Sáng mãi ngọn lửa Cách mạng Tháng Mười Nga

Cách đây 100 năm, ngày 7/11/1917 đã nổ ra một sự kiện làm rung chuyển toàn thế giới: Cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại. Dưới sự lãnh đạo thiên tài của V.I.Lênin và Đảng Bônsêvích Nga, nhân dân và giai cấp công nhân Nga đã vùng lên đập tan chế độ Sa Hoàng, dựng lên Nhà nước công nông đầu tiên, khai phá con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) trên thế giới.

Một thế kỷ đã đi qua nhưng Cách mạng Tháng Mười vẫn tỏa sáng, khẳng định sức sống, giá trị thời đại và ý nghĩa lịch sử toàn thế giới. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười đã mở ra một thời đại mới trong lịch sử nhân loại, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới.

Binh sĩ Nga trong trang phục của Hồng quân tham gia mít tinh kỷ niệm cuộc diễu binh lịch sử trên Quảng trường Đỏ ở Moskva năm 2015. Ảnh: AFP/TTXVN

Mở ra thời đại mới trong lịch sử nhân loại

Từ năm 1905 đến năm 1907, tại Nga nổ ra cuộc Cách mạng Dân chủ Tư sản thứ nhất, cuộc cách mạng nhân dân đầu tiên trong thời kỳ đế quốc chủ nghĩa. Đó là cuộc đấu tranh của công nhân, nông dân chống chế độ Nga Hoàng. Cách mạng bị đàn áp vì thiếu sự phối hợp giữa công nhân, công dân, binh lính. Cuộc cách mạng này tuy thất bại, nhưng đó là cuộc "tổng diễn tập" cho Cách mạng Tháng Mười thắng lợi.

Đến tháng 2/1917, cuộc Cách mạng Tư sản Dân chủ thứ hai nổ ra với nhiều cuộc bãi công của công nhân, lôi kéo cả nông dân và binh lính tham gia. Trong tháng giêng và tháng 2/1917, làn sóng cách mạng không ngừng dâng cao. Đấu tranh cho "Hoà bình, bánh mỳ, tự do" trở thành khẩu hiệu hành động của công nhân, nông dân. Cách mạng thắng lợi. Chế độ Nga Hoàng bị lật đổ.

Tuy cách mạng giành được thắng lợi, song vấn đề Chính quyền lại không được giải quyết dứt khoát. Các đại biểu công nhân, nông dân xuất hiện ngay trong những ngày đầu của Cách mạng. Nhưng người đứng đầu các Xôviết ở Pêtơrôgrát, Mátxcơva và các thành phố khác lại do phái Mensêvích và Xã hội cách mạng nắm.

Họ có chính sách thoả hiệp với giai cấp tư sản, chủ trương giao chính quyền cho giai cấp tư sản nắm. Ngày 27/2/1917, với sự tham gia trực tiếp của các lãnh tụ Xã hội cách mạng và Mensêvích, Uỷ ban lâm thời của Viện Đuma Nhà nước được lập ra do tên bảo hoàng Rốtdiancơ đứng đầu, và ngày 2/3/1917, Chính phủ lâm thời được thành lập gồm đại diện của giai cấp tư sản và bọn địa chủ tư sản hoá.

Bên cạnh Chính phủ lâm thời tư sản, lại có một chính quyền khác là chính quyền của công nhân. Một quốc gia hình thành hai chính quyền: Chính quyền của giai cấp tư sản mà Chính phủ lâm thời là đại biểu, và chính quyền của giai cấp công nhân và giai cấp nông dân. Vấn đề đặt ra là không thể tồn tại song song hai chế độ. Đường lối đúng đắn của V.I.Lênin và Đảng Cộng sản Bônsêvích Nga đã đưa nhân dân đến thắng lợi của Cách mạng XHCN Tháng Mười vĩ đại, tám tháng sau Cách mạng Tháng Hai.

V. I. Lênin đã rút ra bài học từ cách mạng Tháng Hai để tổ chức Cách mạng Tháng Mười. Lênin đã cho công bố bản Luận cương tháng Tư nổi tiếng đề ra một kế hoạch tài tình của Đảng để chuyển từ cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng XHCN. Căn cứ vào tình hình nước Nga sau khi Nga hoàng bị lật đổ, Lênin đề ra khẩu hiệu "Toàn bộ chính quyền về tay Xôviết" nhằm chấm dứt tình trạng phân chia chính quyền giữa Chính phủ lâm thời và các Xôviết, tức là chấm dứt tình trạng hai chính quyền song song tồn tại bằng nhiều biện pháp hoà bình.

Đến khi Chính phủ lâm thời ra lệnh cho quân đội xả súng bắn vào đoàn biểu tình hoà bình ngày 4/7/1917 làm 400 người chết và bị thương, tiến hành chiến dịch khủng bố chống lại đảng Bônsêvích, thì Lênin quyết định thay đổi chiến lược của mình, chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang để lật đổ chính quyền của giai cấp tư sản.

Ngày 7/11/1917 (dương lịch), tức ngày 25 tháng Mười theo lịch Nga, dưới sự lãnh đạo của Lênin, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đã nhất loạt khởi nghĩa lật đổ chính quyền của giai cấp tư sản và phản cách mạng, lập Chính phủ Xôviết do V.I.Lênin làm Chủ tịch. Nước Nga bắt đầu công cuộc xây dựng CNXH.

Cách mạng Tháng Mười thắng lợi đã mở ra một kỷ nguyên mới, một thời đại mới. Chỉ một ngày sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, V.I.Lenin đã ký Sắc lệnh hòa bình mở đầu một kiểu quan hệ quốc tế mới giữa các quốc gia trên cơ sở hòa bình, hữu nghị, bình đẳng, loại bỏ kiểu áp đặt bất bình đẳng tồn tại qua nhiều thế kỷ. Một chính sách ngoại giao mới, một quan hệ quốc tế mới được khẳng định là chính sách hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc.

Một nhà nước kiểu mới được xây dựng trên nền tảng loại bỏ áp bức dân tộc, áp bức giai cấp, không có người bóc lột người đã khẳng định Cách mạng Tháng Mười đánh dấu sự mở đầu một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội và một thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội.

Dưới ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười và sự ủng hộ giúp đỡ to lớn của Liên Xô vĩ đại, phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới đã phát triển mạnh mẽ, trở thành dòng thác cách mạng của thời đại, xóa bỏ chủ nghĩa thực dân cũ, làm thất bại chủ nghĩa thực dân mới, cổ vũ các dân tộc bị áp bức vùng lên giành độc lập dân tộc, hướng tới Chủ nghĩa xã hội.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, cùng với sự ra đời và phát triển của hàng loạt nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới, phong trào Cộng sản với tư cách đội tiên phong chính trị và bộ tham mưu chiến đấu của phong trào công nhân quốc tế trưởng thành vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, trở thành một lực lượng có ảnh hưởng mang ý nghĩa quyết định đến xu thế vận động của thời đại, lan toả ảnh hưởng sâu rộng đến các dân tộc thuộc địa, làm thức tỉnh và tiếp thêm sức mạnh cho họ trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Noi theo tấm gương của Cách mạng Tháng Mười, phong trào đấu tranh chống đế quốc, giải phóng dân tộc trên thế giới liên tiếp giành được thắng lợi, làm sụp đổ hệ thống thuộc địa - một vết nhơ của văn minh nhân loại, vốn tồn tại gần nửa thiên niên kỷ; đồng thời khai sinh một thực thể quốc tế mới, bao gồm hơn một trăm quốc gia đang phát triển mới giành được độc lập dân tộc.

Với ý nghĩa đó, Cách mạng Tháng Mười thực sự là cuộc cách mạng xã hội vĩ đại nhất, chân chính nhất và triệt để nhất trong lịch sử.

Những giá trị còn mãi với thời gian

Trong lịch sử loài người, chưa từng có cuộc cách mạng nào mà ý nghĩa và tầm vóc lịch sử của nó lại to lớn đến như vậy. Đó là bước nhảy vọt trong lịch sử phát triển nhân loại, đánh dấu sự ra đời và phát triển của các nước xã hội chủ nghĩa, biến chủ nghĩa xã hội từ lý tưởng trở thành hiện thực. Cách mạng Tháng Mười Nga có ảnh hưởng vô cùng lớn tới phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa. Một thế kỷ đã trôi qua, thời gian đã lùi xa, nhưng những giá trị thời đại mà Cách mạng Tháng Mười Nga khai mở đến nay vẫn giữ nguyên tính hiện thực.

Nhân loại dù có trải qua những bước thăng trầm với không ít khúc quanh lịch sử, nhưng giá trị của Cách mạng Tháng Mười và sức sống của nó vẫn trường tồn cùng với thời gian, cổ vũ các dân tộc trên con đường phát triển. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa đến như thế”.

Cách mạng Tháng Mười là cột mốc mở đầu thời đại ngày nay. Con đường Cách mạng Tháng Mười Nga đã đưa nhân loại sang một trang sử mới, ở đó giấc mơ về một cuộc sống không còn bóc lột, áp bức, bất công đã trở thành hiện thực sinh động cho hàng tỷ người trên một không gian thật sự rộng lớn của địa cầu. Động lực và cảm hứng từ Cách mạng Tháng Mười đã xác lập nên xu hướng vận động chủ đạo của lịch sử thế giới hiện đại: đó là xu hướng phê phán, phủ định và thay thế chủ nghĩa tư bản bằng một chế độ xã hội tiến bộ hơn.

Người dân Nga tham gia diễu hành kỷ niệm Cách mạng tháng 10 ở Moskva. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngay cả trong điều kiện chủ nghĩa xã hội bị khủng hoảng, khó khăn, xu hướng chống chủ nghĩa tư bản cũng không suy giảm. Sự hằn học, chống phá quyết liệt hiện nay của các thế lực thù địch đối với Cách mạng Tháng Mười và chủ nghĩa xã hội chính là vì cuộc cách mạng vĩ đại ấy tiếp tục tác động mạnh mẽ đến triển vọng của lịch sử loài người trong thế kỷ XXI, thế kỷ của đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản ở tầm cao mới.

Thế kỷ XXI đặt ra nội dung và yêu cầu mới cho mục tiêu phát triển. Đó là sự phát triển trong hòa bình và tự do; phát triển hài hòa giữa vật chất và tinh thần; phát triển trong công bằng và dân chủ; phát triển bền vững và nhân văn; sự phát triển của mỗi người, mỗi nhóm xã hội, mỗi giai cấp, tập đoàn, mỗi quốc gia, dân tộc phải là điều kiện tích cực cho sự phát triển của những người khác và toàn bộ loài người.

Khuôn khổ này của sự phát triển không thể tương dung với giới hạn chật hẹp của hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa, cái hình thái chỉ có thể tồn tại và vận động được nhờ giá trị thặng dư thông qua bóc lột lao động, nhờ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa ngày càng lớn, nhờ đầu cơ tài chính và chiến tranh... Bởi vậy, mục tiêu phát triển hiện đại tự nó đặt ra yêu cầu tiếp tục giải phóng, giải phóng triệt để hơn khỏi con đường và chế độ tư bản chủ nghĩa trong mọi biến thái khác nhau của chúng.

Qua vài thập kỷ trở lại đây, chủ nghĩa xã hội lại chứng minh sức sống và tính ưu việt của mình thông qua quá trình cải cách, đổi mới và phát triển. Với Trung Quốc, quốc gia chiếm gần 1/5 dân số toàn cầu, liên tục dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế suốt 30 năm qua, hiện đứng thứ hai về GDP trên thế giới; với Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đang trở thành người bạn và đối tác tin cậy của các nước; Cuba luôn kiên định và sáng tạo trong vòng tay ủng hộ, hợp tác, giúp đỡ của bè bạn khắp năm châu.

Tư tưởng xã hội chủ nghĩa không những bám rễ ở những nơi đã từng sản sinh ra nó mà còn nảy nở cả ở những vùng đất mới, nơi mà chủ nghĩa tý bản đã tỏ rõ là nguyên nhân của tình trạng bất bình đẳng xã hội, của áp bức, bóc lột và bất công. Và phong trào cánh tả ở Mỹ Latinh đầu thế kỷ XXI là một trong những minh chứng có tính thuyết phục. Những thành tựu to lớn ở các nước xã hội chủ nghĩa này đang làm nức lòng nhân dân thế giới. Chính phủ nhiều nước Mỹ Latinh do các đảng cánh tả cầm quyền đã tuyên bố quyết tâm “vượt qua chủ nghĩa tư bản”, xây dựng đất nước theo mô hình “Chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI” vì lợi ích của quảng đại quần chúng nhân dân lao động…

100 năm sau Cách mạng Tháng Mười, dù thế giới có trải qua những bước thăng trầm, giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của cuộc cách mạng đó vẫn được khẳng định. Loài người sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội. Ðó là điều chắc chắn. Song không phải chỉ có một mà sẽ bằng nhiều con đường khác nhau và với những mô hình không giống nhau do mỗi quốc gia, dân tộc tự lựa chọn tùy theo lợi ích và đặc điểm của mình.

TTXVN/Báo Tin Tức
Chủ tịch Đảng Cộng sản LB Nga khẳng định vai trò của Cách mạng Tháng Mười
Chủ tịch Đảng Cộng sản LB Nga khẳng định vai trò của Cách mạng Tháng Mười

Theo phóng viên TTXVN tại LB Nga, chiều 23/10, Chủ tịch Đảng Cộng sản Liên bang Nga (KPRF) Gennady Ziuganov đã tổ chức họp báo giới thiệu kế hoạch hoạt động nhân dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN