Theo đài Sputnik, trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington sẽ coi Antifa là một tổ chức khủng bố. Cả nhà lãnh đạo Mỹ và Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr nhấn mạnh các nhóm như vậy phải chịu trách nhiệm về phần lớn những cuộc biểu tình bạo lực trên khắp đất nước hiện nay.
Phong trào Antifa xuất hiện từ những năm 1980, khi một nhóm có tên gọi Hành động chống Phân biệt chủng tộc đối đầu với những kẻ theo chủ nghĩa phát xít tại miền Trung Tây nước Mỹ. Antifa là từ viết tắt của cụm từ chống phát xít.
Sau này, bên cạnh mục tiêu chống phát xít và chủ nghĩa phát xít, phong trào Antifa hoạt động với quan điểm phản đối những kẻ siêu quyền lực da trắng và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phản đối việc tích lũy của cải của các tập đoàn và giới thượng lưu. Phong trào không có thủ lĩnh chính thức cũng như không có trụ sở cụ thể.
Antifa phần lớn không hoạt động cho đến khi ông Donald Trump đắc cử trở thành Tổng thống Mỹ năm 2016. Tháng 1/2017, các thành viên thuộc phong trào Antifa đã tổ chức biểu tình phản đối lễ nhậm chức của Tổng thống Trump. Cũng trong năm đó, họ đụng độ với nhóm người tuần hành theo chủ nghĩa dân tộc da trắng ở Charlottesville, Virginia. Trả lời hãng tin BBC, đại diện giấu tên của phong trào Antifa tại bang Oregon cho biết họ đang gây dựng “một phong trào thực sự tách biệt khỏi chính sách của Tổng thống Mỹ”.
Chiến thuật của phong trào Antifa bao gồm hô hào đồng thanh, dựng hàng rào “sống”, cũng như tuyên truyền... Thi thoảng, các nhà hoạt động Antifa sẽ công bố các thông tin cá nhân của đối thủ lên Internet. Hành vi này còn được biết đến với tên gọi “doxxing” (đánh cắp thông tin).
Trong các cuộc tuần hành và biểu tình, những nhóm Antifa cực đoan nhất sẽ cầm gạch, dây xích, dao và bình xịt hơi cay. Họ cho rằng mình chỉ dùng vũ lực như một cách để tự vệ.
Những người ủng hộ Antifa thường mặc đồ màu đen và thi thoảng sẽ bịt mặt bằng khẩu trang hoặc đội mũ bảo hiểm để tránh bị cảnh sát hoặc tổ chức đối thủ nhận diện. Phong trào này cũng thu hút sự tham gia của một nhóm phụ nữ tin rằng chính quyền Mỹ đương nhiệm có quan điểm chống nữ quyền, dẫn chứng bằng những chính sách về quyền phá thai, chăm sóc sức khỏe và nhập cư.
Các cuộc biểu tình đã diễn ra ở ít nhất 70 thành phố trên khắp nước Mỹ sau vụ việc một công dân da màu không vũ trang, George Floyd (46 tuổi) tử vong trong một vụ bắt giữ ngày 25/5. Nhiều cuộc biểu tình đã biến thành bạo động khi người biểu tình chặn các tuyến đường, phóng hỏa và đụng độ với cảnh sát, buộc lực lượng an ninh phải sử dụng súng hơi cay và đạn cao su để lập lại trật tự.
Để bảo vệ an toàn cho người dân, chính quyền 30 thành phố đã ban bố lệnh giới nghiêm và hơn chục bang đã huy động lực lượng Vệ binh Quốc. Ngày 1/6, hãng tin CNN (Mỹ) đưa tin khoảng 4.000 người đã bị bắt giữ liên quan đến các vụ biểu tình bạo động, cướp phá tài sản.