Cuộc đua giải cứu hệ thống tài chính Mỹ 2007-2008 - Kỳ cuối

Sau “cú ngã ngựa” của Lehman Brothers, mối đe dọa về sụp đổ niềm tin lan tới Goldman Sachs và Morgan Stanley. Giới đầu cơ bán khống, lực lượng góp phần lớn trong việc đẩy Lehman Brothers đến đường cùng, bắt đầu nhắm vào cổ phiếu của Morgan Stanley.

CUỐI KHỦNG HOẢNG, ĐẦU SUY THOÁI

Ngày 16/9, Reserve Primary Fund - một quỹ thị trường tiền tệ (MMF - một dạng quỹ đầu tư thị trường vốn ngắn hạn) sở hữu hơn 700 triệu USD nợ ngắn hạn của Lehman Brothers thông báo phá giá, tức là đưa giá trị tài sản gốc thấp hơn mức cố định 1 USD/cổ phần. Nhà đầu tư đua nhau hạ giá bán cổ phần để tháo chạy khỏi quỹ, tạo tâm lý hoảng loạn lan rộng khắp hệ thống tài chính và làm tồi tệ thêm cuộc khủng hoảng tài chính. Con virus nợ dưới chuẩn đang bắt đầu xâm nhập vào các bộ phận của hệ thống tài chính tưởng như “miễn nhiễm” trong đại dịch này. 

Các thị trường chứng khoán lao đao.

Tại Nhà Trắng, các nhân viên đang phải xoay sở với một cơn bão cuộc gọi đến từ mọi ngóc ngách của giới tài chính. Keith Hennessey, trợ lý tổng thống phụ trách chính sách kinh tế kể lại: “Tất cả bọn họ đều nói ‘Chúng tôi đang phải chạy đua, một cuộc đua trong hệ thống tài chính’”. Mọi người đổ xô đi rút tiền để mang về cất trong nhà. Tình trạng hỗn loạn ấy được phản ánh trên thị trường chứng khoán Mỹ ngày 17/9. Chỉ số Dow Jones giảm 449 điểm; cổ phiếu Morgan Stanley tụt 24% và Goldman Sachs gần 14%; Washington Mutual giảm 13% và Wachovia 21%. 

Đoạn kết của các ngân hàng đầu tư Phố Wall

Sau “cú ngã ngựa” của Lehman Brothers, mối đe dọa về sụp đổ niềm tin lan tới Goldman Sachs và Morgan Stanley. Giới đầu cơ bán khống, lực lượng góp phần lớn trong việc đẩy Lehman Brothers đến đường cùng, bắt đầu nhắm vào cổ phiếu của Morgan Stanley.

Giám đốc New York FED Geithner và Bộ trưởng Tài chính Paulson khuyên CEO Morgan Stanley John Mark đi theo hướng của Merrill Lynch và tìm một đối tác sáp nhập. Thật ra, từ vụ sụp đổ của Bear Stearns hồi tháng 3, ông Geithner đã liên tục hối thúc những ngân hàng đầu tư còn lại trở thành các ngân hàng công ty mẹ (các ngân hàng thuộc quyền kiểm soát của công ty), qua đó tiếp cận với cửa sổ chiết khấu của FED cùng nhiều cơ sở tín dụng khác. Morgan Stanley và Goldman Sachs đã trao đổi hướng đi này với ban quản trị của mình, song không đạt được tiến triển.

Hạ viện phản đối dự thảo 700 tỷ USD.

Trong khi các chuyên gia tiếp tục tranh cãi và bàn bạc tại văn phòng của Bộ trưởng Paulson, các thị trường tại châu Á và châu Âu lao dốc, với các ngân hàng và công ty bảo hiểm chịu tác động nặng nhất. Anh thông báo lệnh cấm bán khống kéo dài một tháng. Trong khi đó, Nga cho ngừng giao dịch trong suốt hai ngày. 

Ngày 18/9, SEC triệu tập một cuộc họp khẩn để xem xét việc áp đặt một lệnh cấm bán khống nhằm tránh cho Goldman Sachs và Morgan Stanley một kịch bản tương tự như Lehman Brothers. Tại cuộc họp này, SEC nhận được tin nhắn từ Bộ Tài chính và FED ủng hộ các phương án hành động khẩn cấp. Trước thông điệp này, và thực tế rằng nước Anh cũng đã phải cho ban hành một điều luật tương tự, SEC nhất trí ra lệnh tạm thời cấm bán khống.

Sáng sớm ngày 19/9, trước khi các thị trường Mỹ mở cửa, ông Paulson giới thiệu “chương trình giảm nhẹ tài sản rắc rối” (tarp) để giúp “xóa bỏ các tài sản không có tính thanh khoản đang tạo gánh nặng cho các thể chế tài chính và đe dọa nền kinh tế Mỹ”. Tin tức về một kế hoạch mua lại tài sản của các tập đoàn tài chính đang gặp khó khăn đã trấn an Phố Wall và giúp các thị trường chứng khoán thế giới tăng vọt. 

Chiều hôm đó, Bộ trưởng Paulson, trong một cuộc điện đàm với Giám đốc Geithner cùng nhiều quan chức của FED và SEC, đề xuất Tổng thống Bush liên lạc với Trung Quốc về khả năng chính quyền Trung Quốc tham gia hỗ trợ Morgan Stanley. Việc Trung Quốc đầu tư vào các công ty của Mỹ trước đó đã gây ra nhiều phản đối chính trị và ý tưởng Trung Quốc tăng cổ phần tại Morgan Stanley khiến nhiều người quan ngại. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, ông Paulson không có thời gian để nghĩ tới chuyện này. Dù vậy, tối hôm đó, Morgan Stanley bất ngờ nhận được một cuộc gọi từ văn phòng đại diện tại Tokyo thông báo rằng ngân hàng Mitsubishi UFJ của Nhật Bản muốn thương thảo về một vụ mua bán Morgan Stanley.

Ngày 21/9, FED thông báo Goldman Sachs và Morgan Stanley đã trở thành các ngân hàng công ty mẹ, đánh dấu đoạn kết của các ngân hàng đầu tư độc lập tại Phố Wall. Morgan Stanley cuối cùng lựa chọn bán 21% cổ phần cho Mitsubishi với 9 tỷ USD. Trong khi đó, Goldman Sachs thông báo thu được 5 tỷ USD nhờ bán cổ phiếu cho tỷ phú Warren Buffett và thêm 5 tỷ USD từ phát hành cổ phiếu phổ thông ra công chúng. 

Những con số cuối cùng

Đêm 19, rạng sáng 20/9, chính phủ Mỹ chuyển tới Quốc hội kế hoạch giải cứu thị trường tài chính, đề nghị Quốc hội chấp thuận cho sử dụng 700 tỷ USD để mua lại các khoản nợ cầm cố và giúp hệ thống tài chính hoạt động trở lại. Ngày 29/9, Hạ viện Mỹ bất ngờ bác dự thảo trên. Thị trường toàn cầu ngay lập tức điêu đứng, chỉ số Dow Jones giảm 778 điểm trong khi các thị trường tín dụng đóng băng. Các nỗ lực sửa đổi sau đó đã giúp dự thảo này “qua cửa” cả hai viện Quốc hội. 

Tuy nhiên, cuối cùng Bộ Tài chính không mua lại các tài sản rắc rối mà lựa chọn bơm tiền trực tiếp vào các ngân hàng. Ngày 14/10, chính phủ Mỹ công bố dành 250 tỷ USD trong gói giải cứu 700 tỷ USD để rót vào các ngân hàng lớn, đổi lại sẽ nhận được cổ phiếu ưu đãi của các ngân hàng này. Như vậy, chính phủ sẽ không được tham gia vào ban quản trị và tránh được cụm từ “quốc hữu hóa”.

Bước sang năm 2009, suy thoái hậu khủng hoảng tài chính diễn ra và đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên tới 9,7%. Khủng hoảng kinh tế “tàn sát” nhiều hộ gia đình, tiền tiết kiệm, lương hưu và quỹ bảo hiểm. Tổng cộng 98 ngân hàng vỡ nợ. Ổn định AIG tiêu tốn của chính phủ 180 tỷ USD tiền thuế. Để đối phó với cuộc khủng hoảng, bảng cân đối kế toán của FED “nở rộng” từ 850 tỷ USD trước thời điểm “ngã ngựa” của Lehman Brothers tới 2.000 tỷ USD. Gần 150 công ty đệ đơn xin bảo hộ phá sản, trong đó có General Motors và Chrysler. Đến tháng 3/2009, gần 1.900 quỹ đầu tư bị phá sản. 
Trần Ngọc
Cuộc đua giải cứu hệ thống tài chính Mỹ 2007-2008 - Kỳ 3
Cuộc đua giải cứu hệ thống tài chính Mỹ 2007-2008 - Kỳ 3

Với Bank of America ra khỏi cuộc chơi, ông Paulson và Geithner thúc đẩy các cuộc trao đổi với Barclays. Tuy nhiên, sau hàng loạt các cuộc điện đàm xuyên Đại Tây Dương, Washington và London không thể đạt được đồng thuận và đều cho rằng phía bên kia đã không đưa ra được đề xuất nào đủ vững chắc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN