45 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không:

Phát huy truyền thống Đoàn Cờ Đỏ Anh hùng

Trải qua suốt 12 ngày đêm chiến đấu anh dũng (18 - 30/12/1972), quân và dân ta đã làm nên chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” ghi dấu ấn lịch sử, tạo bước ngoặt chiến tranh, làm tăng thế và lực cho ta, đẩy địch vào thế bị động chiến lược.

Trong thành công chung của thắng lợi to lớn ấy có đóng góp không nhỏ từ các đơn vị thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân, tiêu biểu là Trung đoàn Tên lửa 257 - Đoàn Cờ Đỏ, Sư đoàn 361 - đơn vị chủ lực mở đầu chiến dịch và đã đạt những chiến công xuất sắc. Ngày nay, thế hệ trẻ của Trung đoàn đang nỗ lực phấn đấu, xứng đáng kế thừa truyền thống của một đơn vị Anh hùng.

Góp phần viết nên huyền thoại Điện Biên Phủ trên không

Trung đoàn Tên lửa 257 - Đoàn Cờ Đỏ Anh hùng, được thành lập ngày 13/11/1965. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Trung đoàn đã cơ động chiến đấu trên 9 tỉnh, thành phố, đánh 450 trận, bắn rơi 74 máy bay các loại của đế quốc Mỹ. Đặc biệt, trong chiến dịch phòng không tháng 12/1972, Trung đoàn đã phóng những quả đạn tên lửa đầu tiên mở màn chiến dịch vào lúc 19 giờ 44 phút ngày 18/12, cổ vũ tinh thần quân và dân ta trên khắp các chiến trường. Với những thành tích trong chiến đấu, Trung đoàn được mệnh danh là “Rồng lửa 257”.

Bộ đội tên lửa phòng không là lực lượng nòng cốt trong những năm tháng chiến tranh, đã đánh bại hơn 1000 máy bay địch trong đó có 65 máy bay B-52, đập tan thần tượng "Siêu pháo đài bay" của không lực Mỹ. Ảnh: Hứa Kiểm/TTXVN

Về thăm lại trận địa Chèm, nơi đóng quân hiện nay của Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, Đại tá Đinh Thế Văn, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 không giấu được sự xúc động. Là người đã trực tiếp chiến đấu ở vị trí sỹ quan điều khiển trong chiến dịch, ông bồi hồi nhớ lại: Trong chiến dịch 12 ngày đêm, Tiểu đoàn 77 được trên giao chốt tại trận địa Chèm (xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội) với nhiệm vụ chủ yếu là bảo vệ khu Ba Đình, nơi Trung ương Đảng làm việc, cũng là nơi yên nghỉ của Bác Hồ kính yêu, bảo vệ Đài Tiếng nói Việt Nam.

Với trọng trách ấy, cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn đã xây dựng quyết tâm, tổ chức huấn luyện bằng mọi hình thức; học tập từng tính năng kỹ thuật, chiến thuật của từng loại máy bay, vũ khí của địch, đặc biệt là máy bay B52 và các loại máy bay mới, vũ khí mới của địch hòng áp chế tên lửa của ta. Tiểu đoàn lập ra nhiều phương án nắm chắc những âm mưu, thủ đoạn đánh phá các mục tiêu đặc biệt của địch, trọng tâm là các mục tiêu mà Tiểu đoàn phải bảo vệ.

Đại tá Đinh Thế Văn hồi tưởng: B52 được mệnh danh là “siêu pháo đài bay”, “con ngáo ộp” trên bầu trời. Để đối phó được với B52, quân ta trước hết phải đối diện với khó khăn là xác định giải nhiễu. Vấn đề nghiên cứu nhiễu vì thế trở thành trọng tâm, dù trước khi bước vào chiến dịch các trắc thủ của đơn vị đã được huấn luyện cách xách định giải nhiễu của B52 như: cường độ sáng của nhiễu rực hơn các loại khác, có độ mịn và rộng hơn, giải nhiễu ổn định… nhưng điều khiến các chiến sỹ của ta khi đó phân vân là có rất nhiều nhiễu B52 thật và giả.

"Trong điều kiện địch gây nhiễu rất nặng, khó bắt được tín hiệu, chúng tôi vẫn thống nhất chọn phương pháp đánh “vượt nửa góc” để đối phó với B52. “Vượt nửa góc” là cách đánh điều khiển tên lửa của ta sao cho phải luôn đón trước nửa góc so với mục tiêu. Khi đến điểm bằng không, tên lửa tự động bắn mục tiêu. Cách đánh này tuy khó nhưng xác suất đạt cao, vừa tiết kiệm đạn, vừa bắn rơi được B52 tại chỗ", Đại tá Đinh Thế Văn cho biết.

Với sự dũng cảm, cùng với kỹ thuật, chiến thuật điêu luyện, ngay trong đêm 18/12/1972, Tiểu đoàn 77 đã bắn rơi tại chỗ chiếc B52 đầu tiên trên bầu trời Hà Nội. Đại tá Đinh Thế Văn không bao giờ quên được cảm xúc khi lần đầu tiên chỉ huy bắn rơi được máy bay B52. Ông nhớ lại: "Trận thứ 3 của đêm 18, rạng sáng 19/12/1972, Tiểu đoàn kiên trì phát sóng theo đúng quy trình, bám sát giải nhiễu nặng, mịn và nâng góc tà chậm. Trắc thủ góc tà đọc và tính cự ly vào đúng 40 km, lệnh phát sóng quả nhiên bắt được tín hiệu B52 rất rõ vào khoảng 36 km. Khi phát sóng lần 2 vẫn bám được mục tiêu, tôi ra lệnh phóng hai quả đạn tên lửa ở cự ly 32 km. Sỹ quan điều khiển báo cáo gặp mục tiêu ở cự ly 25 km và 24 km, đạn nổ tốt, trắc thủ góc tà báo cáo “mục tiêu rơi”. Đêm 20, ngày 21/12/29172, Tiểu đoàn tiêu diệt thêm 3 máy bay B52, trong đó có hai chiếc bị bắn rơi tại chỗ.

Để làm nên thành công của chiến dịch, bên cạnh những đơn vị trực tiếp chiến đấu còn có đóng góp thầm lặng của các đơn vị đảm bảo vũ khí, khí tài. Thiếu tá Doãn Tòng Long, nguyên chiến sỹ Tiểu đoàn 80, đơn vị có nhiệm vụ bảo đảm đạn tên lửa cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu là người trực tiếp phụ trách đội kíp kiểm tra đạn tên lửa trong suốt 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Thiếu tá Long cho biết: Một đội kíp thông thường có 12 người, nhưng tại thời điểm được lệnh thực hiện công tác, một nửa quân số trong đội đã được điều động, phân công đi làm nhiệm vụ khác từ trước đó. Là đơn vị có nhiệm vụ cung cấp đạn cho hỏa lực, đồng thời ý thức được tình hình căng thẳng của các đồng đội đang chiến đấu ngoài trận địa, chúng tôi đã quyết tâm khắc phục khó khăn, chỉ với 6 người, chúng tôi đã hỗ trợ nhau kiểm tra, đảm bảo kỹ thuật cho đạn tên lửa, kiểm tra khối tự động bay C11, kiểm tra khối điều khiển vô tuyến FR15A...

Phát huy truyền thống Đoàn Cờ Đỏ Anh hùng

Những chiến công oai hùng trên bầu trời Hà Nội luôn là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 257. Thượng tá Lưu Công Cường, Chính ủy Trung đoàn cho biết: Trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972, Trung đoàn 257 đã bắn rơi 11 chiếc B52, trong đó 8 chiếc rơi tại chỗ; góp phần cùng quân và dân Thủ đô Hà Nội bắn rơi 81 máy bay Mỹ các loại, trong đó có 34 B52, làm nên huyền thoại “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, buộc đế quốc Mỹ phải chấp nhận ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ, Trung đoàn 257, Tiểu đoàn 77, Tiểu đoàn 78 và 2 cá nhân đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

Tên lửa Việt Nam xuất kích tiêu diệt máy bay Mỹ. Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Ôn lại lịch sử của đơn vị, Trung tá Nguyễn Đức Hải, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 80, Trung đoàn 257 chia sẻ: Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tiểu đoàn 80, Trung đoàn 257 có nhiệm vụ là đơn vị sản xuất bảo đảm đạn tên lửa cho các tiểu đoàn hỏa lực. Đặc biệt trong chiến dịch 12 ngày đêm tháng chạp năm 1972, đơn vị đã khắc phục khó khăn, không quản ngày đêm lắp ráp và sản xuất đạn tên lửa đảm bảo cho các đơn vị hỏa lực trong Trung đoàn bắn rơi 11 máy bay B52.

Kế tục truyền thống của các thế hệ cha anh, cán bộ, chiến sỹ của Tiểu đoàn 80 luôn nhận thức cần nâng cao trình độ về mọi mặt, tích cực luyện tập thành thục các phương án chiến đấu, đặc biệt là huấn luyện kíp chiến đấu dây chuyền lắp ráp đạn, sẵn sàng đảm bảo đạn cho các đơn vị hỏa lực trong mọi tình huống. Những khó khăn trong công tác như khí tài trang bị phát sinh hỏng hóc, đạn tên lửa đã qua sử dụng nhiều năm nên vật tư, linh kiện thay thế gặp nhiều khó khăn, quân số đảm bảo cho các nhiệm vụ có thời điểm còn vắng thiếu so với biên chế... được đơn vị nỗ lực khắc phục, giữ vững và ổn định tình hình đơn vị, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Tiếp nối những bước đi đầy tự hào của những người đi trước, cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn Tên lửa 257 đang tiếp tục phấn đấu học tập, chiến đấu bảo vệ vùng trời Hà Nội. Hành trang của đơn vị là bề dày thành tích được gìn giữ và phát huy suốt 45 năm, xứng đáng với tên gọi “Rồng lửa 257”.

Tự hào về những thành tích, truyền thống của đơn vị nơi mình công tác, Trung sĩ Nguyễn Tiến Đạt, trắc thủ điều khiển Tiểu đoàn 77 khẳng định: “Thế hệ trẻ chúng tôi vinh dự được là người chiến sỹ của Tiểu đoàn 77, Trung đoàn Tên lửa 257 Anh hùng, đóng quân tại trận địa Chèm - Di tích lịch sử văn hóa. Để xứng đáng với truyền thống này, tôi cùng các đồng đội trong đơn vị nhận thức được vai trò quan trọng của việc thường xuyên học tập, nâng cao nhận thức, rèn luyện bản lĩnh chính trị, tinh thần; tích cực huấn luyện sử dụng thành thạo vũ khí, trang bị, khắc phục mọi khó khăn để làm chủ vũ khí, khí tài; luyện tập và vận dụng thành thục các phương án chiến đấu, sẵn sàng tiêu diệt các phương tiện tiến công đường không của địch khi chúng xâm phạm vào khu vực hỏa lực của Tiểu đoàn”.

Năm tháng qua đi, chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” mãi mãi là biểu tượng của ý chí kiên cường, bất khuất, thông minh, sáng tạo; là niềm tự hào của dân tộc, nhân dân và quân đội ta; khẳng định tầm vóc của một trong những chiến công hiển hách trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam; ghi đậm dấu ấn cuộc đấu tranh cách mạng hào hùng của nhân dân ta trong thời đại Hồ Chí Minh.

Hiền Hạnh (TTXVN)
Triển lãm 'Bản hùng ca Điện Biên Phủ trên không'
Triển lãm 'Bản hùng ca Điện Biên Phủ trên không'

Chiều 18/12, tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (số 28A Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội), Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Công an nhân dân tổ chức khai mạc triển lãm “Bản hùng ca Điện Biên Phủ trên không”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN