Động thái này diễn ra sau khi chính quyền bang California (Mỹ) tuần trước đề ra quy định bắt buộc tất cả các ô tô mới được bán ở bang này không phát thải kể từ năm 2035, sau đó sẽ là lần lượt các bang khác của Mỹ.
Trong tuyên bố chung, hai công ty trên dự kiến sẽ xây dựng nhà máy trên vào năm 2023 nhằm sản xuất hàng loạt pin EV tiên tiến từ cuối năm 2025. Sự hợp tác này được quyết định "dựa trên niềm tin của cả hai công ty rằng việc mở rộng sản xuất xe điện tại địa phương và đảm bảo cung ứng pin EV kịp thời sẽ giúp Honda và LGES có điều kiện tốt nhất để nhắm đến thị trường xe điện đang phát triển nhanh chóng ở khu vực Bắc Mỹ".
Hiện cả Honda và LGES đều chưa công bố địa điểm xây dựng nhà máy nói trên.
Tháng trước, hãng điện tử Panasonic (Nhật Bản), đồng thời là nhà sản xuất pin cho hãng sản xuất xe điện Tesla, cũng đã công bố khoản đầu tư 4 tỷ USD để xây dựng một nhà máy sản xuất pin EV mới tại Mỹ. Theo Giám đốc điều hành của Panasonic Kazuo Tadanobu, nhà máy này đóng vai trò "rất quan trọng" trong việc đáp ứng nhu cầu về pin EV.
Đầu năm nay, hãng Honda cho biết có kế hoạch đầu tư gần 40 tỷ USD vào công nghệ chế tạo xe điện trong thập niên tới hướng tới việc chuyển toàn bộ doanh thu từ các loại ô tô chạy bằng nhiên liệu sang xe điện. Theo đó hãng này muốn tung ra thị trường 30 mẫu xe EV vào năm 2030 với số lượng sản xuất hằng năm hơn 2 triệu xe điện và đặt mục tiêu đến năm 2040, các loại ô tô điện và các hoạt động bằng pin nhiên liệu (FCV) sẽ chiếm 100% tổng doanh thu của hãng.
Sự thành công của Tesla và sức ép ngày càng tăng của chính phủ trong việc loại bỏ ô tô có động cơ đốt đang thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô truyền thống đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang chạy điện.
Thống đốc bang Washington đã bày tỏ sự ủng hộ trước động thái của bang California, trong khi đó Liên minh châu Âu (EU) đang từng bước cấm bán ô tô chạy bằng nhiên liệu xăng hoặc dầu diesel, thậm chí cả xe hybrid (xe lai) vào năm 2035. Vào thời điểm đó, Trung Quốc muốn ít nhất một nửa số ô tô mới là xe chạy bằng điện, hoặc chạy bằng hydro.