Thảm hoạ “Hindenburg”
Vào thế kỉ thứ XIX, một kỹ sư, một nhà phát minh người Đức có tên là Zeppelin đã chế tạo ra khinh khí cầu khung cứng và đã được sử dụng vào việc chuyên chở hành khách cũng như trong quân sự.
So sánh với những loại khinh khí cầu khác, khi cầu khung cứng của Zeppelin thành công đến nỗi ngày nay khái niệm Zeppelin thường được dùng đồng nghĩa cho khí cầu khung cứng hay cho tất cả các loại khinh khí cầu nói chung. Còn nước Đức trở thành quốc gia hàng đầu thế giới trên lĩnh vực này. Song cũng chính quốc gia này đã gặp thảm kịch về khinh khí cầu dưới thời Đức quốc xã - Thảm họa "Hindenburg" (tên của Tổng thống nước Đức thời Hitler làm thủ tướng).
Khinh khí cầu Hindenburg cháy ngùn ngụt sau khi gặp tai nạn. |
Với một kích thước khổng lồ chứa tới 20.000m3 khí, "Hindenburg" đã nhiều lần vượt Đại Tây Dương nối nước Đức với Hoa Kỳ. Ngày 6/5/1937, hành trình của "Hindenburg" rất hanh thông khi nó đã bay đến bầu trời của Khu Mahattan, trung tâm của New York và đợi thời điểm thích hợp để hạ cánh và neo đậu tại bãi đáp Lakehurst vì lúc đó có một cơn giông ập đến.
Nhưng chính vào thời điểm đang hạ độ cao, ngay trước mắt đám đông ở dưới đất ra đón con tàu thì một khối lửa đã bùng phát từ dưới và rất nhanh chóng nó bị thiêu rụi vì chính khối khí nhẹ và dễ cháy chứa trong các khung thép bao bởi những vật liệu nhẹ.
Trong số 97 người có trong tàu gồm 36 hành khách và 61 người trong phi hành đoàn thì có 35 người thiệt mạng, ngoài ra còn có một người nữa chết khi con tàu lao xuống đất. Tấn khảm kịch như tiếng sét đánh tan biểu tượng một thời của Đức Quốc xã, dấy lên nhiều nghi vấn xung quanh vụ việc.
Tính đến trước khi thảm họa xảy ra, Hindenburg đã thực hiện thành công 17 chuyến đi vượt Đại Tây Dương, vận chuyển hơn 2.600 hành khách và đạt vận tốc 135km/h.
Điều đáng nói là với thảm hoạ này nước Đức không còn cơ hội trở lại những tuyến bay với những con tàu tương tự và thời đại của khinh khí cầu đã chấm dứt.
Đi tìm nguyên nhân
Ba ủy ban điều tra đã được thành lập nhằm xác định nguyên nhân thảm họa. Người ta đưa ra kết luận là một tia lửa đã làm cháy khí hydro nhưng lại không nói rõ nguồn gốc của tia lửa hay chỗ rò rỉ. Vào thời kỳ đó, cả chính quyền Đức cũng như Mỹ đều không muốn điều tra về một sự phá hoại vì sợ sẽ gây ra một rắc rối ngoại giao. Thế nhưng vài năm sau chính người Đức đã nêu ra giả thuyết đó, lập luận rằng phía Mỹ muốn làm hoen ố hình ảnh của chế độ quốc xã nhưng họ không thể đưa ra được bằng chứng nào.
Cho đến năm 1997, chuyên gia về khí hydrô Addison Bain và một nhóm nghiên cứu của cơ quan NASA lại quan tâm đến thảm kịch. Họ khẳng định rằng khí hydrô không phải là nguyên nhân. Trước tiên, ngọn lửa trùm lên khinh khí cầu có màu đỏ rực trong khi khí hydrô không tạo ra ngọn lửa nhìn thấy được. Kế đến, không có nhân chứng nào nói đến mùi tỏi cay nồng hòa vào với hydrô để giúp phát hiện khi có rò rỉ.
Các điều kiện thời tiết có thể giải thích cho tai nạn. Cơn bão đã khiến khí cầu không thể hạ cánh có chứa một điện tích lớn, và những tia sét ngang dọc trên bầu trời quanh khí cầu. Addison Bain cũng lấy được 2 mẫu vải bọc khí cầu, giống như thứ đã được dùng để chế tạo Hindenburg.
Những thực nghiệm cho thấy để chắc chắn hơn, vỏ của khinh khí cầu được gia cố bằng một hợp chất gốc nitrate có trong thành phần của thuốc súng. Bên trên lớp sơn dễ nổ đó lại có thêm một lớp bột nhôm thường dùng để đẩy tên lửa. Những phần khác của thân được kết nối bằng các khung gỗ phủ sơn dễ cháy.
Để xác minh cho giả thuyết của mình, Addison Bain cho các mẫu vật chịu những điều kiện thời tiết giống như ngày 6-5-1937. Các mẫu vật lập tức bốc cháy. Nhà nghiên cứu đã tạm đưa ra kết luận: "Triết lý của lịch sử là không nên sơn khinh khí cầu bằng nhiên liệu dùng cho tên lửa".
Đến năm 2013, kỹ sư hàng không Anh Jem Stansfield và các đồng nghiệp nghiên cứu lại thảm họa và nhận thấy rằng chiếc khinh khí cầu đã bị tích tĩnh điện khi đi qua cơn bão, đồng thời có lẽ 1 ống dẫn khí đã bị thủng, đó có thể là nguyên nhân rò rỉ trong những ống thông gió. Khi nhân viên dưới đất nắm lấy các dây neo, họ đã khiến khí cầu tiếp xúc với mặt đất và ngọn lửa đã bùng ra ở phía sau khí cầu, đốt cháy khí hydrô. Khám phá này đã dẹp tan mọi nghi ngờ về phá hoại hoặc do tính chất dễ cháy nổ của lớp sơn.
Ngành kinh doanh khinh khí cầu sau thảm họa này đã bị cắt giảm và tiếp đó chấm dứt hoàn toàn bởi chiến tranh. Ngày nay, các công ty chuyên về khinh khí cầu trên thế giới đã nghiên cứu và chế tạo ra những khinh khí cầu với nhiều tính năng rất hiện đại, an toàn, được sử dụng cho những người ưa mạo hiểm.