Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với việc ủng hộ đồng bào trong nước bị thiệt hại do cơn bão Yagi gây ra, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã kêu gọi các cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp, các tổ chức hội đoàn, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, bà con kiều bào và bạn bè Pháp, trên cơ sở khả năng và điều kiện, phát huy mạnh mẽ tình đoàn kết, nghĩa đồng bào, dành sự sẻ chia, giúp đỡ nhanh chóng, kịp thời về tinh thần, vật chất, chung tay ủng hộ đồng bào vùng bị thiệt hại.
Ngày 18/9 tại trụ sở của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp ở thủ đô Paris, Đại sứ Đinh Toàn Thắng đã có buổi làm việc trực tiếp và trực tuyến với đại diện các hội đoàn người Việt tại thủ đô Paris và nhiều đầu cầu trong nước Pháp như Bordeaux, Lyon, Marseille, Grenoble…
Trong buổi làm việc, Đại sứ đã thông báo tổng hợp những thiệt hại to lớn về người và của do cơn bão Yagi gây ra với con số ước tính sơ bộ là 50.000 tỉ đồng, làm giảm tăng trưởng GDP khoảng 0,15%. Với quy mô tàn phá lớn nhất từ vài chục năm trở lại đây, cơn bão này đã khiến nhiều nước nằm trên trục đường bão đi qua chịu ảnh hưởng, trong đó Việt Nam là quốc gia chịu tổn thất nặng nề nhất.
Đại sứ cũng cho biết hiện công tác khắc phục đang được triển khai rộng khắp. Các biện pháp chính phủ đề ra tập trung vào nhiều lĩnh vực khác nhau với những nhiệm vụ hết sức nặng nề và lâu dài, trong đó chú trọng giải quyết hậu quả bão lũ gây ra, giúp các đối tượng, bộ phận nhân dân bị ảnh hưởng trực tiếp ổn định cuộc sống; ưu tiên chăm sóc sức khỏe nhân dân; khôi phục các hoạt động đời sống xã hội ở vùng bị ảnh hưởng; hỗ trợ sản xuất kinh doanh, khôi phục đường sá, xây dựng lại cơ sở trường học, y tế; chủ động ứng phó với thiên tai sau bão lũ, đặc biệt là nguy cơ ngập lụt, sạt lở trong thời gian tới; xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ lâu dài đối với các khu vực bị thiên tai, các nhóm dân cư bị tác động; phấn đấu đảm bảo duy trì tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn lực cho xã hội và đất nước...
Đại sứ cho biết, ngay sau khi cơn bão đi qua, đã có nhiều hoạt động quyên góp và ủng hộ được triển khai trong và ngoài nước với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Con số thống kê sơ bộ đã lên đến 1.400 tỉ đồng và những khoản cứu trợ đầu tiên đã đến với bà con ngay sau khi thảm họa xảy ra. Việt Nam cũng đã nhận được nhiều sự trợ giúp quốc tế. Lãnh đạo các nước đã bày tỏ tình đoàn kết và chia sẻ đau thương với nhân dân Việt Nam, nhiều nước đã ủng hộ 22 triệu đô la và con số này còn đang tiếp tục được tăng lên.
Về phía địa bàn Pháp, Đại sứ Đinh Toàn Thắng cũng cho biết trước những thiệt hại nặng nề về người và vật chất do cơn bão Yagi gây ra tại các tỉnh phía Bắc, bạn bè Pháp và quốc tế tại địa bàn Pháp đã gửi lời chia buồn, bày tỏ tình đoàn kết, cũng như cam kết sẽ sát cánh với nhân dân Việt Nam trong thời khắc khó khăn này. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ngay lập tức gửi thông điệp tới lãnh đạo Đảng và Nhà nước và nhân dân Việt Nam, bày tỏ sự đoàn kết của nhân dân Pháp và cam kết sẽ có những kế hoạch cụ thể để ủng hộ Việt Nam trong thời gian tới. Các hội đoàn Việt Nam tại Pháp và bạn bè Pháp, các thành viên nghị viện và các đảng phái chính trị Pháp cũng đã gửi thư từ, thông điệp tới nhân dân địa phương các vùng bị ảnh hưởng của bão Yagi để chia sẻ và bày tỏ tình đoàn kết đối với các nạn nhân.
"Thời gian qua cộng đồng ta, các cán bộ nhân viên cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp, cũng như các hội đoàn, bạn bè Pháp, đã đóng góp quan trọng về vật chất. Hiện tại số tiền đã lên tới gần 2 tỉ đồng và được chuyển về Việt Nam bằng nhiều hình thức khác nhau, qua Mặt trận Tổ quốc, qua các địa phương, hoặc trực tiếp tới các khu dân cư bị nạn", Đại sứ Đinh Toàn Thắng thông báo. Ông bày tỏ hy vọng trong thời gian tới với sự phát động của các cơ quan đại diện, hội đoàn kiều bào và bạn bè Pháp, những tình cảm này sẽ tiếp tục được lan tỏa, thể hiện sự gắn bó, đoàn kết, tinh thần tươn thân tương ái, để tình hữu nghị giữa nhân dân Pháp và nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục được lan tỏa và nhân rộng hơn nữa.
Bày tỏ sự cảm thông sâu sắc trước những đau thương, mất mát của các nạn nhân của cơn bão Yagi và những ảnh hưởng sau bão, đại diện các hội đoàn cho biết đã triển khai nhiều hoạt động nhằm kêu gọi quyên góp và trợ giúp trong cộng đồng và bạn bè Pháp.
Ông Jerome Tham, đại diện Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF) thông báo, cách đây một tuần, UGVF đã phát động phong trào ủng hộ nạn nhân bão Yagi ở Việt Nam và cho đến nay đã tiếp nhận khoản tiền ủng hộ đầu tiên khoảng 15.000 euro, trong đó 10.000 euro đã được gửi đến Mặt trận tổ quốc Việt Nam. Ông cũng cho biết bên cạnh việc quyên góp tiền, một số hội viên của UGVF hiện đang ở Việt Nam cũng đang kêu gọi quyên góp quần áo để cứu trợ các nạn nhân vùng lũ lụt ở các tỉnh phía Bắc. Ông hy vọng tình hình sẽ sáng sủa hơn, và chính quyền Việt Nam có thể giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống, đặc biệt là các nạn nhân đã mất người thân và tài sản.
Với tư cách là Chủ tịch Hội hữu nghị Pháp - Việt (AAFV), ông Nguyễn Hải Nam cho biết ngay khi nhận được thông tin về những thiệt hại nặng nề do cơn bão Yagi gây ra, AAFV đã vận động các hội viên quyên góp ủng hộ các tỉnh phía Bắc, nơi từ nhiều năm nay, hội vẫn thường xuyên có các hoạt động trợ giúp đồng bào dân tộc. Hội cũng đã liên hệ với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) và Ban điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM) để đóng góp ủng hộ các nạn nhân của trận bão.
Trong thời gian tới, AAFV sẽ tiếp tục vận động sự ủng hộ của các hội viên tại trụ sở chính ở Montreuil và ở 13 chi nhánh của hội ở các địa phương, tổ chức các bữa ăn từ thiện để quyên góp tiền ủng hộ nạn nhân bão lũ, đặc biệt là giúp tỉnh Lào Cai, nơi đã chịu nhiều thiệt hại về người và của do hậu quả sau bão Yagi.
Thay mặt đồng bào trong nước cảm ơn ủng hộ vật chất và tinh thần của bà con kiều bào. Đại sứ Đinh Toàn Thắng mong muốn các hội đoàn người Việt tại Pháp với bề dày tương thân tương ái trong lịch sử, tiếp tục có những cử chỉ thiện nguyện hỗ trợ đồng bào trong nước, giúp các nạn nhân vùng bão lụt ổn định cuộc sống, góp phần kiến thiết lại cơ sở hạ tầng, khôi phục sản xuất phát triển kinh tế - xã hội đã địa phương bị ảnh hưởng, giúp đất nước sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này.