LTS: Vừa qua, đã có một số bài báo đề cập tới việc liệu Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam năm 2011, Triệu Thị Hà (là người dân tộc Nùng) có nhầm lẫn khi hát điệu "Nàng ới" trong phần thi ứng xử của đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam? Để làm rõ vấn đề này, báo Tin Tức xin giới thiệu bài viết của ông Chu Tuấn Thanh - Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền (Ủy ban Dân tộc Chính phủ), một người con của dân tộc Tày, cũng là người rất am hiểu về âm nhạc, dân ca của dân tộc Tày, Nùng.
Triệu Thị Hà hát điệu “Nàng ới” trong phần thi ứng xử. Ảnh: dũng phạm |
Cách đây gần 60 năm, tôi sinh ra và lớn lên ở một làng, xã thuộc huyện Tràng Định - Lạng Sơn, tiếp giáp với huyện Thạch An, Cao Bằng. Làng và xã tôi chỉ có hai dân tộc sinh sống, gắn bó với nhau rất lâu đời. Từ thuở còn nằm nôi, tôi đã được nghe cả bố và mẹ hát nhiều làn điệu dân ca Tày, Nùng. Cùng với những lời hát ru con ngủ, khi đến tuổi thiếu niên, thanh niên, tôi đã hát khá thành thạo, hiểu biết và trở thành có tên tuổi về hát quan Làng, hát Then, phong Si, hát Lượn, Nàng ới cả hát Slư lan tỏa cả vùng đó. Sau này, tôi đi học âm nhạc Trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Việt Bắc. Ra trường, kết hợp giữa thực tế và lý thuyết, tôi cũng hiểu một cách sâu sắc hơn về dân ca dân tộc Tày, Nùng ở vùng quê hương mình nói riêng và vùng Việt Bắc nói chung.
Nói về hát Lượn, đây là những bài hát gắn với sinh hoạt và lao động của đồng bào dân tộc Tày. Riêng "Nàng ới", là một loại Lượn phổ biến ở vùng Bảo Lạc, Hà Quảng và một số huyện khác của tỉnh Cao Bằng. Loại Lượn này dùng thể thơ bảy chữ, tươi sáng khỏe mạnh. Điệu Lượn "Nàng ới" được phổ biến rất rộng rãi trong các dân tộc Tày, Nùng, Giáy; nhạc điệu giống nhau trên những nét cơ bản, thường chỉ khác nhau về trường độ, luyến láy và tên gọi tùy theo các làng bản địa phương và dân tộc đó mà thôi. Người Nùng hát làn điệu "Nàng ới" này theo ngôn ngữ thông thường, tức "Nàng ới" là "em ơi", cũng như "Làng ới" là "anh ơi"... cũng như phuối rọi, phuối pác là một loại dân ca trữ tình của dân tộc Tày, Nùng ở Lạng Sơn gọi là Lượn “Lượn Tói”.
Dân tộc Nùng là tên gọi chính thức của một dân tộc ở Việt Nam, sống tập trung ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang... Dân tộc Tày và Nùng tuy là hai thành phần dân tộc riêng biệt trong 54 dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, nhưng lại là hai dân tộc có mối quan hệ rất đặc thù. Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam trong mục từ giới thiệu dân tộc Nùng có viết rằng: “Những người Nùng lâu đời ở Việt Nam đã hòa vào người Tày. Người Nùng hiện nay mới di cư đến từ 200-300 năm nay...”. Tày, Nùng cùng hệ ngôn ngữ (Tày-Thái) và ngày nay cùng chung chữ viết (Tày-Nùng). Gia đình Triệu Thị Hà cho biết, bản thân Hoa hậu Triệu Thị Hà là người dân tộc Nùng nhưng cũng có cụ ngoại là người dân tộc Tày. |
Có một nhà văn, nhà báo nào đó chưa hiểu được nguồn gốc sâu xa về các thể loại âm nhạc dân ca dân tộc Tày, Nùng đã vội vàng đưa ra thông tin mang tính khẳng định và có thái độ không lành mạnh, gây ra dư luận, ảnh hưởng đến tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em sống chung một vùng giao thoa về văn hóa đặc sắc và rất tốt đẹp. Những làn điệu này đã hòa quyện trong sinh hoạt dân tộc Tày – Nùng, đặc biệt là ở tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Cao Bằng. Vì vậy, em Triệu Thị Hà – Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam mới đăng quang trong đêm chung kết ngày 11/11/2011 có hát một đoạn về "Nàng ới" trong phần thi ứng xử, không có gì lạc đề hay nhầm lẫn cả.
Nếu cá nhân, tập thể nào đó cần trao đổi hoặc phản biện trực tiếp, tôi luôn sẵn sàng đón tiếp để trao đổi. Nếu cần tổ chức hội thảo, tôi sẵn sàng đóng góp cả lý luận và thực tế vào hội thảo. Dân tộc Tày – Nùng sống chung cùng cộng đồng, việc giao thoa giữa các làn điệu dân ca đã trở thành sinh hoạt của hai dân tộc Tày – Nùng, góp phần tạo nên bản sắc thống nhất trong đa dạng các dân tộc Việt Nam. Bài viết này không phải nhằm mục đích đi tìm nguồn gốc dân ca các dân tộc Việt Nam. Vì vậy, tôi chỉ mong muốn những ai muốn biết sâu hơn về văn hóa Tày- Nùng hãy tìm đọc thêm một số tài liệu của các đồng chí Lạc Dương, Vi Hồng, Nông Minh Châu, Trần Thế, Hồng Thao, Dương Kim Bội, Triệu Kim Văn, Lê Trung Vũ, Phạm Phúc Minh, Đỗ Trọng Sủng... đặc biệt là nhạc sỹ Đỗ Minh, nói về dân ca dân gian Việt Bắc, xuất bản năm 1975, Nhà xuất bản Việt Bắc.
Chu Tuấn Thanh
Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền - Ủy ban Dân tộc