Cụ thể, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) vừa công bố doanh số bán hàng toàn thị trường của VAMA tháng 4/2024 đạt 24.350 xe, giảm 11% so với tháng trước. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp doanh số bán hàng của các thành viên VAMA thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023. Tương ứng với kết quả tổng thể này, doanh số xe lắp ráp trong nước trong tháng 4/2024 đạt 11.983 xe, giảm 17%; xe nhập khẩu nguyên chiếc là 12.367 xe, giảm 3% so với tháng trước.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, doanh số bán hàng toàn thị trường của các đơn vị thành viên VAMA đạt 82.515 xe, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xe du lịch giảm 14%, xe thương mại giảm 3% và xe chuyên dụng giảm 28%.
Bên cạnh doanh số bán hàng trên, thị trường ô tô Việt Nam còn có sự góp mặt của nhiều hãng xe khác như Audi, Jaguar Land Rover, Mercedes-Benz, Nissan, Subaru, Volkswagen, Volvo, Haval... nhưng các hãng xe này không tiết lộ kết quả kinh doanh.
Cùng với đó, với lý do đáp ứng yêu cầu của thị trường chứng khoán Mỹ, kể từ tháng 8/2023 VinFast chỉ công bố doanh số theo từng quý trong năm nên không công bố số liệu bán hàng hàng tháng như trước đây.
Chỉ tính thêm doanh số bán hàng công bố chính thức từ Tập đoàn Thành Công (TC Group) với thương hiệu xe Hyundai, trong tháng 4 vừa qua đơn vị này tiêu thụ 4.276 xe Hyundai các loại, nâng tổng doanh số xe tiêu thụ trong 4 tháng đầu năm lên 14.420 xe.
Như vậy, tính chung doanh số công bố chính thức từ VAMA và TC Group trong tháng 4 vừa qua, toàn thị trường ô tô Việt Nam tiêu thụ 28.626 xe. Qua đó, nâng tổng số xe tiêu thụ trong 4 tháng đầu năm lên 96.935 xe các loại.
Dẫn đầu doanh số tiêu thụ ô tô tại thị trường Việt Nam trong tháng qua thuộc về thương hiệu Toyota khi tiêu thụ được 4.483 xe, Hyundai (4.276 xe), Ford (3.053 xe), Kia (2.5 xe), Mitsubishi (2.508 xe), Mazda (2.150 xe), Honda (1.802 xe)…
Đánh giá về việc doanh số bán xe trong tháng 4 vừa qua giảm sút, các chuyên gia trong ngành nhận định, bên cạnh nền kinh tế khó khăn thì trước thông tin có Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 21/4/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; trong đó giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất giảm lệ phí trước bạ đối ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước khiến người tiêu dùng chờ đợi.
Dự kiến (nếu được thông qua) chính sách này sẽ áp dụng từ ngày 1/7 đến hết năm 2024, đây sẽ là một cú hích lớn dành cho các mẫu xe sản xuất, lắp ráp trong nước thúc đẩy doanh số, và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, trước thông tin về đợt ưu đãi lệ phí trước bạ mới cho xe lắp ráp trong nước lần thứ 4 này đã tác động không nhỏ đến hoạt động mua bán ô tô mới do không ít khách hàng trì hoãn việc mua xe để chờ hưởng lợi từ chính sách mới này. Nhiều đại lý ô tô cũng cho biết, hàng loạt khách hàng đến xem xe, nhưng tỏ ra tâm lý chờ đợi để hưởng ưu đãi “kép” từ chính sách giảm lệ phí trước bạ của Chính phủ và ưu đãi của doanh nghiệp.
Thế nhưng, như thường lệ, khi chính sách giảm lệ phí trước bạ có hiệu lực, các hãng xe, các đại lý sẽ cắt giảm bớt các khoản giảm giá, ưu đãi vì khi đó cầu từ thị trường có thể vượt cung của nhà sản xuất.
Ngoài ra, trước thông tin Triển lãm ô tô Việt Nam (VMS) sẽ trở lại vào tháng 10 năm nay sau một năm vắng bóng có sự góp mặt của nhiều thương hiệu mới. Đây là dịp để các hãng xe ra tung ra sản phẩm mới, người tiêu dùng cũng đang kỳ vọng mua được mẫu xe mới nhất sau kỳ triển lãm này, qua đó kỳ vọng sẽ vực dậy doanh số toàn thị trường ô tô những tháng cuối năm.