Gia đình dòng dõi
Công chúa Sophia Dolgorukova mang trong mình dòng máu gia tộc Romanov. Bà ngoại của bà, Nadezhda Polovtsova là con gái hoang của Đại công tước Mikhail Pavlovich. Và cha của Sophia, Bá tước Alexey, là chắt của Bá tước Alexey Bobrinsky, con hoang của Catherine Đại đế.
Cha của Sophia là một người giàu có và có ảnh hưởng, ông là thành viên của Thượng viện và cũng là một nhà khảo cổ học nổi tiếng. Mẹ của bà, Nadezhda Bobrinskaya, cũng không kém phần nổi bật: bà là một trong những nhà thiên văn học đầu tiên của Nga. Sinh ra trong một gia đình như vậy, Sophia đã yêu thích khoa học ngay từ khi còn nhỏ. Từ năm 1907 tới năm 1912, bà theo học tại Viện Y tế Phụ nữ St.Petersburg, cơ sở giáo dục đầu tiên tại châu Âu mà phụ nữ có thể học y khoa cao cấp.
Năm 1913, bà tình nguyện làm y tá dã chiến trong cuộc chiến Balkan lần thứ hai và đã được đích thân Vua Peter I của Serbia trao tặng huân chương cho những đóng góp của mình.
Vào năm 1907, bà Sophia trở thành nữ hầu cận tại Hoàng gia Nga. Cùng năm, bà kết hôn với Hoàng tử Pyotr Dolgorukov, cũng là một quân nhân. Cuộc hôn nhân của họ không hạnh phúc và mặc dù có với nhau một cô con gái, tên là Sofka Skipwith, cuối cùng họ ly hôn vào năm 1913. Ngay cả trong những năm đầu tiên cưới nhau, bà Sophia đã dành nhiều thời gian để học tập và làm việc ở bệnh viện. Bà không thích triều đình Hoàng gia cùng các quy cách của nơi này.
Sofka Zinovieff, tác giả người Anh và là cháu gái của Sophia Dolgorukova, nói về bà: “Hành động của Sophia vượt xa những gì thường thấy ở một phụ nữ trẻ. Bà không quan tâm đến việc xuất hiện tại triều đình trong những bộ váy đẹp. Bà luôn ăn mặc giản dị, với váy dài và áo blouse. Sophia đã học lái xe và có cách sống rất tự do, điều này tạo ra sự khác biệt đối với một phụ nữ có địa vị xã hội như bà ấy”.
Từ công chúa đến y tá, phi công, tay đua
Vào năm 1910, ở tuổi 23, Sophia Zinovieff là người phụ nữ duy nhất tham gia giải Đua xe Quốc tế Hoàng đế Nicholas II xuất phát từ Tsarskoye Selo (một dinh thự của Hoàng gia gần St.Petersburg) đến Kiev và quay lại, với chiều dài tổng cộng 3.200 km. Cuộc đua này thu hút nhiều sự chú ý và được đưa tin rộng rãi trên báo chí châu Âu.
Cuộc đua có khoảng 50 đội đến từ Nga, Đức, Pháp và Anh. Và Sophia Dolgorukova, theo lời Thống đốc Moscow Vladimir Dzunkovsky viết là “người phụ nữ duy nhất tham gia cuộc đua và tự mình lái xe mọi lúc” đã trở thành tâm điểm chú ý của mọi người. Bà Sophia lái chiếc Delaunay-Belleville 19 mã lực và suýt nữa vượt qua vạch đích, nhưng trên đường về, một chiếc ô tô khác đã làm hỏng bộ tản nhiệt của bà, vì vậy bà không thể hoàn thành cuộc đua.
Dù vậy, tờ báo Russkoye Slovo đưa tin: “Sự xuất hiện của Công chúa đã tạo nên một cơn bão ủng hộ từ đám đông nhiệt tình. Chiếc xe của vận động viên dũng cảm, nữ tay đua đầu tiên của Nga, được phủ đầy hoa".
Sau đó, vào năm 1912, bà Sophia đã hoàn thành khóa học lái máy bay dưới sự hướng dẫn của Louis Blériot, một phi công người Pháp, người đầu tiên lái máy bay qua eo biển Manche. Năm 1914, Sophia nhận được giấy phép bay của Nga và trở thành một trong những nữ phi công đầu tiên ở nước Nga!
Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bắt đầu, bà Sophia xin được bổ nhiệm một vị trí trong không quân, nhưng yêu cầu của bà bị từ chối và Sophia đã ra mặt trận với tư cách một y tá. Lúc đầu, bà phục vụ ở gần Warsaw và sau đó ở Iran. Nhưng từ năm 1917, khi phụ nữ Nga được phép phục vụ trong quân đội, bà Sophia đã gia nhập Đội Phòng không của Quân đoàn 26 và có thể đã thực hiện một vài nhiệm vụ chiến đấu. Nhưng sau cuộc Cách mạng Tháng Mười, bà Sophia chạy trốn khỏi đất nước. Vào thời điểm đó, bà được biết đến với cái tên Công chúa Volkonskaya.
Công chúa đằng sau tay lái taxi
Năm 1918, bà Sophia kết hôn với một hoàng tử khác, ông Peter Volkonsky, nhưng đồng thời mất dấu cô con gái Sofka. Công chúa Sophia không hề biết rằng Sofka, người phục vụ trong vai trò hầu gái cho Thái hậu Maria Fyodorovna, đã được sơ tán đến Anh vào mùa xuân năm 1919. Hai mẹ con cuối cùng đoàn tụ tại Bath, Anh - nhưng sau đó, Sophia quyết định trở về Nga theo chồng.
“Sofka đã biết về cuộc hôn nhân thứ hai của tôi và coi đó như một sự xúc phạm cá nhân đối con bé”, bà Sophia viết trong cuốn hồi ký “Vae Victis”, xuất bản năm 1934. Khi đến thành phố St.Petersburg vào năm 1920, Sophia được biết chồng mình đang bị giam giữ cải tạo ở Moscow.
“Sự xuất hiện của tôi đã tạo ra ấn tượng lớn trong trại giam. Việc ai đó tự nguyện quay trở lại Liên Xô không thường xuyên xảy ra. Còn việc vợ từ nước ngoài đến để giúp chồng là chưa từng có tiền lệ”, bà Sophia viết. Ở Moscow, bà sử dụng các mối quan hệ của mình để đến gặp Maxim Gorky và thậm chí cả Bộ trưởng Thương mại Leonid Krasin để tìm cách đưa chồng ra ngoài, sau đó đến thăm ông hàng tuần. Cuối cùng ông Volkonsky được thả tự do vào tháng 2/1921
Sophia và Peter ban đầu rời Moscow đến sống ở St.Petersburg. Họ nghèo đến mức phải bán những chiếc chăn đắt tiền của Pháp và những cuốn sách cổ mà Sophia lấy từ nhà cũ của bà ở St.Petersburg. Cuối cùng họ cũng có đủ tiền để rời nước Nga Xô Viết qua Estonia cùng năm. Bà Sophia lúc đó 34 tuổi.
Lái xe taxi chỉ là một trong những nghề đã giúp Sophia và chồng bà kiếm sống trong những năm sau đó ở Pháp. Mặc dù Hoàng tử Volkonsky không phù hợp với những công việc lao động bình thường, ông vẫn giữ vai trò là thư ký và thông dịch viên. Sau những năm tháng chật vật, bà Sophia qua đời tại Paris vào năm 1949.