầy, cô giáo nhưng cũng có lúc chỉ cần nhận được thông tin từ các giáo viên rằng có cháu nào không ra lớp là ngay lập tức tôi đi tìm hiểu lý do để vận động các cháu đến lớp.
Ông Đinh Văn Treo, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Long cho biết: “Già Đinh Văn Đôn là người có uy tín ở địa phương. Già không chỉ gương mẫu ở trong gia đình mà còn có nhiều đóng góp rất lớn trong việc vận động học sinh ra lớp, giúp hạn chế tình trạng bỏ học ở địa phương. Trước đây già Đôn còn vận động một số người lớn tuổi bị mù chữ đến nhà để con cháu dạy chữ nữa”.
Tin, ảnh: Đinh Thị Hương