Trong tuần đầu tháng 11 vừa qua, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trên vùng biển Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9 nên tất cả các loại tàu thuyền không được phép ra khơi. Trước tình hình biển động mạnh, một số đại lý bán lương thực, xăng dầu tự ý tăng giá, nhiều hộ dân sợ thiếu nên tập trung mua gạo dự trữ dẫn đến tình trạng khan hiếm giả tạo.
Trước tình hình trên, có thông tin cho rằng các mặt hàng thiết yếu trên huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) phục vụ đời sống nhân dân như gạo, xăng, dầu đã cạn kiệt dẫn đến tình trạng thiếu, đói là chưa chính xác.
Sáng 8/11, tại cuộc họp giao ban định kỳ tháng 10 của UBND tỉnh, ông Nguyễn Xuân Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định: Đến ngày 6/10, kho dự trữ của huyện đảo Lý Sơn vẫn còn 60 tấn gạo, huyện vẫn chưa xuất gạo dự trữ để hỗ trợ cho 2 xã An Hải và An Vĩnh, mới xuất gạo hỗ trợ cho trên 100 hộ ở xã An Bình (đảo Bé) mỗi hộ từ 5 - 10 kg gạo; lượng xăng, dầu dự trữ vẫn còn 61.000 lít; ngoài ra các mặt hàng thực phẩm khác trong dân vẫn còn nhiều. Vì trước khi áp thấp, các đại lý tư nhân mới nhập từ đất liền gần 100 tấn gạo và nhiều mặt hàng thiết yếu khác. Ông Huỳnh Tấn Lợi, Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ngãi cho biết thêm: Trước mùa bão lụt, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi đã kiểm tra lượng hàng dự trữ bắt buộc như gạo và các loại thực phẩm khác tại huyện đảo Lý Sơn đảm bảo cung cấp cho nhân dân trên huyện đủ sử dụng 30 ngày nếu sóng to, gió lớn xảy ra liên tục.
Ngay sau khi áp thấp nhiệt đới giảm, trong ngày 7, 8/11, các đại lý gạo, xăng dầu, gas... ở huyện Lý Sơn đã huy động 6 tàu vận tải chở trên 200 tấn gạo và các mặt hàng thiết yếu khác ra cung cấp cho hơn 20.000 dân trên huyện đảo để ứng phó cho các đợt mưa, bão tiếp theo.
Nguyễn Đăng Lâm