Ngày 7/1/2015, hai anh em nhà Kouachi và Amedy Coulibaly, thủ phạm của vụ xả súng, đã hét vang “Chúng tôi báo thù cho nhà tiên tri Mohammed! Chúng tôi đã giết Charlie Hebdo !” khi bước ra khỏi tòa soạn. Vụ việc này đã châm ngòi cho một loạt vụ tấn công chết người của Al-Qaeda và tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng ở châu Âu.
Ngày 11/1/2015, vài triệu người đã xuống đường tuần hành ở thủ đô Paris để phản đối phong trào thánh chiến cực đoan và bày tỏ tình cảm đối với các nạn nhân bị sát hại. Tổng thống Pháp khi đó là ông François Hollande và lãnh đạo của khoảng 50 quốc gia trên thế giới đã tham gia sự kiện lịch sử này. Từ tháng 5 -7/2020, tổng cộng 14 nghi phạm bị cáo buộc hỗ trợ hai phần tử thánh chiến gây ra vụ thảm sát đã bị đưa ra xét xử ở Paris.
Trong bối cảnh chính trường tiềm ẩn nhiều bất ổn, nước Pháp khởi đầu năm 2025 bằng lễ tưởng niệm 10 năm ngày xảy ra sự kiện Charlie Hebdo và các vụ tấn công liên tiếp ngay sau đó. Tại thủ đô Paris, sẽ diễn ra 3 buổi lễ trong ngày 7/1 với sự tham gia của Tổng thống Emmanuel Macron, một số bộ trưởng cũng như thị trưởng Paris Anne Hidalgo.
Buổi lễ tưởng niệm chính diễn ra trên phố Nicolas Appert ở quận 11, nơi đặt trụ sở của tờ Charlie Hebdo. Tại nơi này 10 năm trước, anh em nhà Kouachi đã sát hại 12 người, trong đó có 8 thành viên Ban biên tập của tờ báo châm biếm nổi tiếng. Và khi rời khỏi trụ sở Charlie Hebdo, hai phần tử này còn kịp sát hại trung úy cảnh sát Ahmed Merabet trên đại lộ Richard-Lenoir khi ông đang tìm cách ngăn chặn chúng tẩu thoát. Tòa thị chính Paris cũng tổ chức một buổi lễ tưởng niệm riêng cho viên sĩ quan này.
Buổi lễ cuối cùng được dành cho 4 nạn nhân bị sát hại tại siêu thị Hyper Kosher ở đại lộ Porte de Vincennes thuộc quận 20. Họ là những khách hàng đã thiệt mạng trong cuộc bắt giữ con tin do Amedy Coulibaly, đối tượng quen biết anh em Kouachi trong tù và cải sang đạo Hồi trong thời gian bị giam giữ, cầm đầu. Vụ bắt cóc xảy ra ở khu vực Port de Vincennes ngày 9/1/2015, trong lúc lực lượng đặc nhiệm Pháp đang vây bắt 2 nghi phạm vụ xả súng vào tòa soạn báo Charlie Hebdo.
Nhân dịp này, tuần báo Charlie Hebdo đã xuất bản một ấn bản đặc biệt dày 32 trang, in 300.000 bản. Tháng 1/2015, số báo “Tất cả đều được tha thứ” do những người sống sót ở Charlie Hebdo xuất bản vài ngày sau vụ tấn công đã bán được hơn 8 triệu bản ở Pháp và nước ngoài, trong khi bình thường tuần báo này chỉ phát hành 60.000 bản.
Charlie Hebdo vẫn đều đặn xuất bản các ấn phẩm biếm họa về tôn giáo và vì vậy, luôn là một mục tiêu tấn công của chủ nghĩa thánh chiến Hồi giáo và các phần tử tôn giáo cực đoan. Trong suốt 10 năm qua, tòa soạn của tờ báo này luôn phải duy trì các biện pháp an ninh đặc biệt nghiêm ngặt nhằm bảo vệ an toàn cho đội ngũ nhân sự trên một tinh thần cảnh giác thường trực và cao độ.
Sau vụ tàn sát tại tòa soạn Charlie Hebdo, chỉ 10 tháng sau, vào ngày 13/11/2015, 3 nhóm tay súng liên quan tới IS tự xưng đã tấn công đồng loạt vào các địa điểm công cộng ở thủ đô nước Pháp, từ bên ngoài sân vận động Stade de France tới nhà hát Bataclan, quán càphê, nhà hàng.
Các vụ tấn công này được coi là thảm kịch đẫm máu nhất tại Pháp thời hậu Chiến tranh thế giới thứ hai, khiến ít nhất 130 người thiệt mạng, hơn 400 người bị thương. Tại Bỉ, loạt vụ tấn công khủng bố hôm 22/3/2016 ở sân bay Zaventem và ga tàu điện ngầm Maenbeek ở thủ đô Brussels đã khiến 32 người thiệt mạng và 340 người bị thương.
Sau 10 năm, trong bối cảnh địa chính trị có nhiều thay đổi, châu Âu đang chứng kiến cuộc chiến tranh tại Ukraine, thánh chiến không còn nằm ở vị trí ưu tiên chiến lược hàng đầu, nhưng vẫn là một mối đe dọa tiềm tàng và thường trực đối với nước Pháp.
Theo Viện công tố Chống khủng bố quốc gia Pháp (PNAT), 10 năm sau sự kiện Charlie Hebdo, nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công khủng bố liên quan đến thánh chiến tại Pháp vẫn luôn được xác định ở mức cao, nhất là sau khi Israel mở chiến dịch quân sự thảm khốc ở Dải Gaza từ tháng 10/2023 và tổ chức IS tự xưng tấn công nhà hát Crocus City Hall ngày 22/3/2024 ở Nga. Mức độ khẩn cấp đã liên tục được duy trì trong suốt thời gian diễn ra Thế vận hội mùa Hè ở Paris cho đến nay.
Năm ngoái, châu Âu đã chứng kiến nhiều vụ việc có yếu tố khủng bố gây rúng động dư luận. Tour diễn “Eras Tour” vòng quanh thế giới của ca sĩ nổi tiếng Taylor Swift tại Vienna, Áo, trong các ngày 9-11/8 bị hủy bỏ vì phát hiện âm mưu khủng bố. Bộ Nội vụ Áo đã thông báo với nhà tổ chức về “nguy cơ khủng bố” tại sân vận động Ernst Happel - nơi diễn ra các buổi biểu diễn của Taylor Swift.
Cơ quan Tình báo Áo (DSN) thông báo bắt được nghi can 19 tuổi, người Áo có gốc Bắc Macedonia, đã tuyên thệ trung thành với IS. Tiếp đó là vụ tấn công hôm 23/8 tại Solingen, miền Tây nước Đức khiến 3 người chết và 8 người bị thương. Hung thủ là một người gốc Syria nhập cư được xác nhận là thành viên của IS. Mới đây nhất là các vụ lao xe vào chợ Giáng sinh hay tấn công bằng dao ở Đức, mà nghi phạm hành động theo kiểu "sói đơn độc".
Có thể liệt kê ra các nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng khủng bố tại châu Âu thời gian gần đây, đó là bất ổn từ đại dịch COVID-19, cuộc xung đột Ukraine cùng những khó khăn kinh tế của châu lục, di cư ồ ạt từ Trung Đông và Bắc Phi và sự len lỏi của chủ nghĩa cực đoan. Giáo sư Rik Coolsaet tại Đại học Ghent, nhận định: "Chủ nghĩa cực đoan ở châu Âu không chỉ đến từ bên ngoài mà còn phát triển từ bên trong xã hội chúng ta, nơi những cá nhân cảm thấy bị cô lập hoặc bất mãn dễ trở thành mục tiêu của các nhóm khủng bố".
Trong khi đó, sự phát triển của Internet và các phương tiện truyền thông xã hội đã giúp các nhóm khủng bố dễ dàng truyền bá thông tin sai lệch và tư tưởng cực đoan đến một lượng lớn người. Các chiến dịch tuyên truyền này không chỉ chiêu mộ thành viên mới mà còn kích động các cuộc tấn công đơn lẻ từ những cá nhân tự cực đoan hóa. IS và các chân rết gia tăng ảnh hưởng và hỗ trợ các đối tượng đơn độc, còn gọi là “sói đơn độc”.
Tìm lời giải cho bài toàn này thật không đơn giản. Cùng với tăng cường an ninh nội địa, phối hợp xuyên quốc gia, chú trọng nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là giới trẻ, giới chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết nguyên nhân gốc rễ của khủng bố, bao gồm nghèo đói, bất công và bất bình đẳng xã hội. Tương lai của an ninh châu Âu phụ thuộc nhiều vào khả năng thích ứng và đối phó với các mối đe dọa khủng bố mới.