Đây có thể xem là một bước khởi động cần thiết mở ra hướng đối thoại trong hồ sơ hạt nhân Triều Tiên trong bối cảnh chính quyền mới tại Nhà Trắng đang cân nhắc chính sách đối với Bình Nhưỡng và quốc gia Đông Bắc Á này vừa thực hiện các vụ phóng thủ tên lửa mới.
Theo Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Suh Hoon, giới chức an ninh ba nước đã nhất trí về tính cấp thiết của vấn đề hạt nhân Triều Tiên và sự cần thiết phải có một giải pháp ngoại giao cho vấn đề này. Trên cơ sở đó, Mỹ - Nhật - Hàn cũng thống nhất về "những nỗ lực nhằm nối lại tiến trình đàm phán Triều Tiên - Mỹ trong thời gian sớm nhất".
Ngoài việc tham dự các cuộc đàm phán ba bên, cố vấn an ninh quốc gia ba nước cũng có các cuộc hội đàm song phương riêng rẽ, thảo luận về việc tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề như chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên và các kế hoạch hợp tác giữa Hàn Quốc và Nhật Bản nhằm thúc đẩy hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Ông Suh Hoon nêu rõ mục tiêu của phía Hàn Quốc là thúc đẩy một kế hoạch đàm phán với Triều Tiên và tái khởi động đàm phán phi hạt nhân hóa càng sớm càng tốt.
Cuộc gặp này diễn ra trong bối cảnh khá đặc biệt. Đó là chính quyền của Tổng thống Biden đang trong giai đoạn cuối xem xét chính sách đối với Triều Tiên để có hướng tiếp cận mới. Theo giới chức Washington, cuộc gặp là cơ hội để Seoul và Tokyo đưa ra ý kiến đóng góp cho chính sách mới của Nhà Trắng. Quá trình này gồm các cuộc tham vấn sâu rộng với các thành viên của chính quyền tiền nhiệm về các cam kết ngoại giao với Triều Tiên. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price, phi hạt nhân hóa sẽ vẫn là trọng tâm trong chính sách ngoại giao của Mỹ đối với Triều Tiên.
Trước đó ít ngày, Triều Tiên đã tiến hành nhiều vụ thử tên lửa hành trình, mà Hàn Quốc và Nhật Bản cho rằng thực chất là tên lửa đạn đạo - hành động vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Mỹ đã đề nghị triệu tập ủy ban trừng phạt của cơ quan trên, một mặt tuyên bố sẽ có hành động đáp trả nếu Bình Nhưỡng leo thang căng thẳng, một mặt tuyên bố vẫn để ngỏ cánh cửa ngoại giao.
Do vậy, kết quả cuộc gặp giữa Cố vấn an ninh quốc gia ba nước Mỹ - Hàn - Nhật theo hướng thống nhất thúc đẩy giải pháp ngoại giao trong xử lý hồ sơ hạt nhân Triều Tiên được xem là một bước khởi động cần thiết. Theo giới quan sát, kết quả các cuộc hội đàm ba bên và song phương tại Mỹ cho thấy ba nước ý thức sâu sắc việc phải phối hợp trong khuôn khổ quan hệ đối tác và hòa hợp, thống nhất định hướng chung về các giải pháp hòa bình.
Các nhà phân tích nhận định các sự kiện tại Maryland phản ánh cam kết của chính quyền Tổng thống Biden trong việc mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác với các đồng minh trong vấn đề Triều Tiên. Trước thực tế mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đã bị "đóng băng" trong những năm gần đây do hàng loạt vấn đề như lao động cưỡng bức, yêu cầu bồi thường cho những phụ nữ Hàn Quốc bị bắt làm nô lệ tình dục thời chiến tranh và tranh chấp thương mại, đã có nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngờ cuộc gặp này có thể cải thiện quan hệ giữa hai nước.
Ông Duyeon Kim, nhà nghiên cứu cấp cao của Chương trình an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, bình luận điều quan trọng là ba nước thống nhất và phối hợp chặt chẽ trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Chuyên gia Sue Mi Terry, nhà nghiên cứu phụ trách các vấn đề Triều Tiên tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, cho rằng mâu thuẫn cơ bản giữa Nhật Bản và Hàn Quốc trong lịch sử là điều "không thể thay đổi được", song "ít nhất bầu không khí đã được cải thiện phần nào” do chính quyền của Tổng thống Biden đã ưu tiên thúc đẩy Seoul và Tokyo xích lại gần nhau hơn hoặc ít nhất là ít mâu thuẫn hơn.
Đánh giá tình hình thực tế với các nỗ lực trước đây, có thể thấy phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên vẫn luôn là một thách thức đối với các chính quyền tại Mỹ. Một số người tiền nhiệm của Tổng thống Biden đã thất bại trong mục tiêu giải giáp chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Cựu Tổng thống Barack Obama đã thừa nhận rằng chính sách mềm dẻo của ông trong vấn đề này không hiệu quả.
Dưới thời ông và ông Biden trên cương vị Phó Tổng thống Mỹ khi đó, Triều Tiên đã tiến hành 4 vụ thử hạt nhân. Trước đó, Tổng thống George Bush cũng trong tình trạng tương tự dù theo đuổi các biện pháp cứng rắn. Với Tổng thống vừa mãn nhiệm Donald Trump, các biện pháp xây dựng lòng tin và đối thoại cuối cùng cũng rơi vào ngõ cụt dù ông cùng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có tới 3 lần đối thoại trực tiếp.
Theo giới phân tích, với việc Triều Tiên thử tên lửa tầm ngắn mới và cho tới nay vẫn từ chối đối thoại với chính quyền mới tại Mỹ, vấn đề đặt ra lúc này là cần có các bước đi cụ thể như nới lỏng, dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, thúc đẩy các kênh đối thoại đa phương để từng bước xây dựng lòng tin, khởi động cho các giải pháp mang tính căn cơ hơn.
Trên nền tảng nhận thức đó, việc chính quyền của Tổng thống Biden tăng cường liên minh với Hàn Quốc và Nhật Bản, đạt được đồng thuận giữa ba nước về thúc đẩy giải pháp ngoại giao trong xử lý hồ sơ hạt nhân Triều Tiên rõ ràng là một hướng đi đúng đắn để từ đó xây dựng lòng tin và thuyết phục Triều Tiên cùng đối thoại. Hướng đi này càng có cơ sở hơn khi Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất Triều Tiên Choe Son-hui thể hiện rõ lập trường rằng Bình Nhưỡng sẽ theo đuổi nguyên tắc "quyền lực đổi quyền lực, thiện chí đổi thiện chí" và sẽ không đối thoại với Nhà Trắng dưới bất kỳ hình thức nào trừ phi Mỹ rút lại chính sách thù địch chống Triều Tiên.
Trong hành trình này, Hàn Quốc cũng đang nỗ lực tìm cách vượt qua những trở ngại để cải thiện quan hệ, tái khởi động hợp tác liên Triều và tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nhiều lần tuyên bố với cả Triều Tiên và cộng đồng quốc tế rằng họ sẽ theo đuổi hợp tác nhân đạo, bao gồm cả việc kiểm dịch COVID-19, để khôi phục quan hệ liên Triều.
Chỉ khi các bước đi này được thực hiện triệt để với thiện chí thực sự của các bên liên quan mới có thể bàn đến một cuộc đàm phán trong tương lai với sự tham dự của Triều Tiên.