Clip Bộ trưởng Lê Minh Hoan trao đổi về tình hình chăn nuôi:
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, thông tin hiện đang tồn đọng 8 triệu con lợn ở trong chuồng là không chính xác và mang lại hiệu ứng không tốt, khiến người nông dân lo ngại lợn trong chuồng nhiều quá và họ phải bán nhanh, bán đổ, bán tháo bằng mọi giá.
“Khi cùng một lúc nhiều người bán, thị trường sẽ bị đứt gẫy. Do dịch bệnh COVID-19, nhiều nhà hàng, khu du lịch không mở cửa, trong khi giá cả lại quyết định đơn thuần dựa vào cung và cầu. Bây giờ lại thêm yếu tố cảm xúc nữa thì sẽ dẫn đến hiệu ứng dây chuyền”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, thông tin truyền thông đưa tin nói dư thừa lợn thịt làm tác động đến nông dân bán ra thị trường bằng mọi giá sẽ gây ra áp lực cung - cầu. Bên cạnh đó, hệ thống siêu thị đã có những đơn hàng đặt trước 5-7 tháng, nên không đơn giản chỉ là vấn đề giảm giá.
Trước câu hỏi dự báo cung - cầu thịt lợn thế nào từ nay đến cuối năm và giải pháp kiểm soát giá... Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn báo chí cùng với ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tìm giải pháp. “Bộ trưởng không phải là người quyết định tất cả mọi câu chuyện thị trường”, ông Lê Minh Hoan nói. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ bám sát thị trường.
“Chúng tôi đang thống kê lại. Mấy triệu con lợn trong chuồng là rất lớn, nhưng cần phải phân loại theo độ tuổi thế nào, lứa xuất chuồng, xuất theo từng đợt, không phải một lúc là bán hết. Nếu đưa thông tin là hàng triệu con lợn trong chuồng chưa xuất bán sẽ khiến bà con nông dân choáng, từ đó tạo tâm lý giá nào cũng phải bán, bán non, gây hỗn loạn thị trường”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Mặc dù vậy, người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng thừa nhận, thời gian qua, ngành Nông nghiệp chưa làm tròn trách nhiệm, chưa dự báo thị trường, ngay cả trong điều kiện bình thường. Còn trong điều kiện bất thường như dịch bệnh COVID-19 lại càng khó dự báo đến bao giờ thì dịch chấm dứt.
“Đúng là ngành Nông nghiệp có trách nhiệm trong điều kiện bình thường, cũng chưa dự báo và điều tiết được, cần chấn chỉnh lại. Xưa nay, ngành Nông nghiệp xem sứ mệnh của mình là khuyến khích sản xuất, nên cứ sản xuất và chỉ theo dõi sản xuất xem địa phương có bao nhiêu lúa, cá, tôm… nhưng đó không phải là kinh tế. Khi nào sản phẩm đó ra thị trường thì mới là kinh tế. Còn hiện nay mới là nông sản thô, sản xuất thô đang”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.