Chủ tịch Grega nêu rõ các hành động đơn phương gây căng thẳng ở Biển Đông thời gian gần đây có thể kể đến vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa, đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam và EEZ của Malaysia, tuyên bố thành lập “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa"...
Ông nhấn mạnh, những hành động đơn phương này đi ngược lại các nguyên tắc nền tảng hướng dẫn giải quyết các vấn đề trên biển, cũng như đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký kết năm 2002 giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc. Bên cạnh đó, những vụ việc này còn khiến tình hình Biển Đông trở nên phức tạp, làm tổn hại tới tiến trình đàm phán giữa Trung Quốc và các nước ASEAN nhằm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có tính ràng buộc về mặt pháp lý.
Trước các hành động đơn phương của Trung Quốc, Hội Hữu nghị Bỉ-Việt Nam nhấn mạnh các ngư dân Việt Nam cần được hành nghề an toàn trong phạm vi vùng biển của nước này. Việt Nam mong muốn giải quyết những căng thẳng tại Biển Đông trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).