Cuộc sống trên tiền tuyến của Winston Churchill

Khi thiếu tá Winston Churchill có mặt tại miền bắc nước Pháp tháng 1/1916 để làm nhiệm vụ, ông rất khác so với những gì mà người ta biết về ông trong cương vị thủ tướng vĩ đại nhất nước Anh.

Buộc phải từ chức Bộ trưởng bộ Hải quân Anh trong tủi hổ sau chiến dịch Gallipoli thảm họa mà đích thân ông làm chỉ huy, sự nghiệp chính trị của ông Churchill dường như đã chết ngắc ngoải. Vợ ông, bà Clementine, sau này cho biết: “Tôi đã nghĩ rằng ông ấy sẽ chết vì đau buồn”.

Mọi hi vọng rằng mình sẽ được chào đón nồng ấm tại Pháp nhanh chóng tan biến khi cấp trên nói với ông Churchill một cách lạnh lùng: “Tôi cho rằng tôi nên nói với anh là chúng tôi không hề biết về việc anh đến gia nhập đội ngũ của chúng tôi”. 

Ông Winston Churchill thời trong quân ngũ.

Người ta cho rằng quyết định gia nhập lục quân của ông Churchill có thể được coi là một hình thức tự trừng phạt, một nỗ lực chuộc lại những sai lầm trước đây cho dù phải đối mặt với cái chết. Tuy nhiên, họ đã bỏ qua một chi tiết quan trọng là ông Churchill thích ở trong quân ngũ. Ông có cảm giác thoải mái hơn khi sống với các binh sĩ, điều mà ông không có khi ở giữa các chính trị gia. Như thời ông ở trên mặt trận Tây Bắc và ở Sudan, ông bình tĩnh một cách đáng sợ dưới làn đạn - điều mà chính ông cũng không hiểu nổi.

Tinh thần của ông Churchill có thể đang ở mức thấp nhất khi ông tới Pháp năm 1916 nhưng chẳng bao lâu ông sẽ hưng phấn trở lại. Ở giữa những hầm hào dơ dáy và kinh hoàng, ông Churchill tìm lại được cảm giác mãn nguyện, trái hẳn với khi ở Anh. Vài ngày sau, ông viết thư cho bà Clementine: “Anh rất hạnh phúc khi ở đây. Làm sao mà anh lại có thể lãng phí biết bao tháng trời sống trong khổ sở bất lực mà lẽ ra nên dành cho chiến tranh”.

Sau khi gặp cấp trên, lúc đầu, ông Churchill được lệnh ở tại nơi khá an toàn là trụ sở tiểu đoàn. Tuy nhiên, ông không thích điều đó. Nhiều người có thể coi đây là một bằng chứng nữa cho thấy ông Churchill dũng cảm và đam mê chiến trận. Tuy nhiên, trong trường hợp này, có một cách giải thích khác. Sở dĩ ông Churchill không thích ở trong trụ sở tiểu đoàn là vì ở đó không ai được uống rượu. Với ông, ông luôn tin rằng uống rượu thường xuyên và vừa phải có tác dụng nào đó, đặc biệt là trong điều kiện chiến tranh mùa đông.

Cuốn sách viết về thời gian ông Churchill ở mặt trận tại Pháp.

Trong vòng vài tuần, ông Churchill đã được thăng cấp lên trung tá và được giao quyền chỉ huy 30 binh sĩ cùng 700 lính bộ binh của tiểu đoàn số 6 Royal Scots Fusiliers. Dường như Royal Scots Fusiliers không biết điều gì đang chờ đợi họ khi ông Churchill tới trên lưng con ngựa chiến đen, theo sau là một chiếc giá đỡ súng chất đầu tư trang, trong số đó là một bồn tắm to và nồi để đun nước nóng.

Sau đó là một bữa ăn trưa cực kỳ kỳ cục. Tại bữa ăn, ông Churchill không nói một lời mà chỉ đi quanh bàn ăn, nhìn chằm chằm vào từng sĩ quan. Cuối bữa ăn, ông phát biểu ngắn gọn: “Thưa các quý ông, tôi là sĩ quan chỉ huy mới của các anh. Những người ủng hộ tôi, tôi sẽ để mắt tới. Những ai chống đối tôi, tôi sẽ xử lý”.

Là một trong số những sĩ quan dưới quyền ông Churchill, thiếu tá Andrew Dewar Gibb có một điều kiện lý tưởng để quan sát ông Churchill kỹ càng. Cuốn sách viết về ông Churchill thời kỳ này của Gibb lần đầu được xuất bản năm 1942 dưới bút danh Đại úy X. Ông Gibb không muốn công khai việc mình là tác giả vì một lý do nào đó. Năm 2016, cuốn sách “With Winston Churchill at the front” (Cùng Winston Churchill trên mặt trận) đã được tái bản.

Mảnh đạn pháo rơi ngay sát chân ông Churchill, sau này được khắc các chữ cái đầu trong tên ông.

Với trách nhiệm chỉ huy tiểu đoàn, nhiệm vụ đầu tiên của ông Churchill là tuyên chiến với… chấy rận. Trong vòng 10 ngày tới đây, điều kiện sống của binh sĩ đã được cải thiện rõ nét. Cho dù cảnh báo rắn với những người ngáng đường nhưng ông Churchill lại tỏ ra là một sĩ quan chỉ huy dễ tính và thoải mái. Ông cho phép các sĩ quan dùng chung bồn tắm, từng từ chối kỷ luật một lính gác ngủ quên khi làm nhiệm vụ. Tội này theo lý thuyết có thể bị xử bắn. Ông Churchill lại nói đơn giản: “Anh ta chỉ là một cậu bé”.

Khi tiểu đoàn Royal Scots Fusiliers di chuyển lên tiền tuyến, ông Churchill tỏ ra vui mừng hơn bao giờ hết. Ông thực hiện 36 đợt tấn công chưa từng có tiền lệ trên trận địa. Trong cuốn sách, Dewar Gibb mô tả: Churchill như một chú voi con. Ông không bao giờ chùn bước khi đạn pháo phát nổ. Ông không bao giờ cúi đầu tránh khi một viên đạn bay vèo qua. Bản thân ông Churchill từng nói: “Tôi thấy thần kinh của mình trong trạng thái tuyệt vời và tôi cho rằng mạch của tôi chưa bao giờ đập nhanh”.

Liệu ông Churchill có phải là người không biết sợ hay do liên tục được thử thách mà ông có thể buộc bản thân đối diện với nỗi sợ? Điều đó không ai có thể biết được, chỉ biết rằng cấp dưới coi ông là nhân vật truyền cảm hứng. Ở điểm này, Dewar Gibb lúc đầu là người hoài nghi ông Churchill nhất, sau đó đã thay đổi quan điểm hoàn toàn.

Trong cuốn sách, ông Gibb kể lại rằng ông Churchill thường gửi thư cho bà Clementine để yêu cầu bà gửi đồ tiếp tế. Thông thường, cứ 10 ngày bà sẽ gửi cho chồng ba chai rượu mạnh cùng rất nhiều xì gà, thịt hun khói, pho mát Stilton và bánh thịt. Theo ông Gibb, mỗi lần nhớ lại quãng thời gian sống trong tiểu đoàn, ông có cảm giác như đang sống trong một bữa tiệc tùng ê hề thức ăn mà không một người nào từng trải qua lại có thể quên.

Tuy nhiên, dần dần, tâm trạng của ông Churchill cũng xấu đi. Các bức thư viết về cho vợ ngày càng lạnh nhạt. Trong một lá thư, ông viết rằng ông không quan tâm lắm nếu mình có chết, rằng ông đã bị tính tự cao tự đại hủy hoại.

Sau sáu tháng, ông Churchill quyết định rời mặt trận và về Anh, nối lại sự nghiệp chính trị. Tại đây, ông còn bị đón tiếp lạnh nhạt hơn là ở Pháp. Rất nhiều đồng nghiệp cũ vẫn chưa tha thứ cho ông vì sai lầm trong chiến dịch Gallipoli. Nhưng dù sao, khoảng thời gian sống trong các hầm hào ở Pháp đã giúp ông vực lại danh tiếng và tinh thần để tiếp tục bước đi trên con đường chính trị.
Thùy Dương
Chân dung “chúa chổm” Winston Churchill
Chân dung “chúa chổm” Winston Churchill

Cố Thủ tướng Anh Winston Churchill có thể là một chính trị gia tài ba nhưng về khía cạnh tài chính cá nhân, ông lại là một người quản lý cực tồi. Những khoản chi tiêu vô độ đã khiến ông chìm trong nợ nần, đến mức người ta phải thốt lên chưa bao giờ có một người lại nợ tiền nhiều người đến thế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN