Khu di tích Tiểu khu Trọng Con ở xã Bằng Hành, cách trung tâm huyện lỵ Bắc Quang gần 30 km, có tuyến đường Quốc lộ 279 chạy từ huyện Bắc Quang (Hà Giang) qua xã Bằng Hành tới huyện Chiêm Hóa của tỉnh Tuyên Quang.
Từ khoảng năm 1939, phong trào đấu tranh chống đế quốc đã nhen nhóm ở nơi đây khi đồng chí Phạm Trung Ngũ, đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương từ huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, được phân công tới tổng Bằng Hành, nay thuộc huyện Bắc Quang (Hà Giang) để gây dựng cơ sở cách mạng thông qua việc dạy học. Chỉ trong một thời gian ngắn, đồng chí Phạm Trung Ngũ đã khơi dậy lòng yêu nước, ý thức cách mạng của đồng bào trong vùng, tố cáo ách thống trị của thực dân Pháp. Tuy nhiên, do bị thực dân Pháp phát hiện nên đồng chí Phạm Trung Ngũ đã phải rút khỏi Bằng Hành đến nơi khác hoạt động.
Thực hiện Chỉ thị của đồng chí Hồ Chí Minh, ngày 1/6/1945, đồng chí Lê Quảng Ba (tức Lê Tâm), đồng chí Bế Triều (tức Hải Nam) chỉ huy đội vũ trang tuyên truyền gồm 54 chiến sĩ xuất phát từ Cao Bằng về tổng Bằng Hành để tuyên truyền, xây dựng cơ sở cách mạng. Để đảm bảo bí mật và an toàn, các đồng chí trong Ban Chỉ huy chia nhỏ thành từng nhóm đi tuyên truyền, xây dựng cơ sở. Chỉ trong một thời gian ngắn, đội vũ trang tuyên truyền đã mở được nhiều lớp đào tạo ngắn ngày, thành lập các đội du kích, tự vệ, các đoàn thể cứu quốc và đặt tên vùng hoạt động là "Tiểu khu Trọng Con" (tên anh hùng Lý Tự Trọng) bao gồm các xã Bằng Hành, Liên Hiệp, Kim Ngọc, Vô Điếm, Hữu Sản.
Ông Mai Ngọc Hồi, năm nay 70 tuổi, người con của Bằng Hành cho biết, ông lớn lên được bố mẹ kể lại rằng, khi ấy nhân dân trong vùng được giác ngộ cách mạng, phong trào bài Pháp theo Việt Minh rất mạnh mẽ, từ Chánh tổng, Phó chánh tổng của tổng Bằng Hành đều theo Việt Minh.
Ngày 24/6/1945, đại biểu chính quyền cách mạng các xã trong Tiểu khu Trọng Con đã tổ chức mít tinh tại Thác Vệ, xã Bằng Hành, để thành lập chính quyền cách mạng và Mặt trận Việt Minh tổng hội. Tại đây, nhân dân đã được chứng kiến việc chính quyền cách mạng đốt bằng sắc, ấn triện, xóa bỏ chế độ áp bức bóc lột của đế quốc phong kiến, tổ chức cho nhân dân sản xuất, bảo vệ trật tự trị an, xây dựng đời sống mới. Từ đó, phong trào cách mạng ngày một phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng lan rộng trong toàn huyện Bắc Quang và các vùng lân cận. Tháng 8/1945, phong trào cách mạng của đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang đã lớn mạnh, cùng cả nước nổi dậy cướp chính quyền giành độc lập.
Dẫn chúng tôi đến mỏm đá Thác Vệ bên dòng sông Lô, nơi cách đây 74 năm đã diễn ra cuộc họp đầu tiên của đội vũ trang tuyên truyền, căn cứ cách mạng đầu tiên ở Tiểu khu Trọng Con, cũng chính là nền nhà cũ của cụ bà Nguyễn Thị Xu, ông Nguyễn Văn Đảo (cháu nội của cụ Xu) chia sẻ: "Nghe bố mẹ tôi kể lại, khi đoàn công tác của đội vũ trang tuyên truyền ở nhà bà nội tôi là bà Nguyễn Thị Xu, gia đình đã thịt lợn, gà, nấu xôi để cho cán bộ cách mạng ăn, ngủ tại nhà. Năm 1964, bà nội tôi được Nhà nước tặng Bằng có công với nước vì đã hăng hái đấu tranh chống đế quốc, tích cực giúp đỡ và bảo vệ cách mạng. Chúng tôi rất tự hào là gia đình có công với cách mạng, với đất nước, luôn sống gương mẫu và giáo dục con cháu về truyền thống của gia đình mình".
Ông Mai Trọng Phúc, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Bằng Hành, huyện Bắc Quang (Hà Giang) cho biết: Tiểu khu Trọng Con hiện nay có 9 xã là Bằng Hành, Liên Hiệp, Hữu Sản, Đức Xuân, Kim Ngọc, Vô Điếm, Đồng Tâm, Đồng Tiến và Thượng Bình. Phát huy truyền thống cách mạng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ huyện Bắc Quang, 74 năm qua, Bằng Hành nói riêng, các xã trong Tiểu khu Trọng Con nói chung luôn đoàn kết thi đua lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn. Vài năm trước, từ xã có số hộ nghèo cao, chiếm hơn 12%, đến nay nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, huyện, nhân dân xã Bằng Hành đã đẩy mạnh chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa thị trường, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 9,2%, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.
74 năm đã trôi qua, mỏm đá Thác Vệ còn đó bên dòng sông Lô, khắc ghi đóng góp của các chiến sĩ cách mạng, nhân dân các dân tộc vùng tả ngạn sông Lô thuộc huyện Bắc Quang (Hà Giang) cho cách mạng, cùng cả nước nổi dậy cướp chính quyền giành độc lập.