Bước sang tuổi 73, ông Chựa vẫn rất nhanh nhẹn và minh mẫn. Bên chén trà xanh ngắt, ông Chựa xúc động kể cho chúng tôi nghe về kỷ niệm lần đầu được gặp Bác Hồ.
Vào chiều 7/5/1959, khi sắp tan học, thầy Nguyễn Khắc Hợi (Trường Tiểu học Chiềng Pằn) thông báo với chúng tôi rằng, ngày 8/5, tất cả các em dậy thật sớm (từ lúc tiếng gà gáy đầu tiên, tiếng Thái gọi là “Cay khắn thít”, tức vào khoảng 2 giờ sáng), rồi thầy dặn phải ăn mặc gọn gàng và tập trung tại trường để đi bộ đến bản Khóong, Mường Vạt, Châu Yên Châu (huyện Yên Châu ngày nay) để đón phái đoàn cấp cao, đặc biệt. Thầy giáo Hợi chỉ thông báo cho học sinh là rất quan trọng và không nói thêm gì nữa.
Khi đó, ai cũng hồi hộp, suốt đêm thao thức không ngủ được. Mọi người đi bộ 8 km đến Bản Khóong, tới nơi thì trời mới tờ mờ sáng, lúc đó nhân dân cũng đã đến rất đông. Khoảng 7 giờ sáng, mọi người thấy từ trong chiếc xe con một ông cụ bước ra, mặc quần nâu, áo nâu, tóc bạc, ngay lúc đó tiếng một cán bộ hô lên "Hồ Chủ tịch muôn năm" và tất cả nhân dân cũng đồng thanh hô vang "Hồ Chủ tịch muôn năm". Lúc bấy giờ chúng tôi mới biết Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với nhân dân các dân tộc Châu Yên Châu, ông Chựa xúc động kể.
Ông Chựa còn được được giao cầm khung ảnh Bác Hồ và được đứng hàng đầu, rất gần với Bác. Khi đó, ông Chựa rất phấn khởi, hồi hộp vì từ trước tới giờ chỉ nhìn thấy Bác Hồ qua hình ảnh, bây giờ được gặp trực tiếp, cảm xúc thật khó tả.
Lúc đó ông Chựa mới chỉ học lớp 3 và đến giờ ông vẫn nhớ như in lời Bác ân cần hỏi thăm sức khỏe cán bộ, chiến sỹ và nhân dân các dân tộc trong Châu Yên Châu. Bác nói, Đảng, Chính phủ và Bác rất khen ngợi đồng bào Châu Yên Châu trong kháng chiến đã tổ chức đánh Tây rất tốt, giúp bộ đội, cán bộ đánh Tây, giải phóng Điện Biên. Đặc biệt, đồng bào vùng cao sinh hoạt gian khổ, trong kháng chiến rất anh dũng, Đảng và Chính phủ tỏ lời khen. Từ ngày hòa bình lập lại, đồng bào, cán bộ, bộ đội đoàn kết, giúp đỡ nhau tăng gia sản xuất…
Với phong cách giản dị, lời nói so sánh dễ hiểu, tình cảm giữa lãnh tụ và nhân dân trở nên thật gần gũi, thân thiết hơn bao giờ hết khi nghe Bác hỏi thăm bằng tiếng dân tộc. Bác căn dặn, cán bộ, bộ đội và nhân dân các dân tộc Yên Châu: Đẩy mạnh sản xuất, làm thủy lợi, bảo vệ rừng, tích cực giúp đỡ đồng bào ở vùng rẻo cao, đặc biệt là phải đoàn kết, Bắc nhắc đi nhắc lại phải đoàn kết, có đoàn kết mới có sức mạnh. Bác giơ nắm tay lên và nhấn mạnh: “Cán bộ, bộ đội, nhân dân các dân tộc phải đoàn kết chặt chẽ như nắm tay thế này”, ông Chựa xúc động nhớ lại.
Sinh ra trong một gia đình nghèo, ông Lường Văn Chựa phải dừng việc học khi mới lên lớp 4. Năm 1965, ông nhập ngũ vào Trung đoàn 186, Quân khu Tây Bắc, sau đó ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Thời gian trong quân đội, ông tiếp tục học lên hết lớp 7/10. Cuối năm 1966, ông chuyển sang Trung đoàn Tên lửa 276, Quân chủng Phòng không - Không quân. Ông tham gia chiến dịch chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc tại thành phố cảng Hải Phòng, rồi tham gia chiến dịch ở các chiến trường Nghệ An, Quảng Bình, Vĩnh Linh.
Năm 1977, ông xuất ngũ trở về công tác tại địa phương. Thời gian công tác tại địa phương, ông trải qua nhiều vị trí công tác như: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Châu; Trưởng ban tổ chức Huyện ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Yên Châu, đến năm 2000 ông nghỉ hưu. Ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huy chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang…
Ông Chựa cho biết, trong suốt cuộc đời mình, từ ngày được gặp Bác, ông luôn luôn khắc ghi những lời Bác dạy, lấy đó làm kim chỉ nam cho mọi hành động của mình. “Tôi luôn làm theo những lời Bác Hồ căn dặn, lấy tư tưởng đoàn kết, tự chủ, khắc phục khó khăn trong mọi công việc để soi chiếu vào mình, để nói chuyện với nhân dân”, ông Chựa chia sẻ.