Mùa hè bạo loạn ở Anh
Thảm kịch khiến 3 trẻ em thiệt mạng trong vụ đâm dao tại một trường dạy múa ở thị trấn Southport, Tây Bắc vùng England ngày 29/7 đã dẫn đến làn sóng bạo loạn tồi tệ nhất nước Anh kể từ năm 2011.
Các tài khoản mạng xã hội cực đoan đã lan truyền những tin tức sai sự thật rằng nghi phạm là một người Hồi giáo nhập cư bằng thuyền vào năm ngoái, nằm trong danh sách theo dõi của cơ quan tình báo MI6. Thông tin giả này lan truyền nhanh đến mức cảnh sát Anh buộc phải phá lệ, công bố danh tính nghi phạm. Đó là Axel Rudakubana, 17 tuổi, sinh ra tại Cardiff, Anh và sống gần thành phố Southport. Cảnh sát chưa công bố động cơ của nghi phạm, nhưng cho hay đây không phải vụ tấn công khủng bố. Song những lời đồn đại vẫn không dừng lại, châm ngòi cho cuộc bạo loạn.
Vụ bạo loạn đầu tiên xảy ra ở Southport ngày 30/7 tại một buổi cầu nguyện cho các nạn nhân. Hàng trăm người biểu tình tụ tập bên ngoài một đền thờ Hồi giáo, trong đó đám đông đã phóng hoả xe, ném gạch, đá và pháo sáng vào đền thờ và cảnh sát, khiến hàng chục người bị thương.
Từ ngày 31/7 đến 9/8, khoảng 100 cuộc biểu tình cực hữu và bạo loạn đã nổ ra tại hàng loạt thành phố lớn trên khắp nước Anh, trong đó có London, Hartlepool, Manchester và Aldershot. Cho đến nay cảnh sát đã bắt giữ trên 400 đối tượng có các hành vi gây rối trật tự công cộng.
Nguồn cơn sóng bạo loạn
Làn sóng bạo loạn đã gây bất ngờ đối với người dân Anh cũng như lực lượng cảnh sát và chính phủ, cho thấy hiểm họa ghê gớm của thông tin sai lệch trên mạng xã hội khi những tin giả kích động kỳ thị chủng tộc, tôn giáo dễ dàng qua mặt công chúng và được chia sẻ với tốc độ chóng mặt, bùng phát thành bạo lực trên đường phố.
Bộ trưởng Nội vụ Anh Yvette Cooper tuyên bố các công ty truyền thông xã hội phải chịu một phần trách nhiệm khi là “bệ phóng” cho các thông tin sai lệch và khuyến khích bạo lực. Bà cho biết chính phủ sẽ theo đuổi vấn đề này với các công ty công nghệ lớn, để đảm bảo ngăn chặn hiệu quả thông tin sai lệch và kích động bạo lực trực tuyến, đồng thời nhanh chóng phát hiện và gỡ bỏ nội dung độc hại.
Nhiều nhà bình luận và chuyên gia cho rằng nguyên nhân sâu xa của cuộc bạo loạn không chỉ là hành vi bạo lực đơn thuần, mà còn phản ánh sự bất mãn xã hội lớn hơn. Một số ý kiến cho rằng các cuộc bạo loạn này là kết quả của sự thất vọng về chính phủ và tình trạng xã hội hiện tại.
Theo một nguồn tin giấu tên trong ngành giáo dục, các cuộc bạo loạn này xuất phát từ sự thất vọng tích tụ lâu dài đối với tình trạng quản lý đất nước, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình di cư và những chính sách của chính phủ.
Một yếu tố khác là tình trạng bất bình đẳng xã hội và sự phân bổ không công bằng tài nguyên. Nghiên cứu cho thấy sự gia tăng bất bình đẳng giàu nghèo đã tạo điều kiện cho sự lan truyền của thông tin sai lệch và sự bất mãn trong cộng đồng. Sự thất vọng với chính phủ về việc không giải quyết được các vấn đề xã hội cơ bản đã dẫn đến việc tìm kiếm những đối tượng để đổ lỗi, trong đó có những người nhập cư và người xin tị nạn.
Mặc dù có những lo ngại về tình trạng nhập cư, dữ liệu cho thấy rằng hầu hết người dân Anh không coi đây là vấn đề ưu tiên trong cuộc bầu cử gần đây. Nghiên cứu từ Noah Carl chỉ ra rằng trong cuộc bầu cử quốc gia, nhiều cử tri đã bỏ phiếu cho các đảng chính trị ủng hộ di cư hơn là các đảng chống di cư. Điều này cho thấy rằng sự bất mãn không hoàn toàn chỉ xoay quanh vấn đề nhập cư mà còn liên quan đến các vấn đề xã hội khác như chi phí sinh hoạt và dịch vụ công.
Tóm lại, các cuộc bạo loạn ở Anh mùa hè năm 2024 phản ánh một sự kết hợp phức tạp của nhiều yếu tố, bao gồm sự thất vọng về chính phủ, thông tin sai lệch trên mạng xã hội, và tình trạng bất bình đẳng xã hội. Sự kết hợp giữa các yếu tố này đã tạo ra một môi trường dễ bị kích động và dẫn đến các cuộc bạo loạn gần đây.
Bài toán quan trọng với Thủ tướng Starmer
Các cuộc bạo loạn diễn ra ở Anh suốt 2 tuần qua đã đặt ra thách thức trực tiếp đầu tiên với Thủ tướng mới Keir Starmer. Các nhà phân tích cho biết thách thức lớn nhất chính là xoa dịu căng thẳng do các nhóm cực hữu gây ra - về vấn đề nhập cư và làm suy yếu các dịch vụ công - đặc biệt là ở những khu vực vốn đã suy thoái từ lâu.
Ông Steven Fielding, Giáo sư danh dự về lịch sử chính trị tại Đại học Nottingham, cho biết: “Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy công chúng rõ ràng ủng hộ nỗ lực của ông Starmer trong việc trấn áp những người biểu tình bạo lực, rất nhiều người coi những kẻ bạo loạn là côn đồ muốn phản đối tình trạng nhập cư”.
Giáo sư Fielding nói thêm rằng Thủ tướng Starmer, người đã hứa sẽ cắt giảm số lượng người di cư, cần theo dõi và thực hiện những điều ông đã cam kết. Đồng thời lưu ý rằng “không phải ngẫu nhiên” mà bạo lực bùng phát ở một số khu vực kinh tế khó khăn.
Mối lo ngại về vấn đề nhập cư, từng giảm ở Anh sau Brexit, đã gia tăng trở lại và khi việc làm khan hiếm và dịch vụ chăm sóc sức khỏe cùng các dịch vụ khác quá tải. Điều này đã biến người nhập cư trở thành mục tiêu nhắm đến của phe cực hữu.
Ông Sunder Katwala, Giám đốc Viện nghiên cứu British Future, cho rằng Thủ tướng Starmer phải chứng minh rằng ông có thể khôi phục những lĩnh vực bị lãng quên mà phe cánh hữu đã tìm được sự ủng hộ bằng cách củng cố việc làm và các dịch vụ công.
Những người thân cận với Thủ tướng Starmer cho biết ông đang kiểm soát được tình trạng hỗn loạn này, dựa trên kinh nghiệm của ông với tư cách là công tố viên trưởng vào năm 2011, khi các cuộc bạo loạn diễn ra ở London. Khi đó, ông đã thúc đẩy việc xét xử, tuyên án và bỏ tù những người chịu trách nhiệm một cách nhanh chóng để răn đe những đối tượng khác.
Song bà Claire Ainsley, cựu Giám đốc chính sách của ông Starmer, cho rằng việc đảm bảo tình trạng bạo lực tương tự không tái diễn sẽ rất khó khăn. “Phe cực hữu luôn tồn tại cả trong thời kỳ kinh tế ổn định và khó khăn. Nhưng việc gây tác động tới nền kinh tế ổn định hơn sẽ khó hơn nhiều đối với phe cực hữu”, bà nói thêm.
Các nhà phân tích khác lưu ý đến bối cảnh của các cuộc bạo loạn. Sau nhiều năm thất hứa trong việc giảm tình trạng nhập cư và tranh cãi về nỗ lực đưa một số người xin tị nạn đến Rwanda bằng thuyền nhỏ của các chính phủ tiền nhiệm, người nhập cư chính là mục tiêu cụ thể của các cuộc bạo loạn gần đây. Tại Rotherham, một khách sạn của người tị nạn đã bị tấn công vào ngày 4/8, điều này phản ánh mức độ nghiêm trọng của tình trạng bạo loạn.
Giới chuyên gia nhận định dù Thủ tướng Starmer có thể hạ nhiệt tình hình chính trị, nhưng các lựa chọn thực tế của ông để hạn chế việc vượt eo biển Manche là có hạn.
Một điều mà chính phủ mới dự định thực hiện là đẩy nhanh hệ thống xử lý đơn xin tị nạn để cắt giảm số lượng người di cư được bố trí ở khách sạn do công quỹ chi trả. Đây cũng là nguồn cơn gây bất bình cho những người biểu tình phản đối người nhập cư. Những người xin tị nạn ở Anh thường được bố trí ở những khu vực kém giàu có hơn, nơi chi phí khách sạn thấp hơn, khiến họ trở thành mục tiêu trong các cuộc bạo loạn gần đây.
Việc kiểm soát biên giới đất nước là một vấn đề chính trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 mà người Anh đã bỏ phiếu cho Brexit. Tuy nhiên, kể từ Brexit, lượng nhập cư hợp pháp đã tăng gấp 3 lần, chỉ giảm nhẹ so với mức đỉnh điểm năm 2022 - mức cao nhất từng được ghi nhận.
Trong khi đó, Anh cũng phụ thuộc rất nhiều vào lao động nước ngoài để lấp đầy việc làm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và nhiều lĩnh vực khác. Người nhập cư cũng được coi là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước này, vì vậy việc cắt giảm là rất khó khăn.
Giới phân tích cho rằng sẽ rất khó để cắt giảm số lượng người di cư hơn nữa mà không gây tổn hại đến các lĩnh vực quan trọng, hoặc cản trở mục tiêu cốt lõi của ông Starmer là phục hồi nền kinh tế để giảm bớt cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt của Anh.
Rõ ràng, tình trạng bất ổn gần đây cho thấy việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phục hồi các thành phố bị lãng quên và đầu tư vào các dịch vụ công đang xuống cấp chưa bao giờ quan trọng hơn thế.