Các máy lọc nước này được trao tặng thông qua Đoàn công tác của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (HCMA) do Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Văn Quang dẫn đầu. Hiện số hàng viện trợ đã về đến Hà Nội ngày 20/9 với sự hỗ trợ vận chuyển miễn phí của Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trong số 18 máy lọc nước, chính quyền bang Hesse (Hessen), ở miền Trung nước Đức, tài trợ 10 máy. Số còn lại được tài trợ thông qua các khoản đóng góp từ các lớp học, doanh nghiệp và cá nhân.
Điểm đặc biệt của máy lọc nước PAUL là xử lý nước cực kỳ tiết kiệm tài nguyên. Hệ thống không sử dụng hóa chất, điện hoặc cần chuyên gia vận hành mà thay vào đó, nước được xử lý qua một bộ màng lọc. Máy còn có ưu điểm gọn nhẹ, có thể mang theo người và lọc được 1.200 lít/ngày, cung cấp đủ nước uống cho ít nhất 400 người/ngày. Người phát minh ra máy PAUL là Giáo sư, Tiến sĩ kỹ thuật Franz-Bernd Frechen ở Đại học Kassel, bang Hesse.
Trước đó, ngày 12/9, cũng tại sân bay Frankfurt, Chủ tịch WUS, Kambiz Ghawami, đã trao tặng tượng trưng một máy lọc nước PAUL cho những người dân Việt Nam đang thiếu nước sạch do ảnh hưởng của bão Yagi qua Đoàn công tác do Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc HCMA, dẫn đầu.
Cũng nhờ sự hỗ trợ tích cực của Vietnam Airlines, chiếc máy lọc nước này đã có mặt tại Hà Nội ngày 13/9 và được chuyển đến tay những người có nhu cầu.
Cho đến nay, WUS đã cung cấp tổng cộng 411 máy lọc nước PAUL cho Việt Nam nhờ sự hỗ trợ tài chính của một số bang tại Đức và các khoản đóng góp từ sinh viên, phụ huynh và các công ty. Tiến sĩ Kambiz Ghawami cho biết biến đổi khí hậu đang làm tăng nguy cơ lũ lụt và điều này không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam mà còn cả châu Âu. Do đó, điều vô cùng quan trọng đối với sự sống còn của con người là Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP) tại thủ đô Baku của Azerbaijan từ ngày 11 - 24/11 tới phải đưa ra được những quyết định mang tính ràng buộc để ngăn chặn biến đổi khí hậu diễn ra nghiêm trọng hơn.
"Cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ phải ngăn chặn biến đổi khí hậu để các thế hệ tương lai có một môi trường đáng sống”, ông Ghawami nói.