Đã tròn một tuần nước Mỹ chìm đắm trong các cuộc bạo loạn. Giới chức chính quyền địa phương tại hơn 20 thành phố đã phải áp lệnh giới nghiêm và huy động lực lượng vệ binh quốc gia để duy trì an ninh, trật tự. Cụ thể, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết khoảng 5.000 thành viên lực lượng Vệ binh Quốc gia đã được triển khai tại 15 tiểu bang, gồm cả thủ đô Washington DC và khoảng 2.000 binh sĩ đang trong tình trạng sẵn sàng trực chiến.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 1/6 khẳng định ông sẽ triển khai hàng nghìn binh sĩ và lực lượng thực thi pháp luật được vũ trang đầy đủ để ngăn chặn bạo lực ở các thành phố nếu giới chức địa phương thất bại trong nỗ lực giành lại quyền kiểm soát các đường phố.
Trước đó, vào ngày 25/5, công dân Mỹ gốc Phi George Floyd đã tử vong sau khi bị 4 cảnh sát Mỹ bắt giữ. Một đoạn video cho thấy một cảnh sát da trắng, được cho là Derek Chauvin, đã ghì cổ Floyd xuống đất bằng đầu gối trong gần 8 phút. Floyd tử vong không lâu sau đó tại một bệnh viện địa phương. Cảnh sát Derek Chauvin bị buộc tội giết người cấp độ 3.
George Floyd là nạn nhân mới nhất trong danh sách những người Mỹ gốc Phi bị phân biệt chủng tộc tại Mỹ.
Huyền thoại đấm bốc Jack Johnson (1910)
Thế kỷ 19 là thời điểm bùng nổ mạnh mẽ các cuộc bạo động phản đối nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ, khi diễn ra cuộc Nội chiến Mỹ giải phóng cho trên 3 triệu nô lệ da đen. Thành phố Cincinatti đã chứng kiến các cuộc bạo loạn vào năm 1829, 1836 và 1841 khi đám đông da trắng tấn công “người da đen tự do”.
Tuy nhiên, phong trào biểu tình đấu tranh cho người da đen thực sự lên tới đỉnh điểm sau khi Jack Johnson trở thành nhà vô địch thế giới da màu đầu tiên trên sàn thi đấu đấm bốc. Tháng 7/1910, võ sĩ Johnson đánh bại cựu vô địch Jim Jeffries trong trận đấu thế kỷ tại Reno, Nevada. Ngay khi tin tức lan truyền đến Chicago, New York, Boston và các thành phố khác, xung đột sắc tộc nổ ra khi người da trắng giận dữ tấn công những người Mỹ gốc Phi đổ ra đường ăn mừng chiến thắng của Johnson.
Trên 30 người đã thiệt mạng tại hai thành phố Omaha (bang Nebraska) và Little Rock (bang Arkansas).
Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ William Taft đã hối thúc Quốc hội thông qua luật hạn chế công bố những hình ảnh về các cuộc thi đấu đấm bốc, nhằm tránh kích động căng thẳng sắc tộc.
Trong khi đó, vào năm 1913, võ sĩ Jack Johnson đã bị kết tội “buôn bán phụ nữ da trắng với mục đích tình dục”. Sau khi bị kết án, võ sĩ Johnson sang châu Âu sống lưu vong. Năm 2018, Tổng thống Trump đã ban hành lệnh ân xá cho Jack Johnson.
Cuộc nổi loạn Watts (1965)
Bạo động bất ngờ bùng phát tại quận Watts, thành phố Los Angeles vào tháng 8/1965. Tại thời điểm đó, cuộc bạo động là một cú sốc lớn đối với nhiều người dân tại Mỹ.
Câu chuyện bắt đầu vào một tối thứ Tư. Nhóm cảnh sát da trắng chịu trách nhiệm tuần tra đường cao tốc California đã ra lệnh chiếc xe của hai anh em người da màu Ronald và Marquette Frye tấp vào lề đường. Marquette bị bắt giữ vì tội danh lái xe trong lúc say rượu. Trong quá trình bắt giữ, hai bên có xảy ra xô xát.
Sự việc ngay lập tức khiến cộng đồng người da màu sôi sục phản đối cách hành xử của cảnh sát đối với anh em nhà Frye. Đám đông bắt đầu tràn ra đường biểu tình, ném đá và chai nước vào các xe ô tô, xe buýt lưu thông trên đường. Các tòa nhà bị đốt cháy. Cuộc bạo động kéo dài 6 ngày, khiến 34 người thiệt mạng và 4.000 người bị bắt giữ. Tổng thiệt hại về tài sản trong cuộc bạo động rơi vào khoảng 40 triệu USD.
Trong cuộc bạo động này, Chính phủ Mỹ đã huy động lực lượng Vệ binh Quốc gia để lập lại trật tự.
Thống đốc bang California Pat Brown đã thành lập Ủy ban McCone điều tra về nguyên nhân các cuộc bạo động. Ông kết luận tình trạng thất nghiệp, không được giáo dục và điều kiện sống nghèo khổ tại quận Watts góp phần khiến bạo động nổ ra. Tuy nhiên, lỗi của cảnh sát không hề được nhắc tới.
Trong một cuộc tranh cãi với Tổng thống Lyndon B. Johnson, nhà hoạt động dân quyền người Mỹ gốc Phi Martin Luther King cho rằng Thị trưởng Los Angeles, ông Sam Yorty, “hoàn toàn vô cảm” trước thực trạng bạo lực của cảnh sát.
Martin Luther King (19)
Ba năm sau khi xảy ra bạo động ở Watts, nhà hoạt động Martin Luther King bị tên James Earl Ray – kẻ theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng - dùng súng sát hại trong một nhà nghỉ ở Memphis (bang Tennessee).
Vụ sát hại người đứng đầu phong trào giành quyền lợi cho người Mỹ gốc Phi đã làm dấy lên sự phản kháng mạnh mẽ từ cộng đồng da màu trên khắp nước Mỹ.
Các cuộc bạo động bùng phát tại Chicago, Baltimore, Washington DC và Kansas. 40 người chết và 15.000 người bị bắt giữ trong vụ việc. Có thời điểm, bạo động còn lan tới hai tòa nhà trong khu vực Nhà Trắng. Thị trưởng thành phố đã phải áp lệnh giới nghiêm và cấm bán rượu bia, súng.
Ba ngày sau cái chết của Luther King, Tổng thống Lyndon B. Johnson tuyên bố một ngày quốc tang nhưng cử Phó Tổng thống Hubert Humphrey tới lễ viếng.
Bạo động Rodney King (1992)
Cuối những năm 1960, Chính phủ Mỹ thông qua luật dân quyền. Chế độ phân chủng Jim Crow tại các tiểu bang miền Nam nước Mỹ chấm dứt. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, người da trắng vẫn chiếm đa số trong lực lượng cảnh sát Mỹ tại các thành phố có đông dân da màu.
Tháng 3/1991, sau khi rượt đuổi gần 1 tiếng, công dân da màu Rodney King đã bị yêu cầu ra khỏi xe sau khi cảnh sát nghi ngờ anh ta lái xe trong lúc say rượu. Trong một đoạn video do người dân địa phương ghi lại tại hiện trường, cảnh sát Los Angeles đã ghì Rodney xuống đất, đá và dùng dùi cui đánh liên tiếp vào người Rodney trong 15 phút. (xem video dưới):
Đoạn video đã được gửi tới một đài truyền hình địa phương. Bốn cảnh sát tham gia vụ việc đã bị kết tội sử dụng vũ lực quá mức. Rodney bị chấn thương sọ, tổn thương não và gãy xương.
Nhưng đến ngày 29/4/1992, khi một bồi thẩm đoàn người da trắng tại Hạt Ventura ra quyết định tha bổng cho nhóm cảnh sát, tin tức đã khiến người da màu tại Los Angeles phẫn nộ. Các cuộc bạo động bùng nổ tại Compton, Watts, Inglewood, Hawthorne và Long Beach, lan sang cả Hollywood.
Một lần nữa, Vệ binh Quốc gia được huy động trấn áp bạo lực. 63 người tử vong, 12.000 người bị bắt giữ và thiệt hại tài sản là 1 tỷ USD.
Năm 1992 cũng là năm diễn ra bầu cử tổng thống Mỹ. Ứng viên đảng Dân chủ lúc bấy giờ Bill Clinton chớp lấy cơ hội đổ lỗi cho Tổng thống đương nhiệm George H. W. Bush. Ứng viên Clinton cho rằng các cuộc bạo động là kết quả sau “12 năm phủ nhận và phớt lờ” các vấn đề xã hội dưới thời cầm quyền của hai tổng thống Reagan và Bush.
Ba tháng sau, ông Bill Clinton đắc cử. Tuy nhiên, sau này, vị tổng thống mới cũng ít nhắc về vấn đề bạo lực của cảnh sát và thậm chí ông còn ban hành luật “three strikes and you’re out” (luật bất quá tam – người phạm tội theo thói quen), khiến hàng trăm nghìn người dân Mỹ gốc Phi ngồi tù.
Bạo động Ferguson, Missouri (2014)
Sau 20 năm yên ắng, ngọn lửa tức giận của người Mỹ gốc Phi lại bùng cháy sau khi cảnh sát da trắng bắn chết một thiếu niên da màu tại Ferguson (bang Missouri) vào tháng 8/2014. Thiếu niên Michael Brown (18 tuổi) không có vũ trang bị cảnh sát Darren Wilson dùng súng bắn do nghi ngờ tham gia một vụ cướp cửa hàng.
Tháng 11/2014, một bồi thẩm đoàn quyết định không truy tố Wilson. Tin tức đã dấy lên một làn sóng biểu tình tại Ferguson. Biểu tình đã leo thang thành bạo động, song quy mô tương đối nhỏ. 10 người bị thương và 300 người khác bị bắt giữ trong vụ việc.
Tổng thống Barack Obama đã hối thúc Bộ Tư pháp Mỹ mở một cuộc điều tra về các hoạt động thực thi pháp luật của Sở Cảnh sát Ferguson và họ kết luận cơ quan này liên tục thực hiện các hành vi phân biệt đối xử chống lại người Mỹ gốc Phi trong cộng đồng, cũng như kiếm lợi từ tiền phạt và án phí.
Cái chết của Michael Brown ở Ferguson đã tạo ra phong trào “Black Lives Matter” (Coi trọng mạng sống của người da màu) tồn tại tới hiện nay.