70 năm Giải phóng Thủ đô: Vươn mình phát triển mạnh mẽ

70 năm đã trôi qua nhưng tầm vóc lớn lao và ý nghĩa lịch sử của Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 mãi là nguồn cổ vũ to lớn đối với Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang, nhân dân Hà Nội trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô và đất nước.

Từ một thành phố chịu nhiều tổn thương trong chiến tranh, giờ đây, Hà Nội đang vươn mình phát triển mạnh mẽ. Bức tranh Thủ đô đã và đang ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, được bạn bè thế giới vinh danh là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh trung tâm chính trị của Thủ đô Hà Nội nhìn từ hồ Hoàn Kiếm ra sông Hồng. Ảnh: Trung Nguyên/Báo Tin tức

Hành trình cùng đổi mới

Cùng với dòng thời gian, lịch sử dân tộc cũng biến chuyển theo chiều lạc quan. Xin mượn những vần thơ "Mùa thu nay khác rồi.../ Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi/ Gió thổi rừng tre phấp phới/ Trời thu thay áo mới/ Trong biếc nói cười thiết tha" của nhà thơ Nguyễn Đình Thi để nói lên tâm trạng hôm nay của những nhân chứng lịch sử đi qua hai thế kỷ, những người lính Trung đoàn Thủ đô anh hùng năm xưa "rũ bùn đứng dậy", “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, đấu tranh giải phóng Thủ đô cho đất nước được độc lập, tự do, hạnh phúc.

Đã 70 năm trôi qua, những vết bom, đạn hằn trên từng chiến địa ở 36 phố, phường... Cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân trong những trận chiến khốc liệt năm xưa như vết thương đã lên da. Sáng Thu nay, nắng vàng thả nhẹ trong tiết trời se se lạnh, phố phường Hà Nội rợp cờ hoa, băng rôn, biểu tượng chiến thắng chào mừng Kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô trong niềm vui hân hoan của người dân Hà Nội và cả nước.

Chú thích ảnh
Sáng 10/10/1954, đại quân ta từ 5 cửa ô tiến vào giải phóng Thủ đô, kết thúc oanh liệt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp đầy hy sinh, gian khổ. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Những người lính Trung đoàn Thủ đô anh hùng năm xưa ngực kín huân, huy chương cùng những người Mẹ Việt Nam Anh hùng bạc phơ mái đầu cùng tề tựu về Cung văn hóa lao động Hữu nghị Việt Xô trong không khí đầm ấm của buổi lễ gặp mặt tri ân những người có công trực tiếp tham gia giải phóng Thủ đô. Những người lính già (hầu hết đã ngoài 80 tuổi) vồn vã nắm tay, có cả chiếc ôm siết chặt... cùng nhau ôn lại ký ức hào hùng về những trận chiến khốc liệt đấu tranh cho độc lập của hơn 7 thập kỷ trước.

Dưới lá cờ Tổ quốc, tượng Bác Hồ và đồng đội năm xưa, Cựu chiến binh Lê Văn Tính (Đại đội 2, Trung đoàn Thủ đô) xúc động bày tỏ, thật vinh dự tự hào là chiến sỹ được tham gia tiếp quản Thủ đô, nay trở thành người dân của Thủ đô tươi đẹp, "Thành phố vì hòa bình". Đồng thời, ông cũng mong muốn các thanh, thiếu niên noi gương các bậc cha anh đã hy sinh chiến đấu giải phóng Thủ đô tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện xứng đáng là công dân tốt, có nhiệt huyết xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại.

Chú thích ảnh
Từ sáng sớm, người dân Hà Nội treo cờ, khẩu hiệu trước cửa nhà, đón chào bộ đội về giải phóng Thủ đô. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Đối với người lính già Nguyễn Văn Lân (Tiểu đoàn 108, Mặt trận Hà Nội) cảm xúc đan xen giữa những ký ức hào hùng năm xưa và sự đổi thay phát triển của Thủ đô hôm nay. Ngồi giữa phòng khách trên chiếc ghế gỗ trong ngôi nhà nằm nép mình bên bờ sông Hồng (thuộc địa bàn phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), ông Lân chia sẻ, xã Đông Ngạc xưa nay đã lên phường. Đầm nước năm nào thành vùng cư dân đông đúc, nhà cửa khang trang. Hà Nội đổi thay từng ngày, đường đến đâu giàu đến đó.

Diện mạo của Đông Ngạc cũng là cận cảnh diện mạo đổi thay của Thăng Long - Hà Nội. Từ một thành phố bị chiến tranh tàn phá, hàng thập niên đặc mùi thuốc súng, đất trời rung chuyển trong tiếng đạn bom, ngày nay, Hà Nội đã trở thành một trung tâm về kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục... có vị trí quan trọng trong khu vực và cả nước. Thành phố đã và đang phát triển một cách đáng ngạc nhiên cả về quy mô, chiều rộng và chiều sâu.

Xây dựng Thủ đô "Văn hiến - văn minh - hiện đại"

Sau 70 năm ngày Giải phóng, nhìn lại quá trình phát triển của Thủ đô, mọi người đều thấy sự đổi thay nhanh chóng, phát triển toàn diện và bền vững từ thành thị đến vùng nông thôn. Từ sân bay quốc tế Nội Bài, chiếc xe ô tô lao nhanh hướng thẳng đến trung tâm thành phố, qua cầu Thăng Long, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng với hai "mảng màu" rõ rệt, minh chứng cho sự đổi thay và phát triển của Hà Nội. Một bên đường là gam màu ngói đỏ tươi của những biệt thự nhà vườn liền kề, biểu trưng cho vùng ngoại ô trù phú; còn phía bên kia san sát các nhà xưởng của các tập đoàn đa quốc gia... đang đồng hành cùng Hà Nội phát triển.

Chú thích ảnh
Cầu Nhật Tân là một trong những dự án trọng điểm quốc gia có mức tổng số vốn đầu tư lên đến 13.500 tỷ đồng. Ảnh: Phạm Tuấn Anh/TTXVN

Ngoài ra, nhiều dự án khu đô thị mới văn minh, hiện đại đã và đang hình thành tạo nên không gian đô thị, diện mạo mới cho Thủ đô sau 70 năm phát triển. Bên cạnh đó, những công trình giao thông hiện đại nhất của đất nước đang được khai thác, đưa vào sử dụng hiệu quả như: Cầu Nhật Tân, cầu Đông Trù, cầu Thanh Trì... với hệ thống chiếu sáng được đầu tư đồng bộ, đêm đêm tỏa sáng lung linh soi bóng nước sông Hồng. Những con đường vành đai 1,2,3 và đường xuyên tâm, tuyến phố được nâng cấp, mở rộng như: Võ Chí Công, Võ Nguyên Giáp, Đại lộ Thăng Long... không chỉ tạo sự kết nối thuận tiện trong nội đô mà còn kết nối Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tiến sĩ, Kiến Trúc sư Jan Gehl, tác giả cuốn sách “Cuộc sống giữa những công trình kiến trúc” khi nhắc đến sự đổi thay của Hà Nội sau nhiều năm nghiên cứu đã thốt lên: "Diện mạo Hà Nội vụt sáng dậy theo cả chiều rộng lẫn chiều cao”. Thủ đô đã có một sắc diện mới "Tầm vóc và bề thế hơn". Không chỉ những quận nội thành có những đổi thay kỳ diệu với hàng trăm tòa nhà cao tầng đã được xây dựng, mà những khu đô thị mới xanh, sạch, đẹp đã và đang dần hiện hữu trên những mảnh ruộng ngày nào.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến chia sẻ, trong suốt 70 năm qua dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ, Thủ đô Hà Nội không ngừng lớn mạnh, xứng đáng với niềm tin yêu của đồng bào, chiến sỹ cả nước. Cùng với cả nước, Hà Nội đang quyết tâm triển khai thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII; Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5/5/2022 của Bộ chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...

Dù trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức do chịu tác động tiêu cực của tình hình thế giới, tác động của biến đổi khí hậu, song, với tinh thần đoàn kết, đổi mới, quyết liệt, sự vào cuộc thực sự của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân Thủ đô, Hà Nội đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên tất cả lĩnh vực. Điển hình như: kinh tế - xã hội Thủ đô duy trì tăng trưởng. Từ năm 2021 đến năm 2023, kinh tế Thủ đô đều tăng trưởng cao hơn bình quân chung của cả nước.

Trong 8 tháng của năm 2024, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố đạt 343,6 nghìn tỷ đồng (đạt 84,1% dự toán pháp lệnh năm, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2023); trong đó, thu nội địa 323,9 nghìn tỷ đồng. Toàn thành phố thu hút 1,4 tỷ USD vốn FDI, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2023... An sinh xã hội đảm bảo, quốc phòng an ninh được giữ vững. Đặc biệt, sự nghiệp văn hóa, giáo dục được quan tâm, đầu tư, trở thành động lực mới, nguồn lực mới cho phát triển bền vững Thủ đô.

Có thể khẳng định, không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội có được bức tranh kinh tế - xã hội khởi sắc như hôm nay. Bên cạnh sự đồng lòng, đoàn kết của cả hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô, còn có sự chỉ đạo xuyên suốt trong các Nghị quyết của Trung ương, Đảng bộ thành phố. Trong đó, Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5/5/2022 của Bộ chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là "kim chỉ nam" để hiện thực hóa khát vọng xây dựng Thủ đô "Văn hiến - văn minh - hiện đại".

Đinh Thuận - Nguyễn Thắng (TTXVN)
70 năm Giải phóng Thủ đô: Giữ trọn lời hẹn với Thủ đô
70 năm Giải phóng Thủ đô: Giữ trọn lời hẹn với Thủ đô

Trước khi lui quân ra khỏi Hà Nội để lên An toàn khu chuẩn bị cho cuộc chiến đấu lâu dài, các chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô đã viết lên tường lời hẹn ngày về khi chiến thắng “Hà Nội ơi, chúng tôi sẽ hẹn ngày chiến thắng trở về”, “Hỡi quân xâm lược Pháp, chúng tao hẹn ngày chiến thắng trở về”, “Tạm biệt nhé Hà Nội, chúng tôi nhất định sẽ chiến thắng trở về”. Ngày 10/10/1954, các chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô vinh dự cùng Đại đoàn quân Tiên phong dẫn đầu các cánh quân trở về tiếp quản Thủ đô, giữ trọn lời hẹn với Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN