Viện Kinh tế Đức (IW), có trụ sở tại Cologne, mới đây đã đưa ra một nghiên cứu cho rằng, những năm tháng tươi đẹp nhất đối với các nhà sản xuất xe hơi của nước này đã trôi qua và ngành ô tô tối quan trọng “sẽ thất bại trong vai trò là một động lực tăng trưởng” do hậu quả của đại dịch COVID-19.
Nghiên cứu nói trên được IW công bố hôm 8/9, khi các ông chủ doanh nghiệp xe hơi đang gặp gỡ giới chức chính phủ nhằm tìm giải pháp thoát khỏi tình trạng sụt giảm nghiêm trọng do cuộc khủng hoảng kinh tế gây ra bởi đại dịch và sự xuất hiện của xe điện như một giải pháp thay thế thân thiện với môi trường cho động cơ đốt trong.
Cú sốc sụt giảm nhu cầu do các biện pháp phong tỏa trên toàn thế giới, cộng thêm các vấn đề về cung vượt cầu và thay đổi công nghệ trong ngành công nghiệp xe hơi vốn đã tồn tại từ trước đại dịch, đã khiến dự trữ tiền mặt của các nhà sản xuất xe hơi cạn kiệt với tốc độ chóng mặt.
Những khó khăn chồng chéo này đặc biệt gây hại cho nước Đức, nơi gần 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đến từ các nhà sản xuất xe hơi và các nhà cung cấp của họ. Hơn 930.000 người làm việc trực tiếp hoặc gián tiếp trong lĩnh vực sản xuất xe hơi, trong khi 40% tổng chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) của Đức là do ngành này thực hiện.
Sức ép với ngành xe hơi Đức
Những sự kiện được gọi là “hội nghị thượng đỉnh xe hơi” đã trở thành thông lệ trên chính trường Đức do áp lực đối với ngành công nghiệp chủ chốt này đã gia tăng trong vài năm qua. Tương tự như vậy, những lời kêu gọi nhà nước hỗ trợ thông qua các chương trình như đổi tiền mặt lấy xe cũ, trợ cấp xe điện, hay ưu đãi thuế cho nghiên cứu và đổi mới, ngày càng mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, các quan chức chính phủ đang ngày càng nhận ra rằng những khoản trợ cấp chung cho toàn ngành công nghiệp nói chung không còn đem lại hiệu quả nữa, bởi những tai ương đang bủa vây ngành ô tô Đức đã trở nên quá đa chiều và phức tạp.
Trong khi những gã khổng lồ như Volkswagen (VW) và Daimler đang hứng chịu nhiều thiệt hại do cầu giảm và chi phí chuyển đổi công nghệ, thì các công ty nhỏ hơn trong chuỗi cung ứng phải vật lộn để tồn tại.
Trong trường hợp của VW thì một số vấn đề thậm chí đến từ nội tại. Mẫu xe Golf từng được xem là con gà đẻ trứng vàng của VW - dẫn đầu bảng xếp hạng doanh số bán hàng của châu Âu trong hơn 45 năm, nhưng đến phiên bản Golf 8 mới nhất thì bị mẫu Clio của Renault vượt qua để trở thành mẫu xe bán chạy nhất châu lục trong hai tháng mùa hè này.
Điều này cho thấy các nhà sản xuất ô tô truyền thống của Đức đang chịu áp lực rất lớn để kiếm được lợi nhuận từ những đổi mới công nghệ mà các đối thủ như Tesla và BYD của Trung Quốc đã làm chủ từ lâu.
Nhà cung cấp - liên kết yếu nhất
Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc khủng hoảng hiện nay là các nhà cung cấp phụ tùng xe hơi. Halberg Guss, hãng sản xuất khối động cơ nổi tiếng tại Đức, đã trở thành nạn nhân mới nhất do sự chuyển đổisang động cơ chạy điện của các hãng xe hơi trên thế giới.
Do xe điện không còn cần đến khối động cơ gang nữa nên Halberg Guss đã phải đóng cửa nhà máy ở Saarbrücken trong năm nay. Và ở Đức nay chỉ còn lại Eisenwerk Brühl và Fritz Winter là hai công ty sản xuất phụ tùng ô tô duy nhất.
Các nhà cung cấp khác cũng đang dần bị ảnh hưởng bởi làn gió thay đổi này. Công ty dẫn đầu thị trường Bosch đã tuyên bố sẽ cắt giảm hàng nghìn việc làm, trong khi nhà sản xuất linh kiện lớn thứ hai của Đức là Continental muốn tiết kiệm 1 tỷ euro mỗi năm bằng cách giảm 13.000 nhân viên kể từ năm 2023.Tại ZF Friedrichshafen, công ty cung cấp phụ tùng xe hơi lớn thứ 3 nước Đức, khoảng 15.000 lao động có nguy cơ mất việc làm.
Theo công ty tư vấn Strategy &, nhu cầu ô tô sụt giảm hiện nay càng làm gia tăng áp lực cắt giảm chi phí giữa các nhà cung cấp. Đồng thời, trong một phân tích gần đây họ chỉ ra rằng, cần đầu tư nhiều hơn vào đổi mới để tung ra "sớm hơn các phương tiện thay thế thế hệ tiếp theo có sức cạnh tranh trên thị trường".
Vì vậy, các nhà sản xuất ô tô cũng như các nhà cung cấp của họ đang đề nghị chính phủ tăng viện trợ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, bởi họ biết rõ rằng các khoản trợ cấp bao trùm để thúc đẩy doanh số bán hàng sẽ khó đạt được.
Các chính trị gia Đức tỏ ra để tâm đến những lời kêu gọi đó, và ngay cả đồng lãnh đạo của Đảng Xanh Annalena Baerbock, người muốn chứng kiến sự suy tàn của động cơ đốt càng sớm càng tốt, cũng nói rằng loại động cơ này sẽ còn tiếp tục đóng "một vai trò quan trọng trong những năm tới". "Chúng ta cần cho các công ty vừa và nhỏ [SME], cũng như các nhà cung cấp thêm thời gian", bà nói với tờ FAS, đồng thời nói thêm rằng không chính trị gia nào có thể bỏ qua 800.000 việc làm đang bị đe dọa.
Vấn đề thời gian
Trong khi đó, chính phủ Đức không giấu tham vọng sẽ đưa xe điện trở thành lựa chọn xe hơi của tương lai. Nhưng một cuộc đột phá công nghệ cần nhiều thời gian.
Theo ước tính của hãng Strategy&, thị trường cho xe điện có thể tăng gấp 7 lần trong những năm tới, từ 12 tỷ euro hiện tại lên 84 tỷ euro vào năm 2030. Tuy nhiên, cho đến lúc đó, các nhà sản xuất xe hơi vẫn sẽ phải dùng động cơ đốt trong để kiếm đủ tiền phục vụ cho việc chuyển sang các loại động cơ thay thế khác.
Công đoàn sản xuất đồ kim loại của Đức IG Metal đã tuyên bố sẽ chống lại bất kỳ nỗ lực nào nhằm “lạm dụng cuộc khủng hoảng COVID để tàn phá ngành công nghiệp xe hơi”.
Trước hội nghị thượng đỉnh về xe hơi hôm 8/9, Chủ tịch Công đoàn- ông Jörg Hofmann cũng đã đe dọa CEO của các công ty rằng IG Metal sẽ tạo ra “sự hỗn loạn” nếu họ tìm cách đưa ra “các chiến lược phá hoại công ty” như đóng cửa nhà máy và di dời ra nước ngoài. Ông đang vận động một “quỹ chuyển đổi” do chính phủ hậu thuẫn để giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn.
“Nếu nhà nước chấp nhận một phần rủi ro, các công ty vừa và nhỏ có thể có đủ sức để đầu tư và đổi mới”, ông Hofmann nói trong một tuyên bố.
Hơn nữa, Chính phủ có thể làm nhiều hơn để tạo điều kiện cho những người lao động đang bên bờ vực thất nghiệp, và cho họ một cơ hội mới trong thời đại công nghệ thay đổi.
Sự chuyển đổi trong ngành công nghiệp xe hơi của Đức đang diễn ra chậm chạp và tiến độ bị cản trở do nhu cầu sụt giảm nghiêm trọng. Chỉ tính riêng trong tháng 8, doanh số bán xe hơi ở châu Âu đã giảm 20% do đại dịch, khiến Viện Kinh tế Đức ở Cologne đã phải giảm bớt kỳ vọng về một sự thay đổi nhanh chóng.
“Ngành công nghiệp đang đối mặt với một cú sốc nhu cầu lớn mà sau đó nó sẽ chỉ phục hồi rất chậm”, báo cáo của Viện này kết luận.