Marilyn Monroe và lời chối từ đáng tiếc với sân khấu

Tháng 8 tới mới là dịp tưởng nhớ 55 năm ngày mất của huyền thoại màn bạc xấu số Marilyn Monroe (1926-1962) nhưng ngay từ đầu năm 2017 này, tên bà đã liên tục được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông.

Trong những bài viết ấy, phân tích của chuyên gia Margaret Hickey (thuộc trường Đại học La Trobe - Australia) đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Ông đặt ra một câu hỏi thú vị: Cuộc đời và sự nghiệp của Monroe sẽ diễn biến ra sao, nếu bà chọn gắn bó với sân khấu kịch thay điện ảnh? Bởi ít ai biết, 4 năm sau khi kết hôn với Monroe, nhà soạn kịch vĩ đại Arthur Miller đã rất khuyến khích Marilyn Monroe theo đuổi sự nghiệp trình diễn trên sân khấu. Và đây là điều mà bà không bao giờ quên lúc sinh thời.

Người hâm mộ đặt hoa tại hầm mộ của Marilyn Monroe ở Los Angeles Ảnh: AFP/TTXVN

Đám cưới giữa Arthur Miller và Marilyn Monroe diễn ra vào 29/6/1956. Thời điểm ấy cũng đang là giai đoạn được gọi là "Kỷ nguyên vàng" của sân khấu Broadway. Miller vốn là một tên tuổi lớn, khi vở kịch "Death of a Salesman" của ông được diễn tới hơn 750 lần ở New York (Mỹ). Trong khi đó, nhiều bộ phim do Monroe thủ diễn chính cũng được chuyển thể và đưa lên sân khấu kịch, như "Gentleman Prefer Blondes", "Bus Stop", "The Prince and I", "The Seven Year Itch", "Clash by Night" và "How to Marry a Millionaire".

Các nghiên cứu của Margaret Hickey cho biết: sau khi được chồng gợi ý về việc bước lên sân khấu kịch, Monroe bắt đầu tìm hiểu về cách trau dồi tối đa khả năng diễn xuất của mình. Nơi cuối cùng mà bà tìm đến là Actors Studio New York. Khi áp-phích quảng cáo vở kịch nổi tiếng "The Seven Year Itch" được treo ở tòa nhà gần đó, Monroe ngồi ở đằng sau lớp lắng nghe và học hỏi.

Lee Strasberg, người sau này đã trở thành một nguồn ảnh hưởng lớn trong cuộc đời Monroe, luôn tin rằng Monroe có phẩm chất để trở thành một diễn viên sân khấu nghiêm túc. Nhiều sinh viên của Actors Studio New York cũng kinh ngạc với tài năng diễn xuất của Monroe khi bà tập tại Studio này.

Ellen Burstyn - người có mặt tại Studio khi Monroe trình diễn một cảnh trong vở kịch "Anna Christie" của Eugene O'Neill - đã kể lại thế này:" Nhìn cảnh diễn của Monroe, ai cũng nói đây không chỉ là màn diễn hay nhất của Monroe mà còn là màn diễn hay nhất tại Studio. Và chắc chắn, với bất cứ ai từng đọc kịch bản này, đó cũng là sự hóa thân xuất sắc nhất vào nhân vật Anna Christie."

Kim Stanley và Montgomery Clift (bạn đồng diễn của Monroe trong phim "The Misfits") cũng có ấn tượng tương tự. Sau này, trong một buổi tập, Monroe đã trình diễn những cảnh trong "Breakfast at Tiffany's" tại Actors Studio ấn tượng đến mức nhà biên kịch Truman Capote đã cố gắng thuyết phục các nhà sản xuất và đạo diễn giao vai chính cho Monroe trong bộ phim "Holly Golightly" được dàn dựng theo kịch bản của ông.

Trong cuộc đời mình, Monroe đã đặt nhiều kỳ vọng vào hầu hết các bộ phim mà bà diễn xuất. Monroe biết mình là một ngôi sao nên bà quan tâm nhiều tới thành công cũng như thất bại trong từng vai diễn. Các công ty sản xuất "trông mong" vào tên tuổi của Monroe và đây là một thách thức đối với bất cứ diễn viên nào dù có nhiều trải nghiệm đến đâu. Áp lực ấy đã khiến Monroe trở nên nghiện thuốc kê đơn và có thói quen đến trễ giờ.

Có lẽ, nếu theo đuổi sự nghiệp trên sân khấu, với những vở kịch tốn kém ít kinh phí dàn dựng hơn và thời gian luyện diễn lâu hơn, Monroe sẽ không bị dày vò bởi những nỗi lo lắng ngày càng gia tăng. Bởi trên thực tế, Elizabeth Taylor, Jayne Mansfield và Jane Russell - những bạn diễn của Monroe trong phim "Gentleman Prefer Blondes", cũng đều thấy quá mệt mỏi với các dự án điện ảnh và họ đã chuyển sang sân khấu. Tiếc là Monroe không làm như vậy. Monroe chưa bao giờ trình diễn trong bất cứ tác phẩm sân khấu chính thức nào. Bà qua đời ngày 5/8/1962 với nguyên nhân được cho là tự vẫn bằng thuốc ngủ.

Nhìn lại câu chuyện cuộc đời bà, nhà văn Joyce Carol Oates tin rằng sân khấu sẽ là nơi "cứu rỗi" cho ngôi sao nhiều rắc rối này. Năm 2012, Oates viết: "Tôi tin rằng nếu Monroe vẫn ở lại New York, hợp tác với Actors Studio thì bà sẽ trở thành một diễn viên trưởng thành nghiêm túc và có thể vẫn còn sống tới nay".

Dù sao, điện ảnh thế giới vẫn phải cảm ơn Marilyn Monroe (1/6/1926-5/8/1962) về sự lựa chọn của mình. Dù chỉ tham gia đóng khoảng 30 bộ phim trong sự nghiệp, minh tinh này vẫn là một tượng đài của điện ảnh thế giới, với những vai diễn nổi tiếng trong "Niagara" (1953), "Gentlemen Prefer Blondes" (1953), "Bus Stop" (1956), "The Seven Year Itch" (1954), "Some Like It Hot" (1959)... Sau khi qua đời, huyền thoại với mái tóc vàng gợi cảm này vẫn thường được nhắc đến như một biểu tượng văn hóa nổi tiếng của nền điện ảnh Mỹ nói riêng và thế giới nói chung, và vẫn là một trong những ngôi sao đã khuất kiếm tiền bậc nhất thế giới.

TTXVN/Tin Tức
Bệnh án “dao kéo” của Marilyn Monroe giá 25.600 USD
Bệnh án “dao kéo” của Marilyn Monroe giá 25.600 USD

Bệnh án chứng minh biểu tưởng gợi cảm của điện ảnh Mỹ Marilyn Monroe tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ đã được bán với giá khá cao tới 25.600 USD.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN