Thi hào Pháp Louis Aragon. Ảnh: wikipedia.org |
Ông đã chia tay thế giới hiện thực để đi vào cõi vĩnh hằng vào ngày 24/12/1982.
Vượt lên số phậnTrong số những nhà văn tên tuổi của Pháp thế kỷ XX thì có lẽ Louis Aragon được coi là một nhà văn hết sức đặc biệt, đặc biệt về cuộc đời cũng như về sự nghiệp sáng tác của ông.
Louis Aragon, tên thật Louis Andrieux sinh ngày 3-10-1897 với một tuổi thơ đầy sóng gió và bất hạnh. Người chị bấy lâu nuôi ông lại chính là mẹ đẻ của ông, mà vì một số lý do nên bà không dám nhận. Mãi đến năm 1917, khi ông đang học Đại học Y khoa và bị động viên đi lính, bà mới cho ông biết sự thật này. Và phải tới năm 1942, trước khi qua đời, mẹ mới lại nói với ông về người cha đã trốn trách nhiệm không thừa nhận vợ con.
Nếu so với một số nhà văn khác thì Aragon không may mắn bằng, nhưng trong suốt cả cuộc đời cũng như trong sự nghiệp sáng tác cả mình, có thể nói ông đã phấn đấu cật lực, ông làm cật lực và luôn luôn tìm câu giải đáp cho chân lý cuộc đời mà ở thời thơ ấu, ở thời trẻ tuổi, và sau này, ngay cả khi đã trở thành một nhà văn, ông lúc nào cũng khao khát tìm kiếm.
Một điều lạ ở Aragon là mặc dù gắn bó với sách từ bé (10 tuổi đã viết tiểu thuyết) song lớn lên, nhất là khi tham gia quân đội, ông lại xông pha chiến đấu như một chiến binh thực thụ, để rồi, sau khi giải ngũ, mặc dù mang trong mình thương tích chiến tranh ông đã cùng các nhà văn, nhà thơ trẻ tham gia các hoạt động văn học nghệ thuật.
Bước ngoặt tư tưởng lớn nhất trong đời ông là từ khi gặp Elsa Triolé năm 1928, một phụ nữ Nga, nhà văn gốc Do Thái sang cư trú ở Pháp, và Elsa Triolé đã trở thành người bạn đời thủy chung của ông.
Nói đến Louis Aragon thì không bao giờ có thể tách ông khỏi hình ảnh Elsa Triolé. Có thể nói rằng, đây chính là cảm hứng, đây chính là đối tượng, đây chính là nhân vật chính ở trong nhiều tác phẩm của Louis Aragon. Vì người ấy, ông đã sống và đã cống hiến hết mình, không phải chỉ cho cuộc đời của ông, của hai người mà cho cả lý tưởng cộng sản, đó là Elsa Triolé. Louis Aragon đã từng để lại những bài thơ viết về Elsa Triolé rất hay. Viết về Elsa, ông viết một cách cháy bỏng, một cách da diết, viết hết lòng. Trong hơn 40 năm sống cùng Elsa (Elsa mất năm 1970) dù hai người không có với nhau mặt con nào song ân tình của họ dành cho nhau thì vô cùng sâu nặng. Điều này giúp ta hiểu thêm vì sao báo chí Pháp lại xếp họ vào danh sách “Những cặp tình nhân nổi tiếng”.
Sau khi Aragon mất (1982) ông được an táng cạnh mộ Elsa Triolé trong một khu vườn ngoại ô của hai vợ chồng. Trên tấm bia mộ là dòng chữ trích từ cuốn sách của Elsa:“Những người chết không có khả năng. Nhưng chúng ta hy vọng rằng những cuốn sách của chúng ta sẽ bảo vệ chúng ta. Sẽ bảo vệ chúng ta”.
Gia tài đồ sộ trong sự nghiệp sáng tác
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Louis Aragon có mảng được coi là lớn nhất, đó là tiểu thuyết và thơ ca.
Chính nhà thơ Maiacopski và Elsa (em vợ nhà thơ) đã góp phần xua đi tư tưởng bi quan của Aragon ở thời kỳ đầu, đưa ông đến với lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga để ông từ bỏ “chủ nghĩa đa đa”, “chủ nghĩa siêu thực”, chuyển sang “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa”.
Aragon đến với tiểu thuyết sớm hơn thơ. Khi chưa đầy 10 tuổi, ông đã viết những “tiểu thuyết nho nhỏ”, mỗi cuốn khoảng mươi, mười lăm trang nhưng cũng chia thành các chương, mục. Về sau, ông cho ra đời nhiều tiểu thuyết nổi tiếng như: “Những khu phố đẹp” (1936), “Những hành khách trên xe” (1943), “Những người cộng sản” (1949-1951), “Tuần lễ thánh” (1958)... Mỗi cuốn tiểu thuyết đều đánh dấu một bước đổi mới về nghệ thuật của Aragon khiến giới phê bình phải ngạc nhiên trước kỳ tài của người nghệ sĩ.
Số lượng tiểu thuyết của Louis Aragon chỉ khoảng chừng 18-19 cuốn, nhưng ở trong mỗi cuốn tiểu thuyết của ông nó đều chứa đựng trong đó những tư tưởng sáng tạo, những cách tân về thể loại. Gần như là, chúng ta bắt gặp trong từng cuốn tiểu thuyết của Louis Aragon những khát khao, những sáng tạo, những cách tân về phương diện thể loại…
Tuy đến với thơ hơi muộn, nhưng ông cũng đã để lại một khối lượng thơ khá đồ sộ với tập: “Lửa vui” (1920 - theo chủ nghĩa siêu thực). Sau khi cùng vợ sang dự Hội nghị các nhà văn cách mạng ở Kharcov (Liên Xô), trở về ông viết tập “Mặt trời đỏ” (1930) và “Hoan hô Uran!” (1934) với lời thơ hùng hồn, tin tưởng tuyệt đối vào cách mạng vô sản và Liên Xô. Tiếp theo là các tập “Nát lòng” (1941), “Đôi mắt Elsa” (1942), “Anh chàng say đắm Elsa” (1963).
Riêng tập thơ “Cuốn tiểu thuyết chưa hoàn thành” (1956) được nhà phê bình văn học M. Alighe nhận xét “là một tác phẩm thơ ca hay nhất châu Âu thế kỷ XX”. Thơ ông là cả một “vườn thơ Elsa” với đề tài đa dạng, âm điệu phong phú. Ông ngợi ca lý tưởng, Tổ quốc và nhân dân.
Thơ Aragon không có các loại dấu chấm câu và cách ngắt dòng rất linh hoạt, tự do, không theo khuôn phép nào cả. Ông có những câu thơ dài tới mươi dòng hoặc nửa trang. Ông muốn xóa khoảng cách giữa thơ và văn xuôi, thích viết dài để bộc lộ hết xúc cảm trào tuôn. Đó là mặt mạnh và cũng là mặt hạn chế của thơ ông. Thơ Aragon rất giàu nhạc điệu nên nhiều bài đã được các nhạc sĩ Pháp và thế giới phổ nhạc.
Một đặc điểm nổi bật nữa ở các tác phẩm của Louis Aragon là tính quốc tế. Ông là nhà văn có tính quốc tế rất cao. Ngoài việc ông là người theo đuổi chủ nghĩa cộng sản, ông còn rất quan tâm đến các phong trào giải phóng ở các nước thuộc địa.
Người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam
Thật ra, từ trước đấy rất lâu, thơ Aragon đã được nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động cách mạng Việt Nam biết tới. Nhiều người đã biết, bài hát "Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng" chính là bài hát do nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ từ một bài thơ của Aragon (qua bản dịch của nhà thơ Tố Hữu)
Louis Aragon là người bạn của nhân dân Việt Nam. Khi hoạt động cách mạng ở Paris, Bác Hồ rất thích thơ Aragon, coi ông như người bạn thân của mình. Sau này, năm 1946, khi Người sang thăm Pháp, đích thân ông bà Aragon đã đến chào và trao đổi với Người. Trong hai cuộc kháng chiến của nhân dân ta, Aragon đã đi nhiều nơi trên thế giới, đọc thơ ca ngợi tinh thần chiến đấu anh dũng của nhân dân Việt Nam, phản đối chiến tranh phi nghĩa của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Mặc dù chưa từng đặt chân đến Việt Nam, nhưng Louis đã có những câu thơ viết về Việt Nam, chia sẻ với những người cộng sản Việt Nam hết sức chân tình. Ngay từ tháng 2-1930, khi tin tức về cuộc khởi nghĩa Yên Bái của chúng ta được truyền về Pháp, trong đó có các thông tin về việc đàn áp, hành hình các lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa, từ Paris, Aragon đã cho công bố trên tờ La Commune (Công xã) bài thơ có tên gọi "Yên Bái", trong đó có những câu thơ hết sức xúc động:
Yên Bái, hai tiếng ấy nhắc rằng không thể khóa mồm, một dân tộc không thể nào khuất phục, bằng lưỡi gươm cong của đao phủ hung tàn/ Yên Bái, xin thề với những anh em da vàng, một giọt máu đời các anh phải nhỏ, trả bằng máu lũ thực dân phải đổ.
Ở phần kết bài, tác giả kêu gọi "máu phải trả bằng máu" và bày tỏ tình đoàn kết, sự ủng hộ cuộc đấu tranh chống ách đô hộ của thực dân Pháp ở nước ta. Hiện bài thơ nói trên của Aragon vẫn được lưu trên trang web của Đảng Cộng sản Pháp trong mục "Tư liệu cộng sản".
Là một nhân vật nổi tiếng của văn học Pháp thế kỷ XX, Louis Aragon không chỉ là nhà thơ lớn, ông còn là nhà tiểu thuyết bậc thầy, nhà phê bình văn học xuất sắc và là người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam. Là một chiến sĩ lỗi lạc của phong trào đấu tranh bảo vệ hòa bình, Louis Aragon đã được nhận nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có Huân chương Cách mạng Tháng Mười do Chính phủ Liên Xô tặng thưởng vào năm 1972, nhân kỷ niệm ông tròn 75 tuổi.