Chi phí duy trì xe ô tô cũng ngốn của gia đình một khoản nhất định hàng tháng. Ảnh: TTXVN |
Tuy nhiên, dù cho kinh tế có được cải thiện nhưng mức giá của xe ô tô vẫn cao hơn nhiều so với mức sống của người dân hiện nay. Đó là chưa kể đến, mua xe là một chuyện, chi phí sử dụng xe lại là một chuyện khác. Những chi phí xăng dầu đi lại, bãi giữ xe, phí bảo trì bảo dưỡng, bảo hiểm, chi phí khấu hao, phí đăng kiểm...buộc bạn phải chi một số tiền không nhỏ để duy trì xe.
Cụ thể, chi phí để sử dụng một chiếc xe được chia thành hai loại đó là chi phí cố định và chi phí lưu động. Trong đó, chi phí cố định bao gồm những loại phí như phí trước bạ, đăng kiểm, biển số, bảo trì, bảo hiểm. Chúng ta có thể trả ngay những chi phí này khi vừa mua xe hoặc chia ra trả hằng năm.
Loại chi phí còn lại đó chính là chi phí lưu động, nhưng thật khó để có một con số chính xác chúng ta phải chi trả vì loại xe sử dụng là khác nhau, mức độ sử dụng cũng khác nhau. Theo đó, mỗi tháng bạn phải chi bao gồm xăng dầu, rửa xe, gửi xe, phí giữ xe, bảo dưỡng và các chi phí phát sinh khác.
Hiện nay, những dòng xe có giá bình dân nhất cũng phải tốn từ 300 đến 350 triệu đồng. Chưa kể, khi sử dụng xe mỗi tháng sẽ phải chi một số khoản như: 1,6 triệu đồng tiền xăng (mỗi tuần 400 nghìn đồng) + tiền giữ xe 800.000/tháng + tiền bảo hiểm dự kiến 1 triệu đồng/tháng + các chi phí phát sinh thêm như tiền rửa xe, sửa xe, thay phụ tùng xe, tiền phí cầu đường... dự tính 1 triệu đồng/tháng.
Như vậy, tổng chi phí cố định và lưu động phát sinh một tháng cho loại xe ô tô bình dân là 4,4 triệu đồng/tháng. Từ đó, ta có thể thấy mức thu nhập của bạn ít nhất cũng phải 10 triệu đồng/tháng thì mới đủ điều kiện chi trả các khoản phí sử dụng cho một chiếc xe.
Hiện nay, người mua xe thường quên mất nhu cầu chi tiêu gia đình mà chỉ ước tính thu nhập của mình theo mặt bằng chung. Họ còn khai khống số tiền thu nhập hàng tháng lên nhiều lần để có thể vay được số tiền nhiều hơn từ ngân hàng. Điều này đồng nghĩa với việc sau khi mua xe, bạn phải gánh một gánh nặng tài chính không nhỏ.
Một vấn đề nữa mà bạn cần quan tâm đó là không tính đến việc thu nhập của bạn cao hay thấp, tất nhiên phải có thu nhập cao thì mới mua ô tô, nhưng bạn cũng phải xác định xem mình có nhu cầu thật sự cần mua ô tô hay không. Đường sá chật hẹp, đông đúc, đi lại không dễ dàng ... cũng là những vấn đề bạn cần suy xét, cân nhắc nếu như bạn không buộc phải sử dụng xe thường xuyên. Nếu như nhu cầu đi lại ít, những chặng đường bạn hay đi ngắn và hay bị kẹt xe, đông đúc thì xe máy vẫn là sự lựa chọn tốt hơn vì chi phí mua và chi phí sử dụng rẻ.
Còn trong trường hợp, bạn cần sử dụng xe ô tô và thanh toán bằng phương thức trả góp thì ít nhất chi phí sử dụng xe hàng tháng chỉ nên chiếm từ 25-30% tổng thu nhập hàng tháng. Điều đó có nghĩa là thu nhập hàng tháng của bạn cũng nên ở mức tối thiểu là 20 triệu đồng/tháng. Bạn phải thật sáng suốt để quyết định xem mình có nên mua xe hay không vì điều mà bạn thực sự cần và điều mà bạn mong muốn, yêu thích có thể không trùng khớp với nhau.
Như chúng ta đã thấy, việc sở hữu một chiếc ô tô đang ngày càng trở nên được phổ biến trên phạm vi rộng hơn vì những lợi ích không thể phủ nhận mà nó mang lại. Tuy nhiên, bạn nên xét đến mức thu nhập cũng như những khoản phí phát sinh mà bạn phải chi trả trong quá trình sử dụng xe.
Bên cạnh đó, một khía cạnh khác quan trọng không kém ngoài khả năng thanh toán đó là nhu cầu sử dụng thật sự của chúng ta, nếu bạn phải di chuyển nhiều, thường xuyên với cự ly dài thì việc mua một chiếc ô tô là điều hợp lý. Còn ngược lại nếu chỉ dừng lại ở mức những quãng đường ngắn, nhu cầu đi lại ít thì bạn nên cân nhắc tới những phương tiện khác phù hợp hơn. Do vậy, bạn cần phải suy nghĩ và đắn đo kỹ lưỡng trước khi quyết định đến việc có nên sở hữu cho mình một chiếc ô tô hay không.