Xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu cụ thể, đến năm 2030, tổng giá trị sản xuất đạt 5,6 tỷ USD, tương ứng GRDP đạt 1,6 tỷ USD; đóng góp vào ngân sách nhà nước trên 10% giá trị xuất khẩu.
Mục tiêu đến 2050, xây dựng và phát triển Khu kinh tế Vân Đồn trở thành một trong những vùng động lực phát triển kinh tế của Việt Nam, nằm trong nhóm dẫn đầu về thành phố đáng sống của khu vực châu Á – Thái Bình Dương; là trung tâm kinh tế năng động, tập trung vào du lịch, sản xuất sản phẩm cao cấp và dịch vụ; phấn đấu là thành phố hiện đại, thông minh, một nơi hấp dẫn để mọi người đến sinh sống, làm việc và vui chơi hòa hợp với thiên nhiên.
Về định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, đối với du lịch, khai thác có hiệu quả tiềm năng về di sản thiên nhiên thế giới trong khu vực, di sản văn hóa truyền thống; tạo lập môi trường du lịch thân thiện, hấp dẫn kết hợp với xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng du lịch đồng bộ để phát triển ngành Du lịch. Phấn đấu đến năm 2030 thu hút khoảng 2,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó có trên 170 nghìn người nước ngoài đến Vân Đồn.
Về dịch vụ hiện đại, Vân Đồn tập trung phát triển và kinh doanh cảng hàng không, vận tải hàng không, đẩy mạnh phát triển ngành logistics để đưa Vân Đồn trở thành một trung tâm cung cấp dịch vụ hậu cần đẳng cấp thế giới, trở thành cửa ngõ chung chuyển hàng hoá vào khu vực Đông Nam Á. Phấn đấu đến năm 2030 đưa Vân Đồn trở thành Trung tâm tài chính phát triển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo Quy hoạch, tổ chức không gian phát triển và phân vùng phát triển đô thị theo hướng linh hoạt, phù hợp với điều kiện phát triển trong từng giai đoạn; phát triển không gian đô thị theo hướng đô thị hiện đại tầm cỡ quốc tế. Không gian đô thị Quần đảo Vân Hải gồm: Công viên; du lịch nông nghiệp; các khu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng và hòn đảo du lịch trong tương lai.
Không gian đô thị trung tâm gồm: Trung tâm hành chính - đô thị trung tâm Cái Rồng; khu công nghiệp sáng tạo; khu công nghệ sinh học; khu dịch vụ sáng tạo; khu sản xuất tiên tiến và hậu cần; khu chế tạo; khu sân bay; khu thương mại tự do; khu thung lũng công nghệ; trung tâm tài chính; khu tái định cư; trung tâm triển lãm văn hoá; khu du lịch và dịch vụ vui chơi giải trí; cảng biển du lịch và cảng cá, hồ cảnh quan...
Bổ sung hai dây chuyền sản xuất xi măng vào quy hoạch
Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung hai dây chuyền sản xuất xi măng bền sunfat của Nhà máy xi măng Thành Thắng, tỉnh Hà Nam vào quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030.
Mỗi dây chuyền có công suất là 2,3 triệu tấn xi măng/ năm kết hợp xử lý rác thải bảo vệ môi trường và tạo ra các sản phẩm xi măng chất lượng cao, xi măng chịu mặn bền sunfat phục vụ xây dựng các công trình ven biển và hải đảo vào quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030, thời gian đưa vào vận hành dây chuyền số 4 sau năm 2021 và dây chuyền số 5 sau năm 2025.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng tích hợp nội dung bổ sung hai dây chuyền trên vào quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 59 Luật quy hoạch.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Hà Nam giám sát triển khai thực hiện Dự án đầu tư 2 dây chuyền trên theo đúng quy định về đầu tư, xây dựng, môi trường, sản phẩm và các quy định có liên quan.
*Xây dựng Vĩnh Long phát triển toàn diện nông, công nghiệp và dịch vụ hiện đại
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số1824/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Mục tiêu nhằm tập trung phát triển kinh tế, rút ngắn khoảng cách và trình độ phát triển chung của cả nước; xây dựng Vĩnh Long phát triển toàn diện nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ hiện đại, có ngành dịch vụ du lịch phát triển mạnh, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước đồng bộ, kết nối tốt với vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Vĩnh Long phấn đấu tổng sản phẩm địa phương (GRDP) đến năm 2020 chiếm tỷ trọng khoảng 6% -7% của vùng đồng bằng sông Cửu Long và chiếm khoảng 1% - 2% của cả nước; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 khoảng 1.950 USD.
Về phương hướng phát triển các ngành và lĩnh vực, Vĩnh Long sẽ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước; phát triển các sản phẩm lúa chất lượng cao; chuyển từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang quy mô lớn; tiếp tục khai thác hiệu quả những lợi thế hiện có của ngành thủy sản, khôi phục, đưa ngành thủy sản thành thế mạnh.
Về công nghiệp, xây dựng khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tăng trưởng nhanh ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, bảo vệ môi trường. Các ngành công nghiệp chính: Phát triển và mở rộng công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm và đồ uống; sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp dệt may, da giày; công nghiệp hóa chất, dược phẩm và thiết bị y tế...
Về thương mại, dịch vụ, tỉnh Vĩnh Long phát triển các ngành dịch vụ, thương mại văn minh, hiện đại với sự tham gia của các thành phần kinh tế; phát huy vai trò của thương mại trong định hướng, thúc đẩy sản xuất phát triển, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng đa dạng phong phú của người dân; tăng cường xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng cao; phát triển du lịch sinh thái, đa dạng sản phẩm, loại hình...