Theo nghiên cứu do quỹ Mozilla Foundation có trụ sở tại California (Mỹ) công bố ngày 7/9, mỗi thương hiệu trong số 25 thương hiệu ô tô được đưa vào nghiên cứu, trong đó có Ford, Toyota, Volkswagen, BMW và Tesla, đều thu thập nhiều dữ liệu cá nhân hơn mức cần thiết.
Mozilla Foundation cho rằng trong khi người tiêu dùng cảnh giác về việc thu thập dữ liệu bằng các ứng dụng và thiết bị kỹ thuật số, thì các thương hiệu ô tô đã âm thầm bước vào lĩnh vực kinh doanh dữ liệu bằng cách biến phương tiện của họ thành "những cỗ máy thu thập dữ liệu mạnh mẽ".
Theo kết quả nghiên cứu, 84% trong số 25 thương hiệu ô tô tham gia khảo sát cho biết họ có thể chia sẻ dữ liệu cá nhân của người dùng với các nhà cung cấp dịch vụ, nhà môi giới dữ liệu và các doanh nghiệp khác, và 76% cho biết họ có thể bán dữ liệu cá nhân.
Ngoài ra, 56% các nhà sản xuất ô tô được khảo sát cho biết họ có thể chia sẻ thông tin với chính phủ hoặc cơ quan thực thi pháp luật theo yêu cầu, ngay cả khi không có lệnh của tòa án.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ô tô có thể thu thập nhiều thông tin hơn về người dùng từ các chức năng của bên thứ ba, như đài vệ tinh Sirius XM hoặc Google Maps. Thông tin mà ô tô thu thập có thể bao gồm danh tính, địa chỉ, số điện thoại và địa chỉ email của người dùng đến dữ liệu riêng tư hơn như ảnh, thông tin lịch trình và thậm chí cả chi tiết về chủng tộc, thông tin di truyền và tình trạng nhập cư của người lái xe.
Trong khi đó, theo nghiên cứu, chủ xe có rất ít hoặc không có quyền kiểm soát dữ liệu cá nhân mà phương tiện của họ thu thập. Chỉ có 2 trong số 25 thương hiệu ô tô cho biết tất cả các tài xế đều có quyền xóa dữ liệu cá nhân của họ, nhưng hai thương hiệu ô tô này chỉ có ở châu Âu - nơi áp dụng luật riêng tư theo Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR).