Ấn Độ đã trở thành nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới kể từ năm 2010, trên cả Trung Quốc, Pakistan, các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Saudi Arabia.
Tàu INS Kolkata tại lễ ra mắt báo chí ngày 13/8. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo số liệu hồi tháng 3/2014 của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), kim ngạch nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ trong giai đoạn 2009 - 2013 tăng tới 111% so với giai đoạn 2004 - 2008, theo đó, thị phần nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ trên toàn cầu tăng từ 7 - 14%. Do ngoại tệ dành cho nhập khẩu thiết bị quốc phòng ngày càng tăng nên ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức ngày 26/5/2014, Chính phủ mới của đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) đã nỗ lực triển khai các kế hoạch tự sản xuất vũ khí trong nước, coi đây là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế.
Truyền thông Ấn Độ cho biết phát biểu tại lễ bàn giao tàu khu trục INS Kolkata hiện đại nhất tự chế tạo trong nước cho lực lượng hải quân nước này ngày 16/8, Thủ tướng Narendra Modi một lần nữa nhấn mạnh tới sự cần thiết phải tự lực sản xuất thiết bị quốc phòng. Ông Modi nhấn mạnh: “Chúng ta đã mời các công ty trên toàn cầu tới thành lập cơ sở tại Ấn Độ để chúng ta không phải nhập cả những thiết bị quốc phòng rất nhỏ. Sẽ đến ngày chúng ta có thể xuất khẩu những thiết bị quân sự giống như những thiết bị mà hiện chúng ta đang phải nhập. Điều này sẽ có lợi cho nền kinh tế Ấn Độ”.
Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, nhưng gần đây chính phủ đã quyết định nâng trần FDI lên 49% trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. |
Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, nhưng gần đây chính phủ đã quyết định nâng trần Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lên 49% trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng từ mức trần 26% trước đây, nhằm tăng cường sản xuất trong nước và chấm dứt sự phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu vũ khí từ nước ngoài, đồng thời hướng tới xuất khẩu thiết bị quốc phòng tới các nơi khác trên thế giới.
Cũng tại lễ bàn giao tàu INS Kolkata, Thủ tướng Modi đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự phát triển lực lượng hải quân với tự do thương mại hàng hải. Ông cho rằng trong thời gian tới, tàu INS Kolkata sẽ tạo niềm tin cho những ai tham gia hoạt động thương mại trên biển.
Việc đưa tàu INS Kolkata vào phiên chế hoạt động của hải quân Ấn Độ là một bước tiến quan trọng trong việc mở rộng “dấu chân” của Ấn Độ tới các vùng biển khơi xa xôi. Khi được đưa vào vận hành đầy đủ sau các vụ thử nghiệm thêm nữa, tàu INS Kolkata sẽ chứng tỏ khả năng thiết bị quốc phòng do nước này tự sản xuất có thể tấn công các mục tiêu trên bộ từ biển bằng cách sử dụng tên lửa hành trình BrahMos do Nga và Ấn Độ phối hợp chế tạo. INS Kolkata cũng có thể tự vệ trước các cuộc không kích, bằng việc triển khai các tên lửa mặt biển đối không, được radar đa chức năng hướng dẫn và có thể tấn công nhiều mục tiêu cùng một lúc. Tàu INS Kolkata cũng có khả năng chống lại các mối đe dọa như tàu ngầm, chủ yếu nhờ những ống phóng tự chế tạo trong nước có thể phóng ngư lôi chống những mối đe dọa ngầm dưới nước.
Các nhà phân tích cho biết giống như các tàu lớp Delhi trước đây, INS Kolkata và các tàu khu trục tiếp theo, nếu được yêu cầu sẽ hoạt động như những tàu chỉ huy và kiểm soát độc lập. Tuy nhiên, tàu INS Kolkata phụ thuộc nặng nề vào các hệ thống máy tính phức tạp để quản lý không gian chiến trận, do đó dễ đứng trước nguy cơ bị tấn công mạng.
Minh Lý