Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng. |
Vừa qua, có thông tin “thủy ngân lơ lửng bay trong không khí ở Hà Nội” gây hoang mang trong dư luận, ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Trước hết, tôi phải khẳng định rằng, thông tin này là đã bị hiểu nhầm và sai lệch. Việc lan truyền tin này từ một cuộc trả lời phỏng vấn của tôi với phóng viên một tờ báo. Khi đó, chúng tôi trao đổi thông tin ô nhiễm bụi ở Hà Nội khi hồi đầu tháng 3/2016, Đại sứ quán Mỹ công bố chỉ số ô nhiễm không khí ở Hà Nội.
Khi bạn đó hỏi còn vấn đề gì mới về ô nhiễm không khí ở Hà Nội không thì tôi nói vấn đề thủy ngân là vấn đề mới, của toàn cầu và Việt Nam mình đang tham gia. Vừa qua có một điểm quan trắc của Tổng cục Môi trường có thủy ngân từ mưa a-xit, đến nay mới có kết quả bước đầu tại một điểm nên vấn đề này cần nghiên cứu tiếp. Vấn đề thủy ngân là vấn đề mới, toàn cầu.
Tuy nhiên, khi nhận được thông tin này, bạn phóng viên đó đã về viết bài, giật tít: “Thủy ngân lơ lửng bay trong không khí ở Hà Nội” gây hoang mang trong dư luận. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, thủy ngân đã có trong không khí ở Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước. Hiện tại các nhà khoa học đang theo dõi nguồn thủy ngân đó từ đâu, ảnh hưởng như thế nào và Việt Nam cũng đang trong quá trình nghiên cứu đó. Tuy nhiên, báo lại đưa thông tin như vậy làm ảnh hưởng ghê gớm đến đời sống tinh thần của người dân. Ngay sau thông tin như vậy, chúng tôi đã trao đổi và báo này đã phải đăng thông tin cải chính.
Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Ảnh: Đậu Tất Thành – TTXVN. |
Vậy Tổng cục Môi trường tiến hành phân tích, hàm lượng trên như thế nào và đã có kết quả chưa, thưa ông?
Thủy ngân được hình thành từ nhiều nguồn, đó là từ hoạt động của núi lửa hay việc đốt than đá tại các nhà máy nhiệt điện. Việc đốt rác cũng tạo ra thủy ngân và chất này có thể lan truyền từ quốc gia này sang quốc gia khác. Thủy ngân bay rất xa, đến nửa vòng Trái đất.
Hiện tại, chúng tôi mới có một điểm quan trắc đặt tại trạm ở đường Nguyễn Văn Cừ. Qua quá trình phân tích, chúng tôi vẫn chưa thấy điều gì bất thường và người dân không nên lo lắng. Trên thế giới, thủy ngân cũng đã thấy có trong cá, nhưng đánh giá nguy hại hay không thì phải xem xét mức độ. Tương tự như vậy, trong không khí chúng ta cũng cần theo dõi, quan trắc một quá trình xem mức độ lên hay xuống. Lên thì phải tìm nguyên nhân tại sao. Từ trước đến nay, việc lấy mẫu phân tích thủy ngân chưa thực hiện được, nhưng đến nay chúng ta có thể theo dõi được nhờ tiếp cận thiết bị mới trong chương trình hợp tác quốc tế. Điều đó cũng có nghĩa rằng, khả năng quan trắc, theo dõi chất lượng không khí của Việt Nam đang được cải thiện.
Vậy ô nhiễm bụi trong không khí tại Hà Nội đang ở mức nào, thưa ông?
Theo số liệu của Trung tâm quan trắc môi trường (thuộc Tổng cục Môi trường), tính theo tuần từ 8/4 đến ngày 14/4, chỉ số AQI ở Hà Nội ở mức 54-140. Đây là chỉ số đánh giá theo trung bình giờ. Chỉ số này cao vào giờ cao điểm. Chúng tôi đưa ra cảnh báo để mọi người dân cần có ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường.
Các đô thị nói chung, không riêng Hà Nội, ô nhiễm không khí xuất phát từ nguồn chính là ô tô, xe máy, công trình xây dựng... Cụ thể, Hà Nội hiện nay có khoảng 5 triệu xe máy và hơn 500.000 ôtô và con số này còn tăng lên từng ngày. Do vậy chúng ta phải tăng cường kiểm soát chất lượng, số lượng và nhiên liệu sử dụng phương tiện cá nhân nhằm giảm thải ô nhiễm ra môi trường.
Người dân nên tăng cường việc sử dụng phương tiện công cộng nhằm bảo vệ môi trường sống cũng như Hà Nội phải kiểm soát các công trình xây dựng, không để ảnh hưởng đến môi trường. Hạn chế việc đốt rơm rạ, đốt rác. Vấn đề ở đây không chỉ là việc của các cấp, các ngành mà phải là trách nhiệm của từng người dân.
Xin trân trọng cảm ơn ông!