Bà Nguyễn Thị Định, Phó Tư lệnh các lục lượng Vũ trang Nhân dân miền Nam ra Hà Nội dự Đại hội Phụ nữ Việt Nam lần thứ tư, từ ngày 4-7/3/1974. Ảnh: TTXVN |
Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Phó Tư lệnh giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho dân tộc ta”.
Sinh năm 1920 trong một gia đình nông dân ở xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, cô Ba Định ngay từ thuở mới lớn đã chịu ảnh hưởng của phong trào yêu nước và cách mạng của địa phương. Được người anh ruột trực tiếp dìu dắt, lúc 16 tuổi cô đã tham gia vào cuộc vận động đòi dân sinh, dân chủ trong phong trào Đông Dương đại hội, như đi liên lạc, rải truyền đơn, vận động bà con nông dân chống lại sự áp bức, bóc lột của một số cường hào địa phương.
Năm 19, Nguyễn Thị Định được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương. Cũng trong thời gian này bà xây dựng gia đình.
Năm 1940, quê hương bà bị dìm trong khủng bố trắng, chồng bà bị giặt bắt, đày đi Côn Đảo 5 năm và vĩnh viễn nằm lại nghĩa trang Hàng Dương. Chẳng lâu sau, bà cũng bị bọn chúng bắt giam tại nhà tù Bà Rá (thuộc tỉnh Bình Phước ngày nay). Xa đứa con thơ mới 7 tháng tuổi, gởi lại cho bà ngoại nuôi và phải chịu đựng mọi nhục hình tra tấn dã man của giặc, bà vẫn một mực kiên trung bảo vệ Đảng, bảo vệ cơ sở Cách mạng. Năm 1943, bà đau tim nặng trong tù và do không có bằng chứng buộc tội, địch phải trả tự do cho bà.
Ba năm biệt giam tại nhà tù Bà Rá cũng là ba năm họat động kiên cường, bất khuất của bà. Chính tại nơi đây, các nữ tù chính trị gọi bà là chị Ba Bích theo tên chồng, từ đó bà mới có cái tên Ba Định thay cho Út Định.
Ra tù trở về Bến Tre, bà liên lạc với tổ chức Đảng, chính quyền cách mạng của tỉnh. Trong khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945, người góa phụ trẻ ấy đã cầm cờ dẫn đầu hàng ngàn quần chúng tay dao, tay gậy, cờ, băng, biểu ngữ rầm rộ chiếm thị xã Bến Tre. Sau ngày khởi nghĩa thắng lợi, bà được tổ chức giữ lại công tác ở phụ nữ tỉnh.
Tuy còn ít tuổi nhưng nhờ có ý chí kiên cường, lòng yêu nước mãnh liệt, lại nhiều mưu trí nên bà được Tỉnh ủy chọn làm thuyền trưởng chuyến đầu tiên vượt biển ra Bắc báo cáo với Đảng và Bác Hồ về tình hình chiến trường Nam bộ và xin vũ khí chi viện. Từ đó tên tuổi của bà gắn với con đường huyền thoại - “đường Hồ Chí Minh trên biển”.
Cuối năm 1959, Mỹ-Diệm cho xây khu trù mật ở Bến Tre và cho thực hiện luật 10/59 lê máy chém khắp miền Nam để khủng bố phong trào cách mạng. Nguyễn Thị Định là người khởi xướng và lãnh đạo chủ chốt phong trào Đồng Khởi ở Mỏ Cày, Bến Tre, mở đầu phong trào Đồng Khởi trong toàn tỉnh, vùng đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ.
Từ phong trào Đồng Khởi xuất hiện “Đội quân tóc dài”. Họ tổ chức thành đội ngũ, tiến hành cuộc đấu tranh trực diện với địch, đòi chấm dứt càn quét, bắn giết, bom pháo, đòi bồi thường nhân mạng… “Đội quân tóc dài” hàng ngàn người ở Bến Tre nhân rộng thành hàng triệu người, không có tấc sắt trong tay nhưng có sức mạnh phi thường, phá vỡ nhiều thủ đoạn thâm độc, nhiều cuộc càn quét lớn của địch, góp phần đáng kể làm sụp đổ thành trì chế độ Mỹ ngụy. Cuộc đấu tranh giành thắng lợi rực rỡ khiến bọn Mỹ-Diệm phải dè chừng sức mạnh lợi hại của “Đội quân tóc dài”. Tên tuổi Nguyễn Thị Định từ đó như sóng triều vang xa, lan rộng khắp miền Nam.
Thắng lợi cuộc đấu tranh đầu tiên tại Bến Tre của “Đội quân tóc dài” là minh chứng sinh động về sự sáng tạo của đường lối đấu tranh chính trị kết hợp với vũ trang và binh vận mà về sau đã trở thành phương châm chỉ đạo chiến lược cho phong trào Đồng khởi toàn miền Nam.
Niềm vui khi ngọn lửa Đồng Khởi nhen lên khắp các tỉnh Nam bộ chưa tắt thì bà nhận được tin con trai mất ngoài Bắc. Bàng hoàng, sửng sốt nhưng tấm lòng của nhân dân đã động viên bà vượt qua nỗi đau đớn ấy. Người chỉ huy lau nước mắt, nén lại nỗi đau, tiếp tục bước vào cuộc chiến đấu quyết liệt giành độc lập cho quê hương.
Sinh thời, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từng nói: “Một người phụ nữ đã chỉ huy thắng lợi cuộc Đồng Khởi ở Bến Tre thì người đó rất xứng đáng được làm tướng và ở trong Bộ Tư lệnh đánh Mỹ”. Năm 1965, bà được phong quân hàm Thiếu tướng quân đội nhân dân Việt Nam, và được giao giữ chức Phó Tổng Tư lệnh quân giải phóng miền Nam đến năm 1975.
Bà đã khẳng định tài năng của mình trong vai trò nữ tướng. Những năm tháng chiến tranh diễn ra ác liệt ấy, rừng miền Đông vẫn thấy nữ tướng không mặc quân phục, không đeo quân hàm khi ra trận nhưng tài chỉ huy, lòng trách nhiệm, sự dũng cảm, sự thấu đáo của bà đã góp phần xoay chuyển tình hình từ bị động chuyển sang phòng ngự và chủ động tấn công…