Việc Mỹ, Anh và các đồng minh đổ lỗi cho Iran ngay sau khi các vụ tấn công xảy ra, và Washington lập tức điều tàu khu trục USS Mason đến vùng Vịnh, càng khiến khả năng đối đầu quân sự giữa hai bên, kèm theo một cuộc chiến đầy rủi ro tại khu vực, trở nên rõ nét hơn.
Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên Iran bị Mỹ và đồng minh "gọi tên" trong các vụ tấn công tàu tại vùng Vịnh, vốn cũng xảy ra thường xuyên một cách khá bất thường thời gian gần đây, nhất là sau khi Tổng thống Donald Trump tháng 5/2018 tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1, hay còn được gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), và tái áp đặt trừng phạt quốc gia Trung Đông này.
Chỉ trong vòng một tháng gần đây, đã có ít nhất 5 vụ tàu chở dầu bị tấn công trong khu vực nhạy cảm này, mà Washington luôn cáo buộc Iran đứng sau, bất chấp Tehran kiên quyết bác bỏ và nhiều lần khẳng định trách nhiệm đảm bảo an ninh tại vùng Vịnh.
Cuối tháng trước, Mỹ và các đồng minh khu vực cũng tuyên bố về "sự dính dáng của Tehran" trong loạt vụ tấn công nhằm vào 4 tàu chở dầu ngoài khơi bờ biển Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và 2 trạm bơm dầu của Saudi Arabia. Tuy nhiên, vụ tàu Front Altair của Na Uy và Kokuka Courageous của Nhật Bản bị tấn công tại vịnh Oman ngày 13/6 mang tính chất phức tạp hơn nhiều bởi "yếu tố nước ngoài".
Những con tàu bị tấn công là của các quốc gia có thể coi là "trung lập" trong căng thẳng giữa Mỹ và Iran, chưa kể Nhật Bản còn là nước sẵn sàng làm "cầu nối" giúp Washington và Tehran hóa giải bất đồng, thậm chí vào thời điểm xảy ra vụ tấn công, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang có chuyến công du Iran với "sứ mệnh" làm dịu căng thẳng trong khu vực. Với những cáo buộc nhằm vào Iran trong vụ tấn công tàu nước ngoài tại tuyến đường vận chuyển dầu quan trọng gần eo biển Hormuz chiến lược này, có vẻ hình ảnh Tehran qua lăng kính của Mỹ đang được "tô vẽ" chẳng khác nào một "mối đe dọa".
Có thể thấy sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015, Washington đã triển khai chính sách “gây sức ép tối đa” đối với Tehran gồm trừng phạt, răn đe quân sự và tập hợp đồng thuận quốc tế để cô lập Iran, từ đó ép quốc gia Trung Đông ngồi vào bàn đàm phán thỏa thuận hạt nhân mới. Giới chức Mỹ không ít lần công khai tuyên bố mục tiêu loại bỏ chương trình hạt nhân Iran, ngăn chặn chương trình tên lửa đạn đạo và kiềm chế ảnh hưởng của Iran tại khu vực.
Ngoài tái áp đặt và siết chặt trừng phạt, Mỹ đã liệt Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran (IRGC) vào danh sách đen gọi là "tổ chức khủng bố", chấm dứt quy chế miễn trừ cho 8 nước và vùng lãnh thổ được tiếp tục mua dầu thô Iran, tăng cường hiện diện quân sự tại Trung Đông...
Theo giới chuyên gia, những động thái của Mỹ nhằm vào Iran, ngoài việc o ép buộc Iran thực hiện những điều kiện của Washington, còn tạo thuận lợi để Mỹ gia tăng ảnh hưởng và thiết lập mới trật tự mới tại khu vực Trung Đông. Trong bối cảnh Tổng thống Trump đang cần một thắng lợi ngoại giao để yểm trợ cho chiến dịch vận động tranh cử nhiệm kỳ hai đã rất gần, vấn đề Iran được đặc biệt quan tâm. Với hình ảnh một Iran được mô tả như "mối đe dọa" ở khu vực, Mỹ sẽ có "lý do hợp lý" để "triển khai một loạt hành động để khôi phục khả năng răn đe, trong đó bao gồm cả một phản ứng quân sự" nhằm vào Tehran, như tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.
Trừng phạt của Mỹ có khả năng đẩy Iran rơi vào suy thoái kinh tế và loại bỏ các lợi ích kinh tế của Tehran khi ký kết JCPOA. Tính đến tháng 4/2019, tỷ lệ lạm phát hằng năm của Iran đã lên tới 51,4%, trong khi theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng GDP của Iran được dự báo giảm 6% năm nay sau khi đã giảm 3,9% năm ngoái, trong khi lĩnh vực ngân hàng và tài chính của Iran có nguy cơ rơi vào khủng hoảng trầm trọng do bị trừng phạt.
Từ tháng 5/2018, sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA và tái áp đặt các lệnh trừng phạt, xuất khẩu dầu thô của Iran đã giảm hơn 50%, xuống còn gần 1 triệu thùng/ngày. Iran đã mất 10 tỷ USD kể từ khi lệnh trừng phạt ban đầu của Mỹ có hiệu lực vào cuối năm ngoái. Cơ chế Instex giữa Liên minh châu Âu (EU) và Iran hiệu quả không cao vì các công ty lớn của EU không dám mạo hiểm làm ăn với Iran do lo ngại bị Mỹ trừng phạt. Đến nay, EU và Nga, Trung Quốc chưa cho thấy có khả năng đưa ra được các biện pháp có hiệu quả để bảo vệ thương mại song phương với Iran, tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Ở một khía cạnh khác, đòn trừng phạt của Mỹ cũng ít nhiều gây tình trạng rối loạn trong xã hội Iran, làm suy yếu vị thế chính trị của Tổng thống Hassan Rouhani, mở ra cơ hội cho giới cứng rắn và bảo thủ tại Iran gia tăng quyền lực.
Hiện Iran đang đáp trả chính sách của Mỹ theo từng bước một cách tương đối thận trọng, bên cạnh đó luôn để ngỏ cánh cửa đối thoại. Iran đã tạm dừng thực hiện 2 cam kết tự nguyện trong thỏa thuận hạt nhân, nêu điều kiện 60 ngày đối với nhóm 3 nước EU (còn gọi là E3 gồm Anh, Pháp, Đức), Nga và Trung Quốc để bảo đảm lợi ích kinh tế cho Iran nếu muốn Tehran tiếp tục duy trì JCPOA.
Trong diễn biến mới nhất, Iran tuyên bố kể từ ngày 27/6 sẽ "bỏ qua những hạn chế về dự trữ urani theo JCPOA", trừ khi "những bên khác tham gia thỏa thuận tuân thủ theo các cam kết của họ", cụ thể là các nước châu Âu có những hành động thực tế, chứ không chỉ bằng lời nói, nhằm giúp bảo vệ nước cộng hòa Hồi giáo trước những lệnh trừng phạt từ Washington.
Những động thái từ phía Iran cho thấy Tehran không muốn tình hình vượt tầm kiểm soát dẫn tới xung đột quân sự với Mỹ. Ở thời điểm hiện nay, Iran ít có khả năng rút hoàn toàn khỏi JCPOA, tái khởi động chương trình hạt nhân vì một quyết định như vậy không đưa đến lợi ích kinh tế, trái lại có thể "kích động", buộc Mỹ phải tăng cường trừng phạt hoặc tiến hành đáp trả quân sự nhằm vào Iran để "giữ thể diện nước lớn".
Nếu JCPOA sụp đổ, E3 cũng sẽ ủng hộ Mỹ trừng phạt Iran. Các chuyên gia cho rằng Iran rút một phần khỏi JCPOA như một biện pháp "câu giờ" nhằm ổn định tình hình chính trị nội bộ, tập hợp đoàn kết toàn dân đối phó trừng phạt của Mỹ, tạo áp lực để EU có biện pháp phù hợp đối với Mỹ, đồng thời tìm kiếm lợi thế trên bàn đàm phán trong tương lai, thậm chí "chờ đợi" những thay đổi trên chính trường Mỹ sau cuộc bầu cử năm 2020.
Các vụ việc tàu thương mại bị tấn công khi di chuyển ra-vào vùng Vịnh thời gian qua cho thấy căng thẳng Mỹ-Iran có khả năng tác động đến tăng trưởng kinh tế thế giới và sự ổn định nguồn cung năng lượng toàn cầu. Cho tới thời điểm hiện tại, giá dầu thô thế giới chưa biến động đáng kể, một phần vì chiến tranh thương mại Mỹ-Trung làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 và 2020, dẫn tới làm giảm nhu cầu về tiêu thụ dầu thô toàn cầu. Trong ngắn hạn, nguồn cung dầu thô đá phiến của Mỹ có khả năng bù đắp nhu cầu thị trường. Ngoài ra, Iran cũng ít có khả năng phong tỏa eo biển Hormuz vì phong tỏa đồng nghĩa với tuyên chiến.
Nếu Mỹ gây chiến, Iran có thể buộc phải làm gián đoạn các hoạt động vận chuyển dầu thô trên các tuyến đường biển ra-vào vùng Vịnh. Kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế Mỹ. Đây là điều mà Tổng thống Trump luôn e ngại vì tăng trưởng và việc làm là khẩu hiệu của ông chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ hai sắp tới. Về phần mình Iran luôn ý thức rằng đối đầu quân sự với Mỹ là thảm họa.
Mặc dù cả Mỹ và Iran đều tuyên bố không muốn có chiến tranh, nhưng do chưa bên nào cho thấy sẵn sàng nhượng bộ, trong khi các nhân tố hòa giải chưa đạt được kết quả tích cực, nên căng thẳng Mỹ-Iran sẽ tiếp tục leo thang. Đơn cử như Nhật Bản với nỗ lực của Thủ tướng Abe, song Tokyo không có công cụ đủ mạnh để gây ảnh hưởng lên cả hai phía. Nhật Bản cũng khó có thể đóng vai trò trung gian hòa giải chính thức vì, giống như với Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn đàm phán trực tiếp với lãnh đạo Iran. Bởi vậy Nhật Bản chỉ có thể chuyển tải thông điệp giữa hai nước ở giai đoạn đầu.
Thời gian tới, Mỹ sẽ tiếp tục gia tăng sức ép và răn đe Iran bằng việc tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực, không loại trừ khả năng xảy ra các va chạm quân sự ở mức độ hạn chế giữa hai bên, nhưng sẽ khó dẫn tới chiến tranh quy mô trên tầm mức khu vực, cũng chưa thể sớm có đàm phán chính thức vì quá trình mỗi bên tìm kiếm lợi thế trên bàn thương lượng sẽ cần thời gian.
Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng Tehran/Washington chưa thể hóa giải, việc Mỹ và các đồng minh trong khu vực, bao gồm những quốc gia luôn coi Iran là "thù địch" như Saudi Arabia và UAE, khăng khăng đổ lỗi cho Iran trong các vụ tấn công tàu dân sự ở vùng Vịnh có thể trở thành "mồi lửa" kích động một cuộc khủng hoảng mới tại khu vực, nhất là khi những nhân vật theo đường lối cứng rắn trong nội bộ Iran đang chiếm ưu thế.
Tình thế “bên miệng hố chiến tranh” mà Mỹ và Iran đang theo đuổi có thể “già néo đứt dây” dẫn tới chiến tranh nếu hai bên không chịu nhượng bộ lẫn nhau và không sớm thiết lập được kênh giao tiếp, cho dù là thông qua nước thứ ba và ở cấp thấp. Chính vì vậy, tại thời điểm hiện nay, rất cần có nhân tố “X”, trước hết là các nước có lợi ích liên quan, thúc đẩy nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng.