Sau khi trốn thoát khỏi IS, cô đã đứng lên đấu tranh chống bạo lực tình dục với phụ nữ, chống lại nạn buôn người và vinh hạnh nhận giải Nobel Hòa bình năm 2018 cùng bác sĩ phụ khoa Denis Mukwege.
Ngày 5/10, Chủ tịch Ủy ban Nobel, bà Berit Reiss-Andersen, thông báo tại Oslo (Na Uy), cô Murad và bác sĩ Mukwege người Congo cùng giành giải Nobel Hòa bình vì “nỗ lực chấm dứt sử dụng bạo lực tình dục trong chiến tranh”. Tình trạng lạm dụng mang tính hệ thống và là một phần của chiến lược quân sự khủng bố. Lạm dụng được coi là vũ khí chống lại người Yazidi và các dân tộc thiểu số khác. Bà Reiss-Andersen nói thêm: “Chỉ có thể đạt được một thế giới hòa bình hơn nếu phụ nữ và quyền lợi, an ninh cơ bản của họ được công nhận và bảo vệ trong chiến tranh”.
Cô Murad, một phụ nữ mảnh mai, khuôn mặt gầy xanh, mái tóc nâu dài, đã trở thành người Iraq đầu tiên giành giải Nobel Hòa bình. Cô từng sống một cuộc đời bình lặng trong ngôi làng Kocho ở khu vực vùng núi của người Yazidi ở Sinjar, miền bắc Iraq, gần biên giới Syria. Khi còn là một đứa trẻ, Murad muốn làm giáo viên hoặc mở một tiệm làm đẹp, nhưng thế giới của cô, gia đình của cô và giấc mơ của cô đã tan vỡ ở tuổi 19 khi IS tràn qua ngôi làng nhỏ bé năm 2014.
Một ngày tháng 8 năm đó, những đoàn xe bán tải mang theo cờ đen khủng bố càn quét làng Kocho. Các tay súng IS giết đàn ông, bắt trẻ em để huấn luyện thành khủng bố và bắt ép hàng nghìn phụ nữ sống một cuộc đời nô lệ tình dục, lao động cưỡng ép. Số phận của Murad đã thay đổi vĩnh viên. Cơn ác mộng của cô bắt đầu.
Sau khi bị các tay súng IS bắt giữ, Murad bị đưa tới thành phố Mosul, thủ phủ của vương quốc Hồi giáo tự xưng mà IS lập ra. Các tay súng tổ chức chợ nô lệ để bán phụ nữ và các bé gái. Phụ nữ Yazidi bị buộc phải từ bỏ tôn giáo. Với các tay súng IS, chúng coi tôn giáo của người Yazidi là dị giáo. Cô kể với hãng tin AFP năm 2016: “Điều đầu tiên chúng làm là bắt chúng tôi cải sang đạo Hồi”.
Murad liên tục bị cưỡng hiếp và bị bán cho nhiều người. Cô đã chịu đựng hàng tháng trời cảnh tra tấn giống như hàng nghìn phụ nữ Yazidi khác. Murad bị bắt lấy một tên phiến quân, bị đánh đập, bị bắt trang điểm và mặc quần áo bó. Sốc vì bị bạo lực, khi kẻ giam giữ cô vô tình để cửa mở, Murad tìm cách trốn thoát và đã chạy trốn thành công với sự giúp đỡ của một gia đình Hồi giáo ở Mosul. Mang giấy tờ tùy thân giả, Murad tìm cách vượt qua hàng chục km để tới khu vực người Kurd ở Iraq, trà trộn vào đám đông những người Yazidi mất nhà cửa khác và sống tạm trong lều trại.
Ở đó, Murad biết rằng 6 người anh trai và mẹ cô đã bị giết hại. Với sự hỗ trợ của một tổ chức giúp đỡ người Yazidi, Murad cùng 1.000 phụ nữ và trẻ em được sang Đức tị nạn. Tại đây, Murad đã gặp lại chị gái và hiện cô vẫn sống ở đây.
Khi đã tự do, Murad chịu di chứng thể xác và tâm lý vì bị tổn thương cùng cực. Cô đã quyết định công khai những gì cô đã phải chịu đựng. Điều đó có nghĩa là cô phải liên tục kể lại nỗi đau của mình trước công chúng. Nhưng Murad cực kỳ dũng cảm và sự dũng cảm của cô to lớn hơn nhờ phẩm giá và mục đích công khai câu chuyện.
Murad đặt tên cho cuốn tự truyện năm 2017 của mình là “Cô gái cuối cùng”, vì cô muốn chiến dịch vận động của mình đảm bảo cô là cô gái cuối cùng trên thế giới trải qua một bi kịch như vậy. Trong chiến dịch, cô đã tập trung hỗ trợ các nạn nhân, tìm kiếm công lý, kêu gọi thế giới thu thập và lưu bằng chứng để xét xử các phiến quân IS. Chiến dịch của Murad thường kéo dài và mệt mỏi cho dù cô đã xây dựng được một liên minh những người nổi tiếng ủng hộ, từ luật sư Amal Clooney cho tới bà Samantha Power, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc thời Tổng thống Barack Obama.
Với chiến dịch trên, Murad dành tâm huyết cả bản thân để kêu gọi đấu tranh vì phụ nữ. Cô nổi tiếng thậm chí còn trước khi phong trào #MeToo phổ biến toàn thế giới.
Lúc đầu, thế giới chấn động khi có tin IS bắt phụ nữ làm nô lệ tình dục. Câu chuyện về những người sống sót tràn ngập mặt báo toàn thế giới. Tuy nhiên, phần lớn sự quan tâm dành cho họ giảm dần. Khi Nhà nước Hồi giáo tự xưng của IS lụi dần, số phận của những phụ nữ Yazidi bị bắt cóc cũng mờ nhạt dần trên báo chí.
Phương Tây và Chính phủ Iraq đã tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến chống IS, nhưng hàng nghìn người Yazidi vẫn mất tích, hàng nghìn người từng phải làm nô lệ tình dục hoặc bị bạo lực vẫn sống trong tình trạng bị chấn thương tâm lý nặng nề trong các lều trại tị nạn – nơi mà hỗ trợ tâm lý và y tế chỉ ở mức tối thiểu.
Sự kiện Murad giành giải Nobel Hòa bình năm 2018 đã truyền cảm hứng cho nhiều người. Đó là một giải thưởng vinh danh lòng dũng cảm phi thường của Murad và những công việc cần thiết mà cô làm cho phụ nữ khắp nơi.
Ngày nay, Murad và người bạn Lamia Haji Bashar, hai chủ nhân giải nhân quyền Sakharov năm 2016 của Liên minh châu Âu, vẫn tiếp tục cuộc chiến cho 3.000 người Yazidi vẫn còn mất tích và có thể đang bị giam giữ. Có khoảng 550.000 người Yazidi ở Iraq trước năm 2014, nhưng khoảng 100.000 người đã rời bỏ đất nước. Nhiều người đã chạy trốn và vẫn ở khu vực người Kurd tại Iraq, chưa muốn quay lại quê hương.
Murad giờ là Đại sứ thiện chí của Liên hợp quốc vì người sống sót của nạn buôn người. Với vai trò đó, Murad đã trở thành tiếng nói toàn cầu, vận động vì bình đẳng cho người dân đất nước mình và vận động để hành vi của các phiến quân IS bị thế giới coi là diệt chủng.
Ở tuổi 25, Murad là chủ nhân giải Nobel Hòa bình trẻ tuổi thứ hai. Người trẻ tuổi nhất là Malala Yousafzai, giành giải thưởng năm 2014 khi 17 tuổi.